Tôi có một thói quen khi đi du lịch mà bạn bè cùng nhóm hay cùng phòng đều "lên án" đó là dậy thật sớm để đi chợ địa phương. Có năm bảy lý do cho điều này như "chợ nào cũng như chợ nào, đi chi cho mệt". "Đi cả ngày chưa mệt sao?'; "Ngủ thêm đi, còn cả ngày di chuyển nữa"... Vì hầu như là phản đối, nên tôi có rất ít bạn đồng hành tham gia "tour chợ địa phương". Và mặc dù có bị phản đối, tôi vẫn để chuông báo thức tầm 4h sáng, làm vệ sinh nhanh, nhẹ nhàng nhất có thể (không gây tiếng động), rồi ra khỏi phòng với một ít tiền trong túi, một chiếc ba lô rỗng (để mua đặc sản hay thứ mình thích), máy hình, nhảy lên taxi và đi.
|
Những chiếc bánh xèo vỏ nóng hổi. |
Lần này, điểm đến của tôi là chợ Đầm. Thấy tôi đi một mình, anh tài xế taxi ứng dụng ngạc nhiên lắm. Nhưng khi tôi trả lời: "Em muốn khám phá Nha Trang cách truyền thống nhất", thì bật cười.
Gần 5 giờ, trời vẫn còn nhập nhoạng. Một vài gian hàng còn sáng đèn để sắp xếp hàng hóa, chuẩn bị cho ngày mới. Tôi đi chậm, từng bước, nghe tiếng gọi nhau í ới, nghe tiếng chuyển động của chiếc xe kéo hàng trên đường. Những người đàn ông lưng ướt đẫm vác những chiếc giỏ, thùng giấy trên lưng di chuyển thật nhanh vừa để mau chóng kết thúc chuyến hàng cho giảm bớt gánh nặng, vừa tranh thủ kiếm thêm vài mối khuân vác khác. Mùi của đất, của gió, của con người trong buổi sáng tinh mơ thật dễ chịu.
Sau khi đi một vòng để ngắm từ khu trái cây, khu cá thịt, khu đồ khô... chiếc ba lô rỗng sau lưng hơi nằng nặng với hủ mắm cá nục, ít nem Ninh Hòa, vài cái bánh ít... thì tôi chính thức bước vào dãy ẩm thực.
|
Mỗi lần đến Nha Trang, tôi đều tranh thủ ăn một tô bún cá. |
|
Bún cá có vị thanh, nhẹ, dễ ăn. |
Chưa có khách nhưng hầu hết các gian hàng ẩm thực đều đã trong tình trạng sẵn sàng phục vụ. Những nồi nước dùng cho món bún cá bốc khói, những tiếng "xèo" bắt tai, những nồi than đỏ rực với những chiếc nem bắt mắt.
Sau khi để cho tứ giác (nghe, ngửi, nhìn, sờ) cảm nhận những gì tinh túy nhất của ẩm thực dân dã thành phố biển tại chợ Đầm, tôi chọn một quầy, tạt vào, gọi một tô bún cá. Không hiểu sao, mỗi lần đến Nha Trang, dù có bận đến đâu hay được mời bao nhiêu loại hải sản, món ăn cao cấp thì tôi vẫn nhất định phải ăn một lần bún cá. Tôi thích vị thanh, ngọt thoang thoảng hương cá biển của nước dùng trong veo; thích những miếng chả cá chiên béo ngậy, chả cả hấp thơm mềm. Thích luôn cả miếng cá ngừ kho vừa tới và cả đĩa rau mà theo tôi, ăn tại Nha Trang vị cũng khác.
|
Sứa chấm mắm ruốc đủ vị chua cay mặn ngọt. |
Đang mùa sứa biển nên dù bụng đã hòm hòm với tô bún cá, tôi vẫn theo gợi ý của người bán hàng, gọi thêm một chén sứa chấm mắm ruốc, gọi nhưng trong bụng nghĩ thầm: "đây không phải là món mình từng ăn tại chợ Đông Ba (Huế)".
Gọi là sứa chấm mắm ruốc nhưng phần ăn mà chị Ba, chủ quầy hàng đưa ra cho tôi chỉ đơn giản là non một phần hai chén với những miếng sứa đã xử lý kỹ, xắt mỏng. Mắm ruốc, ớt, chanh và đường được để sẵn trên bàn, tôi có thể tự ý pha và chấm.
Không thích bày biện nhiều, tôi cho hẳn các loại gia vị trên vào chén trộn đều. Có lẽ có nhiều thực khách cũng chọn giải pháp nhanh gọn như tôi nên chị Ba cười không có ý kiến. Thịt sứa trong veo, giòn sần sật, mắm ruốc đủ vị chua cay mặn tưởng như không liên quan lại tạo nên một trải nghiệm mới mẻ, nhất là cái cảm giác mát lạnh của thịt sứa trên đầu lưỡi. Thấy tôi sau miếng đầu khá e dè, đến miếng thứ hai, thứ ba bắt đầu "bạo miệng", chị Ba cười, bắt chuyện. Chị bảo sứa tôi đang ăn được đánh bắt ở biển Nha Trang. Sau khi vớt sứa lên bờ, ngư dân cắt bỏ bình vôi của sứa, sau đó xát muối, chà sạch chất nhờn, tẩy tanh ngay trên bãi biển để thịt sứa không gây dị ứng hay ngứa khi ăn. Vào mùa cao điểm đánh bắt, sứa sau khi xử lý sạch, sẽ ngâm với nước muối, bảo quản cả năm.
"Lúc trước, người Nha Trang hay nấu bún và làm gỏi sứa. Sau không biết từ đâu, mà bắt đầu lưu truyền món sứa chấm mắm ruốc", chị Ba kết chuyện.
Trong lúc tôi nhâm nhi món ăn của mình, một vài người cũng tấp vào quầy hàng, chọn bún chả cá và gọi kèm bánh mì nóng. Cách gọi món khiến tôi buộc phải để ý và tôi tròn mắt khi khách xé bánh mì, chấm nước dùng, thưởng thức. Rồi cứ thế, vừa nhấm nháp những cọng bún nhỏ vừa chấm chấm, cắn cắn bánh mì.
|
Set bún cá của nhóm du khách tranh thủ đi chợ sớm như tôi. |
|
Bún nem nướng Nha Trang. |
|
Khi tôi rời đi, chợ đã bắt đầu nhộn nhịp. |
Mang thắc mắc về cách ăn không đụng hàng ấy lén hỏi người bán, tôi nhận được tiếng cười xòa: "Ăn vậy mới no chứ em, một tô bún sao đủ". Câu trả lời của chị khiến tôi nửa tin nửa ngờ, bởi không biết các quầy khác thế nào, nhưng khách đến quầy chị Ba nãy giờ không ai trông có vẻ khó khăn hay "nghèo" đến mức không đủ tiền kêu hai tô ăn cho "đã" miệng.
Để tìm ra lời giải đáp cho vấn đề của mình tôi cố nán lại quầy hàng, lân la làm quen với M. Huyền, một cô gái khoảng 30 tuổi, xinh xắn và thời trang. "Ăn như vậy rất ngon miêng", M. Huyền bật mí. Rồi cô kể, từ khi nhận biết mọi thứ, cô đã thấy ông bà, cha mẹ khi ăn những món có nước lèo nóng như bún, phở, bánh canh... đều gọi bánh mì ăn kèm.
"Chị thử đi, này nhé nhúng bánh mì nóng vào tô nước dùng nóng, cho vào miệng, cắn một miếng, ruột bánh mì mềm mịn như tan trong miệng. Phần vỏ bánh thì giòn giòn, thơm thơm và béo béo mùi bơ, ngon tuyệt", nghe M. Huyền mô tả mà tôi vừa ăn xong tô bún cá cũng phải gọi một tô bún cá, một ổ bánh mì để trải nghiệm, để nhận ra, khoảng 10 năm trước, khi kinh tế còn khó khăn, đây là cách để người lao động làm đầy bụng nhanh và tiết kiệm nhưng trong thời điểm hiện nay, cách ăn này lại là một cách thưởng thức các món có nước dùng nóng tinh tế của người Nha Trang. Kiểu thưởng thức món ăn này như khi ghé Hà Nội, tôi phát hiện, người ta ăn bún cá với quẩy; Ở Châu Đốc, thì khách gọi thêm bún và cho bún vào cháo lòng ăn kèm; thì sao tôi phải thấy lạ khi một số người Nha Trang thích ăn bánh mì cùng một món nóng?
An Huỳnh