Phía sau sàn diễn là một thứ bóng tối ít người thấy. Những ngày qua, tố cáo qua lại giữa công ty BeU, MultiMedia và các người mẫu bước ra từ chương trình Vietnam’s Next Top Model một lần nữa nhắc về thứ quyền lực ngầm đã và đang chi phối các bước chân dài trình diễn.
"Sống chết" vì vedette
Có những thứ quyền lực chi phối thuộc về kẻ bỏ tiền. Một tuần lễ thời trang từng vắng bóng vedette H. chỉ vì sự kiện ấy do công ty điện thoại A. tài trợ, trong khi H. là gương mặt đại diện của hãng điện thoại B. Rất hiếm hoi, quyền lực ấy đôi khi thuộc về các người mẫu, dĩ nhiên là chỉ với người mẫu vedette.
Một người mẫu hạng A từng từ chối lời mời của một nhà thiết kế (NTK) trình diễn chỉ vì NTK này đang có “tiếng bấc tiếng chì” với NTK khác mà cô “ăn rơ”. Một vedette từng ra điều kiện để NTK tác động đến ban tổ chức không được mời một người mẫu nọ cũng là vedette dự khán ở vị trí VIP, nếu không cô sẽ không nhận lời trình diễn.
Làng mẫu còn “lưu truyền” những yêu sách để chứng tỏ đẳng cấp của mình của một chân dài hạng A, rằng khu vực trang điểm và thay trang phục của mình phải đặc biệt hơn người khác. Nếu đến nơi mà không nhận được điều đó cô sẽ bỏ về lập tức. Chuyện kèn cựa giữa các người mẫu đồng hạng hay giữa đàn chị với đàn em diễn ra như cơm bữa phía hậu trường.
Một nam người mẫu trẻ cho biết, ở buổi catwalk đầu tiên, anh đã được một số đàn anh đàn chị kể cho nghe việc một người mẫu trẻ đắc tội với vedette H., từ đó về sau chương trình nào có H. thì không có người mẫu trẻ kia. Rất nhiều người mẫu trẻ bị ghét, bị mất sô diễn bởi các vedette chỉ vì “thấy chị ấy mà không chào”. Hoặc vì trót sở hữu gương mặt khiến các vedette “không ưa được”, đàn em cũng gặp lao đao.
K.D., một mẫu hạng B trong công ty L., tâm sự: “Việc đầu tiên của một mẫu khi vào nghề không phải là học tạo dáng, đi đứng hay xác định phong cách mà là chọn phe. Được về phe “hậu” thì ngon rồi, nhưng không dễ, vì quanh chị ấy luôn có những cô khác sẵn sàng đạp mình ra. Về phe của “phi” có thể giúp mình an toàn vì được chở che, hơn là lẻ loi một mình. Nhưng cuối cùng thì vị trí vedette chỉ có một và mình phải chọn an phận hoặc cố tìm cách đảo chính. Tình cảm chị em trong nghề là chuyện nói nghe chơi thôi”.
K.D. kể những ngày đầu trong công ty, cô như con sen cho các “chị em” của mình. Ai bảo gì cũng nghe, sai gì cũng làm, kể cả giúp giặt “đồ nhỏ”. Dù vậy, D. vẫn dính đòn khi bị đàn chị cật vấn “Mày theo băng con T. chứ gì, sao nó sai gì mày cũng chạy như vịt vậy?”. Chỉ sau một tháng, D. biết mình phải chọn phe chứ không thể trung lập mà sống. “Giờ nhìn mấy em mới vô, có lúc cũng muốn giúp, nhưng rồi thôi vì nó lên thì mình xuống, giúp nó có khi thành hại mình” - D. hững hờ.
Mới đây, người mẫu Minh Tú lên trang cá nhân “đá xoáy” Lan Khuê về việc cô bị đổi trang phục vào phút cuối với những lời lẽ đầy bức xúc. Tuy nhiên, người ta phát hiện Minh Tú nói dối vì sự thay đổi đó không phải “ngay trước khi chương trình diễn ra” khiến cô bất ngờ mà đã có từ trước, do đạo diễn yêu cầu. Theo người mẫu Minh Triệu, việc các người mẫu cố tình đi lệch hướng để giành vị trí vedette của tiết mục là chuyện muôn thuở. Hoặc, việc mất giày, mất đồ lót, trang phục bỗng dưng bị rách một cách bí hiểm… là chuyện thường ở phía sau sàn diễn.
|
Hương Ly và Hồng Xuân sau VNTM luôn né nhau tại các sự kiện |
Mẹ của Hồng Xuân - một thí sinh chương trình VNTM, từng tố cáo Hương Ly cố tình đạp lên chân con mình ba lần, khiến phần thể hiện của Hồng Xuân không được hiệu quả. Lê Thúy từng lên tiếng “dằn mặt” Hương Ly vì cho rằng gương mặt mới này đặt điều nói xấu mình. Chà Mi bị tung tin đồn “làm gái” khiến các nhà tổ chức, các thương hiệu e dè trong việc mời cô… Những chuyện ấy diễn ra ly kỳ chẳng kém chuyện hậu cung.
Cho đến giờ, chuyện người mẫu Trương Thị May và hoa hậu Thùy Dung giành nhau vị trí vedette ngay trên sàn diễn khiến khán giả ngơ ngác vẫn còn được kể như một “pha” kinh điển cho sự cạnh tranh này. NTK Hà Nhật Tiến, sau một thời gian chứng kiến, đã thể hiện quan điểm bằng việc in dòng chữ lên trang phục trong bộ sưu tập của mình (Thanh Hằng trình diễn): “Muốn làm vedette hãy có tài đi”!
|
Thanh Hằng truyền tới thông điệp "Muốn làm vedette hãy có tài đi" |
Chân dài khóc ròng "danh sách đen"
Trước khi phiên bản Next Top Model đến Việt Nam vào bảy năm trước, thị phần cung cấp người mẫu thuộc về các công ty mà mạnh nhất là bộ tứ Elite, Venus, PL, New Talent… với số lượng sô diễn hạn chế. Thù lao thực tế không cao, nếu đi sô thời trang truyền hình hoặc làm mẫu ảnh bìa, thù lao chỉ khoảng 300.000-500.000đ, thậm chí có khi là miễn phí. Thu nhập của người mẫu chủ yếu đến từ các bộ ảnh quảng cáo, sự kiện triển lãm… nhưng không nhiều người sống được bằng nghề.
Chính vì thế, không thể phủ nhận chương trình VNTM đã góp phần mang lại diện mạo mới cho làng thời trang Việt. Không chỉ đưa một lượng người mẫu trẻ vào thị trường mà cùng với VNTM, MultiMedia JSC, chương trình Project Runway giới thiệu đến công chúng những NTK trẻ, lẫn “tiếp thị” hình ảnh các người mẫu trẻ qua việc trình diễn các bộ sưu tập của thí sinh trong chương trình.
Việc mỗi tuần tiếp cận với hình ảnh, khái niệm và công việc trong lĩnh vực thời trang, công chúng dần có cái nhìn đầy đủ hơn về làng mẫu. Sự khởi sắc của thời trang Việt được nhìn thấy qua sự xuất hiện của các tuần lễ thời trang mới sau đó như Tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam (cũng do MultiMedia JSC tổ chức), Tuần lễ thời trang NTK Việt Nam… mỗi năm hai mùa, bên cạnh Tuần lễ thời trang Việt Nam, Elle Fashion Show, F-Fashion Show, Đẹp Show… trước đó.
Không những thế, những sô riêng của các NTK như Đỗ Mạnh Cường, Công Trí, Lê Thanh Hòa, Lâm Gia Khang, Chung Thanh Phong, Ivy Moda hay sô của Lý Nhã Kỳ… cũng ngày càng nhiều.
Đặc biệt, khi các chương trình truyền hình thực tế liên quan đến thời trang như Người mẫu Việt Nam - Vietnam’s Next Top Model, Nhà thiết kế Việt Nam - Project Runway, Ngôi sao thiết kế Việt Nam, Gương mặt thương hiệu xuất hiện, thì nghề người mẫu, nghề thiết kế mới được “đưa ra ánh sáng”, kèm tiết lộ nhiều “góc tối”.
Nắm giữ trong tay hai chương trình lớn và tuần lễ thời trang quy mô hoành tráng, chuyên nghiệp nhất, liên hợp MultiMedia JSC - BeU trở thành thế lực mới của làng thời trang mà đại diện là “người đàn bà quyền lực” Quỳnh Trang. Từ đó, cán cân quyền lực cũng dần dịch chuyển. Nếu như ở giai đoạn trước, cái gọi là quyền lực nếu có chỉ là việc lựa chọn, phân bổ, giới thiệu người mẫu cho chương trình bởi những người đứng đầu công ty đào tạo người mẫu, thì hiện tại quyền lực đã thuộc về những “ông chủ” của chương trình.
Sau hai mùa VNTM với những điều không hài lòng về nhau, NTK Đỗ Mạnh Cường bị liệt vào “danh sách đen” của MultiMedia và ngược lại, dù không ai đưa ra tuyên bố chính thức. Không chỉ các chương trình thời trang của đơn vị này tổ chức không có tên Đỗ Mạnh Cường mà các người mẫu nào hợp tác thân thiết với NTK này cũng bị “cấm cửa”, như Lê Thúy, dù cô xuất thân từ VNTM. Dĩ nhiên, đến lượt chương trình riêng của Đỗ Mạnh Cường diễn ra, những cái tên chân dài mà NTK này “không ưa” cũng không thấy xuất hiện.
“Vũ Mạnh Hiệp khi chọn đầu quân về làm “chàng thơ” cho Đỗ Mạnh Cường khi chưa hết hợp đồng với bên P.N, thế là từ đó về sau chương trình nào mà P.N biên tập thì y như rằng đừng hòng có cái tên Vũ Mạnh Hiệp”, một người mẫu chia sẻ. Người mẫu trẻ Nguyễn Oanh cũng từng bị NTK Đỗ Mạnh Cường “cấm cửa” vì dám “nói xấu” NTK này (sau này được cho là hiểu lầm).
Cho đến khi Xuân Lan và một số người mẫu trẻ công khai lên án công ty MultiMedia tạo một “danh sách đen” cấm diễn chỉ vì các chân dài này dám đòi hỏi nhiều quyền lợi hơn cho tương xứng với công sức của mình, sự chi phối của quyền lực ấy rõ nét hơn bao giờ hết. Theo tố cáo đó, người mẫu nào không được lòng MultiMedia sẽ không được xuất hiện trong chương trình mà đơn vị này tổ chức, với hai chữ “tuyệt đối”, dù NTK có tự nguyện chi trả cát-sê.
|
Các người mẫu nằm trong "danh sách đen"... mở tiệc lên án hiện tượng này |
Như một sự đáp trả, mới đây bà bầu Xuân Lan đã “tập hợp” gần như đầy đủ các người mẫu thuộc danh sách đó để diễn cho chương trình Tuần lễ thời trang NTK Việt Nam mà cô là thành viên tổ chức. Mặt khác, sự việc tố cáo lùm xùm vừa qua cũng nói lên một thực trạng khác. Khi nắm trong tay khả năng chi phối (tổ chức nhiều sô, nhiều chương trình, có nhiều mối quan hệ), người ta sẵn sàng ép người mẫu trình diễn với giá rẻ mạt. Người mẫu nào phản kháng sẽ bị “cấm diễn”, coi như mất đi cơ hội kiếm tiền lẫn xuất hiện trước truyền thông.
Một hình thái khác thuộc về quyền lực ngầm, là việc hình thành “cặp đôi nghệ thuật”, theo kiểu NTK nào - vedette đó: Chung Thanh Phong - Minh Tú, Lê Thanh Hòa - Minh Triệu, Đỗ Mạnh Cường - Lê Thúy, Lê Xuân Tiền, Công Trí - Thanh Hằng… Việc hợp tác ăn ý khiến các người mẫu khác gần như không có cơ hội chen chân vào vị trí này.
“Các mẫu đi diễn phải có make-up riêng. Nếu không, đừng hỏi gương mặt mình đã bị phù phép thành gì! Trên mấy tầng trang điểm, chỉ cần điều chỉnh chút xíu là mình thảm hại liền” - người mẫu C.K. cho biết. Thế nên kể cả khi bạn là “hậu” đi nữa cũng phải “ngoan hiền” và “dễ thương” với tất cả mọi người nếu không muốn bị bẻ gót giày, rắc ớt bột vào áo.
Nếu một vedette có thể cho bạn ra rìa chỉ với câu nói “Có nó không có tui” thì đạo diễn cũng có thể xếp cho bạn vị trí chẳng được ai chú ý, NTK có thể vứt cho bạn bộ trang phục “giẻ rách”, nhiếp ảnh gia có thể hại bạn bằng những shoot hình phô bày lồ lộ khiếm khuyết, thậm chí cả nhân viên ánh sáng, chỉnh nhạc cũng có thể dìm bạn khi hạ ánh sáng yếu hơn, vặn nhạc nhỏ hơn hoặc chọn một bài không hấp dẫn.
Những ồn ào ở hậu trường thể hiện phông văn hóa của làng thời trang Việt. Người mẫu thay vì thực hiện nhiệm vụ làm sao để thể hiện trang phục hiệu quả nhất, họ lại nghĩ đến vị trí vedette, để rồi chẳng ngần ngại kèn cựa nhau ngay trên sàn diễn, trước mắt khán giả (như Thùy Dung - Trương Thị May) hay lao vào nắm tóc nhau trong phòng thay đồ.
Nhà tổ chức thay vì trả thù lao đúng mức để người mẫu còn có thể tái đầu tư, trau dồi, thì lại cứ ép giảm cát-sê. Thay vì đối thoại để giải tỏa vấn đề, các người mẫu, NTK lại chọn mạng xã hội để công kích và tận dụng khán giả hâm mộ của mình để hạ bệ đối phương… Những tố cáo qua lại như thời gian qua, người thắng kẻ thua đều khiến làng thời trang như miếng vải bị rạch xẻ, chẳng nên hình hài chiếc áo.
Thay vì cạnh tranh để cùng phát triển, làng thời trang cạnh tranh để tận diệt nhau, bằng những “danh sách đen”, những lần “cấm cửa” nhau… Thời trang Việt đã bắt đầu có dấu hiệu của một thị trường, nhưng nếu với những gì như hiện tại, sẽ dẫn đến một chợ trời thay vì thị trường đúng nghĩa.
Nguyên Vĩnh - Song Mây