Làng trường thọ, người trăm tuổi vẫn thái rau, chăm gà

11/02/2024 - 06:58

PNO - Đã ngoài 100 tuổi, song nhiều cụ ở làng Ngọc Đoài vẫn còn minh mẫn trò chuyện với con cháu, thậm chí ngày ngày thái rau, chăm đàn gà. Nơi đây còn được gọi là làng trường thọ bởi tuổi đời cao, hiếm người mắc bệnh hiểm nghèo.

Trăm tuổi vẫn “bao” việc nhà

Sáng sớm, cụ Đặng Thị Trâm (105 tuổi, trú làng Ngọc Đoài, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) đã hì hục ngồi thái cây chuối. Thao tác không còn quá nhanh như vài năm trước, nhưng độ tỉ mỉ thì vẫn vậy. Sau khi thái, cụ Trâm băm nhỏ thân cây chuối, trộn với ít cơm nguội rồi mang ra sau vườn cho đàn gà ăn. 

Thấy mẹ hì hục bằm rau cho gà rồi quét dọn nhà cửa, bà Hồ Thị Tĩnh (74 tuổi, con dâu cụ Trâm) chỉ cười nói: “Cụ là vậy đó, làm việc thì ăn cơm mới ngon”. Con cháu cũng đã nhiều lần khuyên nghỉ ngơi nhưng cụ nhất quyết không chịu, đòi làm việc nhà, vì đó là thói quen từ lâu của mình. 

Cụ Trâm vẫn đều đặn thái cây chuối nuôi gà mỗi ngày dù đã 105 tuổi - Ảnh: Phan Ngọc
Cụ Trâm vẫn đều đặn thái cây chuối cho gà mỗi ngày dù đã 105 tuổi - Ảnh: Phan Ngọc

Dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng cụ Trâm vẫn còn khá minh mẫn. Ngày lễ, tết, con cháu về đông đủ đến chúc sức khoẻ, cụ đều nhớ rõ tên tuổi, hỏi thăm từng người. “Mấy năm nay, mắt mẹ đã yếu, tai cũng không còn nghe rõ như trước nhưng 10 chắt đi lâu ngày về hỏi thăm, mẹ đều nhớ cả. Cũng nhiều lần chúng tôi khuyên mẹ ngồi chơi với con cháu, xem tivi cho vui nhưng cụ chỉ bảo ngồi nhiều, nằm mãi cũng mệt” - bà Tĩnh nói.

Được ví von với cái tên "làng trường thọ", thế nên chuyện cụ bà 106 tuổi vẫn ham làm việc nhà ở làng Ngọc Đoài không quá lạ. Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Quỳnh Ngọc - cho biết, toàn xã có 159 cụ trên 80 tuổi. Trong đó riêng làng Ngọc Đoài chiếm tới 70 cụ, nhiều cặp vợ chồng hiện cũng đã ngoài 90 tuổi.

Thấy khách vào nhà chơi, cụ Lê Thị Tin (93 tuổi, trú làng Ngọc Đoài) bỏ dở mớ cá biển mới mua vào xoong rồi mang ấm nước ra cùng trò chuyện. Do bị lãng tai nên cụ Nguyễn Văn Trường (93 tuổi, chồng cụ Tin) phải mang máy trợ thính mới nghe rõ lời chào hỏi của khách. “Tết nhất chuẩn bị được gì chưa? Tết năm nay không biết 2 vợ chồng có ra dự chương trình mừng thọ của xã cho vui được không” - cụ Trường hỏi Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Quỳnh Ngọc.

Vợ chồng cụ Tin đều 93 tuổi, song vẫn khỏe mạnh - Ảnh: Phan Ngọc
Vợ chồng cụ Tin đều 93 tuổi, song vẫn khỏe mạnh - Ảnh: Phan Ngọc
Cụ Tin phụ con cháu nấu ăn mỗi ngày - Ảnh: Phan Ngọc
Cụ Tin phụ con cháu nấu ăn mỗi ngày - Ảnh: Phan Ngọc

Cả 2 vợ chồng đều đã ngoài 90 tuổi, song hàng ngày cụ Tin vẫn thường tự ra vườn hái rau sạch vào rồi cùng nấu ăn với con dâu. “Tui cũng già rồi, chỉ đủ trồng ít rau ăn thôi chứ không làm được nhiều rồi mang ra chợ bán như trước nữa” - cụ Tin nói. Cụ Tin cũng giống như nhiều người phụ nữ khác trong làng, cứ luôn tay chăm sóc mảnh vườn trước nhà. 

Vườn rau đó không chỉ để phục vụ bữa ăn cho gia đình mà còn có thể mang ra chợ bán, rồi mua thêm ít đồ dùng của những người khác trong làng bán. “Mấy năm trước tôi trồng cà mát tay lắm, bán không kịp. Khi thì mình bán, khi thì mang đổi lấy rau củ cho hàng xóm về ăn. Vừa vui, vừa tình cảm” - cụ Tin kể.

An nhiên để sống khỏe

Ngọc Đoài nằm tách biệt với những làng khác của xã Quỳnh Ngọc bởi những cánh đồng lúa, muối bao quanh. Ở vùng biển đất chật người đông, song đường làng ở Ngọc Đoài khá rộng, sạch sẽ, mỗi nóc nhà đều để dành một mảnh vườn nhỏ để trồng cây xanh, rau sạch. Ông Hồ Ngọc Hoàng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Ngọc - nói, bao đời nay người dân ở làng Ngọc Đoài vẫn chủ yếu sống tự cung tự cấp. 

Làng Ngọc Đoài hiện có hơn 70 cụ trên 80 tuổi - Ảnh: Phan Ngọc
Làng Ngọc Đoài hiện có hơn 70 cụ trên 80 tuổi - Ảnh: Phan Ngọc
Cụ Trường dọn dẹp, sửa sang lại bờ rào vườn rau trong nhà - Ảnh: Phan Ngọc
Cụ Trường dọn dẹp, sửa sang lại bờ rào vườn rau trong nhà - Ảnh: Phan Ngọc

Dù chưa thể kiểm chứng, nhưng nhiều người vẫn tin rằng, nguồn thức ăn là bí quyết giúp người dân ở đây sống trường thọ. Người làng này ít khi mua thực phẩm từ bên ngoài, thay vào đó họ tự trồng rau, chăn nuôi, đánh bắt cá… để sử dụng, hoặc trao đổi với nhau. “Người dân trong làng cũng sống rất tình cảm, lạc quan… Có thể nhờ vậy mà nhiều người sống thọ đến cả trăm tuổi. Người chết vì ung thư, bệnh hiểm nghèo ở làng Ngọc Đoài rất hiếm” - ông Hoàng nói.

Nói về bí quyết sống thọ của người dân trong thôn, ông Hồ Văn Do (71 tuổi, trú làng Ngọc Đoài) chỉ cười, bảo “làm gì có bí quyết sống thọ”. Trước đây, người dân trong làng khó khăn lắm, chủ yếu ăn rau, ăn khoai là chính. Những bữa cơm hàng ngày của người dân nơi đây thường khá đạm bạc. Ngoài những loại rau có sẵn trong vườn, họ chủ yếu dùng cá của người thân quen đánh bắt được từ biển hoặc thịt gà, thịt heo… của những người trong làng tự chăn nuôi được.

Lối sống lành mạnh, an nhiên, ít ganh đua với người khác cộng với không khí trong lành, nhiều cây xanh giúp nhiều người dân làng Ngọc Đoài sống khỏe mạnh đến trăm tuổi. “Tui nghĩ sướng hay khổ do mình cả thôi. Nhiều lúc chồng la mắng, tui chỉ cười thế là xong, ông ấy cũng không nói nhiều nữa” - cụ Tin nhớ lại. 

Lãnh đạo xã Quỳnh Ngọc cho biết, mỗi dịp tết đến xuân về, xã thường tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ cao tuổi trong xã. Tết Giáp Thìn năm nay, xã Quỳnh Ngọc dự kiến tổ chức mừng thọ, tặng quà cho hơn 200 cụ tròn 70, 75 và trên 80 tuổi.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI