Làng võng gai xuất ngoại của người Thổ

02/07/2023 - 06:31

PNO - Chẳng biết có từ khi nào, nhưng hiện nay, hàng chục phụ nữ dân tộc Thổ ở Nghệ An vẫn đang nỗ lực duy trì và truyền dạy nghề đan võng gai truyền thống của dân tộc mình trước nguy cơ mai một.

Gìn giữ nghề cha ông để lại

Sáng sớm, hơn chục người phụ nữ xóm Long Thọ (xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, Nghệ An) tập trung đến nhà một thành viên trong câu lạc bộ (CLB) đan võng gai để làm cho kịp các đơn hàng cho khách. “Dịp này hàng làm ra không đủ để bán nên chúng tôi tranh thủ gọi chị em làm cả ngày lẫn đêm” - bà Trương Thị Thống - Chủ nhiệm CLB đan võng gai truyền thống xã Giai Xuân - nói.

Phụ nữ Thổ chọn lựa cây gai thu hoạch để làm võng - Ảnh: Quỳnh Lưu
Phụ nữ Thổ chọn lựa cây gai thu hoạch để làm võng - Ảnh: Quỳnh Lưu

Nói đến nghề truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số ở miền Tây Nghệ An, nếu như người dân tộc Thái có nghề dệt thổ cẩm, người Mông có nghề rèn, người Khơ Mú có nghề đan lát, thì người Thổ ở xã “thuần Thổ” như Giai Xuân lại có nghề đan võng gai. Bà Bùi Thị Thiết (66 tuổi, trú xã Giai Xuân) nói rằng, họ cũng chẳng biết nghề đan võng có từ bao giờ. 

Xưa kia, phụ nữ Thổ học đan võng gai cũng như người phụ nữ Thái học dệt vải. Bà Thiết cho biết, cứ nhìn bà, nhìn mẹ đan võng rồi tự mày mò, nhớ và làm theo. Võng gai của người Thổ làm ra không chỉ để phục vụ nhu cầu trong sinh hoạt gia đình mà còn được dùng để đổi lấy váy mặc, lấy gạo ăn hoặc những vật dụng trong nhà. 

Nguyên liệu để dệt võng gai chính là sợi từ vỏ cây gai mọc rất nhiều ở miền núi xứ Nghệ. Cây gai sau khi trồng nửa năm có thể chặt về tước vỏ phơi khô để làm sợi đan võng. "Khi thu hoạch cây gai, mọi người có thể lấy lá để bán cho các cơ sở làm bánh gai. Còn phần thân giữ lại để làm võng" - bà Thống nói.

Lột vỏ gai được xem là công đoạn khó và đòi hỏi sự kiên trì - Ảnh: Quỳnh Lưu
Lột vỏ gai được xem là công đoạn khó và đòi hỏi sự kiên trì - Ảnh: Quỳnh Lưu

Làm được một chiếc võng gai phải trải qua nhiều công đoạn. Trước hết là chọn những cây gai đã già, tuốt vỏ để lấy sợi phơi khô. Sau đó tết sợi gai thành quai võng, chọn loại then, đan võng… Tất cả đều làm bằng tay. 

Mất nhiều thời gian nhất là khâu lột vỏ gai. Thân cây gai chỉ bằng chiếc đũa, khi lột vỏ phải kiên trì, khéo léo để không làm dây đứt. Sợi gai sau khi bóc ra được đem phơi đủ nắng, sau đó mới chọn sợi và tết quai. Thông thường, mỗi cái võng hoàn thành thường phải mất từ 15 - 40 ngày. Nếu nhiều người cùng làm có thể đẩy nhanh tiến độ. 

Nhưng rồi cái nghề truyền thống của người Thổ dần đứng trước nguy cơ mai một bởi tác động của thời gian. Càng về sau, người trẻ càng ít mặn mà vì thu nhập bấp bênh. Với mong muốn duy trì và phát triển nghề truyền thống của dân tộc Thổ một cách bài bản, từ năm 2015, Chi hội Phụ nữ xóm Long Thọ đã thành lập CLB đan võng gai truyền thống, đến nay thu hút hơn 30 hội viên tham gia. 

Đến nay, đã có hơn 50 phụ nữ tham gia vào CLB đan võng gai truyền thống xã Giai Xuân - Ảnh: Quỳnh Lưu
Đến nay, đã có hơn 50 phụ nữ tham gia vào CLB đan võng gai truyền thống xã Giai Xuân - Ảnh: Quỳnh Lưu

“Đến nay đã có 2 CLB đan võng gai ở 2 xóm với hơn 50 người tham gia. Trung bình mỗi tháng một người kiếm được 2 đến 2,5 triệu đồng từ việc đan võng. Thu nhập không cao, nhưng lợi thế là mọi người có thể tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm” - bà Thống nói.

Hàng làm không đủ bán, nhưng lớp trẻ không mặn mà

Dù không còn phổ biến, nhưng nghề đan võng gai vẫn được duy trì, bảo tồn và có tiềm năng xây dựng thành sản phẩm đặc trưng của địa phương. Theo bà Thống, võng gai không phong phú về mẫu mã song vẫn được rất nhiều người ưa chuộng vì êm mát, thân thiện với môi trường và rất bền. Hiện võng gai cũng được bán đi nhiều nơi trên cả nước.

Đan võng gai đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo... bởi thế hiện người theo nghề chỉ còn lại những phụ nữ lớn tuổi - Ảnh: Quỳnh Lưu
Đan võng gai đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo... bởi thế hiện người theo nghề chỉ còn lại những phụ nữ lớn tuổi - Ảnh: Quỳnh Lưu

Theo người dân địa phương, cái khó - cũng là nét tinh hoa nhất của võng gai người Thổ - là cách tết phần tăng võng và tạo hoa văn từng mắt võng. Từng sợi gai được đôi bàn tay những người phụ nữ vừa đan, vừa xoắn sao cho săn chắc. Tùy thuộc vào cách tết, cách bố trí hoa văn khác nhau mà có võng được tết then hai, then ba, có võng tết then sáu, then bảy. Do quá trình làm võng gai tỉ mỉ, thủ công nên không thể sản xuất hàng loạt. 

Một chiếc võng gai hiện có giá từ 800.000 - 1.000.000 đồng. Những loại đặc biệt hơn, làm theo đơn đặt hàng riêng thì có giá từ 1,5 - 3 triệu đồng. Theo bà Thống, võng gai của chị em người Thổ hiện “làm đến đâu hết đến đấy”. 

“Không lo hàng làm ra không bán được. Nhưng giờ đây chỉ có phụ nữ lớn tuổi còn đam mê và tham gia đan võng gai, còn lứa thanh niên không mặn mà. Lớp trẻ cho rằng thu nhập từ nghề đan võng quá thấp, đi làm công ty lương có thấp cũng được vài triệu, gấp đôi ở nhà đan võng nên không mấy ai muốn theo nghề” - bà Thống trăn trở.

Bà Nguyễn Thị Anh Trâm - Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Kỳ - cho biết, hội đang phối hợp với một số ban, ngành liên quan tổ chức khảo sát các làng nghề của người Thổ để nhân rộng mô hình và tìm kiếm thị trường tiêu thụ với mục tiêu bảo tồn và phát huy nghề đan võng gai truyền thống của người Thổ. 

Phan Ngọc

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI