Thư của con:

Lang thang trong yên vắng

28/01/2022 - 20:19

PNO - Cuối năm có nhiều điều cho mình nghĩ ngợi, nhất là trong yên vắng. Sau chuyến này, biết đâu tết nào con cũng phải ở nhà cho má lang thang.

ẢNH MANG TÍNH MINH HỌA: TRÂN ƠI
Ảnh mang tính minh họa

Lại cuối năm rồi! Má vẫn hay lèm bèm: “Mùa của mày đến rồi đó. Hôm đẻ mày, má đau bụng suốt 12 tiếng đồng hồ, cạn hết sức lực, vậy mà khi đỡ mày từ tay cô mụ, việc đầu tiên là má sờ từng ngón tay, ngón chân kiểm tra bất thường trên từng mi-li-mét. Mày có cái bớt xanh ở mông, nốt ruồi son ở bàn tay trái. Mày không có nốt ruồi nào trên chân, sao lại đi như ngựa vậy con?”.
Má biết mà, cuối năm là thời điểm thích hợp để lang thang. Lúc nhà nhà người người đều tất bật chuẩn bị tết, có mỗi mình ta lang thang thật thú vị. Thỉnh thoảng, con lại nhớ cuộc nói chuyện gần đây của má con mình:

- Hôm nào dắt má lang thang một bữa thử! 

- Má theo con thì ai lo cho ba, ai lo cho ông nội, ai cúng đưa rước ông bà? 

- Ờ há, má quên. 

- Hay là năm nay mình đi chơi một chuyến, để mấy người ở nhà tự lo cho nhau? Năm nay, mình cúng ông bà đơn giản thôi. Ông bà ăn cơm ăn canh hoài cũng chán, năm nay đổi món cho ông bà ăn bánh, chắc ông bà không trách mình đâu má ha?

- Bậy nè, má dạy con không nên, giờ mày còn quay ngược lại xúi bậy. Tết nhất bỏ nhà bỏ cửa người ta cười thúi đầu nghen con! 

- Ai cười con không biết mà người đầu tiên cười là con. Con cười má đó. Năm nay trời thương cho mình sống ngon lành, má muốn làm gì thì làm đi, kẻo vài bữa nữa biết có còn sống mà nghe thiên hạ cười không. 

Nghĩ cũng lạ, má hiền lành, chịu thương chịu khó, sao lại sinh ra đứa con “trời ơi” như con. Cũng vì má ít khi trách trả nên thỉnh thoảng giữa những chuyến đi, có đôi lần con áy náy kiểu như “Sao mình không về dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị tết nhất với má?”. Nhưng rồi có lẽ sự ham lang thang trong con có phần lấn lướt niềm áy náy nên có năm mãi đến giao thừa con mới về. Thậm chí có năm hết ba ngày tết con mới về tới nhà. 

Tết năm ngoái không hàng quán nào mở cửa. Đêm giao thừa, con đang ở Hà Giang, cũng may kiếm được chỗ ngủ. Ông chủ homestay từng học đại học ở Hà Nội, sau dăm câu chuyện trò, thương tình đem cho con khúc bánh chưng đen, bảo con ăn cho những đen đủi qua mau. Tối 30 năm ấy, con ngồi uống chén rượu ngô cạnh nồi bánh chưng nấu trong đêm để kịp vớt ra cúng ông bà tổ tiên lúc gà gáy sớm. Gật gù bên bếp lửa, bên nồi bánh chưng ở một nơi hoàn toàn xa lạ với những con người cũng hoàn toàn xa lạ, nhìn mọi người lễ cúng tổ tiên, nước mắt con bỗng dưng… trào ra. Con sẽ không nói là con nhớ má đâu. Chắc là mấy cái bánh chưng ám con…

Năm nay, mình đổi vai nha má! Con sẽ về tết sớm thăm ông nội và cúng ông bà, cả tiếp khách cho ba má “sổ lồng” một chuyến. Thế nào má cũng hỏi đi hỏi lại vì ngạc nhiên, rằng “Chán đi rồi hả con?”. Con nhớ có năm mua được một tour du lịch dành cho người cao niên đi Yên Tử. Con gọi má mỗi ngày thăm dò tình hình. Ngày cuối hành trình, khi con gọi, giọng má hào hứng: “Má đang ở sân bay. Vui lắm con! Vui nhất là ở tuổi này mà má vẫn còn leo núi phà phà”. Con hỏi: “Má mệt không?”, má nói: “Vừa đi vừa niệm Phật mà mệt gì. Má sang lắm nghe con. Khi đi, má tự đi mà lúc về có người đẩy má ra tới tận ghế máy bay, lại được ra máy bay bằng cửa đặc biệt nữa chớ”.

Con nghe tới từ “xe lăn” thì hết hồn còn má cười to, như thể được đi một chuyến đã đời rồi về bằng xe lăn cũng xứng đáng. Lần đó, má đã có một chuyến đi nhớ đời. Con cũng có một chuyến ở nhà nhớ đời.

Tết này, má định đi đâu thì chuẩn bị giò cẳng nghen. Má nhớ ăn uống đàng hoàng: ăn nhiều nghệ, bông cải xanh, các loại hạt và nhớ tập các khớp. Đi chơi tốn sức lắm đó. Cuối năm có nhiều điều cho mình nghĩ ngợi, nhất là trong yên vắng. Sau chuyến này, biết đâu tết nào con cũng phải ở nhà cho má lang thang. 

Kiến Tường

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI