Lặng thầm trao sự sống!

04/04/2022 - 09:55

PNO - Hưởng ứng chiến dịch Lễ hội xuân hồng, các cơ sở Hội ở TP.HCM đã phối hợp với các đơn vị tổ chức ngày hội “Hiến máu tình nguyện” năm 2022. N

1. Chị Trần Thị Thanh Trúc, P.1, Q.3, bùi ngùi kể lại câu chuyện mình đi hiến máu cứu người trong đêm. Cách đây 5 - 6 năm, vào một buổi tối, đang nằm trong phòng, chị nghe cả nhà nhốn nháo gọi nhau tìm người hiến máu. Chuyện là có đứa cháu gái ở quê lên TP.HCM học, đang điều trị bệnh và cần một lượng lớn máu nhóm B, vì ngân hàng máu không còn đủ. Cả nhà hoang mang, nhiều người đồng ý cho máu nhưng không ai biết mình thuộc nhóm máu gì nên chuyện cứ rối lên. Hiểu câu chuyện, chị Trúc thông báo mình cùng nhóm máu rồi tức tốc chạy đến bệnh viện. Cùng đi với chị còn có ba anh chị em khác. 

Chị Trúc nói: “Tôi đã từng tham gia hiến máu nên biết rõ nhóm máu của mình và cũng rất may là tôi đủ thời gian để hiến máu trở lại. Cháu gái đã được truyền máu và giữ được sự sống”. Từ câu chuyện gia đình, chị Trúc ý thức và càng thấy ý nghĩa hơn với chuyện hiến máu mình đang làm. Không chờ đến đợt địa phương tổ chức mà cứ đủ thời gian quy định được tham gia hiến máu là chị tìm đến các địa chỉ nhận máu.  

Người dân TP.HCM tình nguyện hiến máu cứu người
Người dân TP.HCM tình nguyện hiến máu cứu người

Bắt đầu từ năm 2006, đến nay chị Trúc đã có 36 lần tham gia hiến máu với dung tích được duy trì ổn định là 350ml. Chị nhớ lại: “Lần đầu tiên tham gia hiến máu, tôi chỉ nặng 45kg. Nhiều người thấy tôi gầy ốm đã tỏ vẻ lo lắng, e dè. Nhưng tôi hiểu, những giọt máu của mình sẽ giúp ai đó giữ được mạng sống trong trường hợp khẩn cấp, nguy kịch, nên tôi đã tham gia. Ban đầu chỉ cho 250ml thôi”. Rồi chị cười rạng rỡ: “Nhờ tham gia hiến máu mà mình biết quý trọng bản thân, biết cách chăm sóc sức khỏe, không bệnh tật mà còn tăng cân, tròn trĩnh hẳn ra”. 

2. Chị Đỗ Thị Tuyết, xã Bà Điểm, H.Hóc Môn, chia sẻ: “Được làm những điều ý nghĩa tôi thấy cuộc sống mình hạnh phúc, lúc nào cũng tràn đầy năng lượng để tham gia các hoạt động cộng đồng tại địa phương”. 

Nhớ lại thời gian bắt đầu tham gia hiến máu, chị Tuyết bùi ngùi: “Chồng tôi mất do tai nạn giao thông trên đường đi dạy học về. Lúc đó con trai tôi chỉ mới được ba tháng tuổi. Tôi nén đau thương để lo cho con. Con cứng cáp, gửi mẫu giáo được, tôi mới xin đi làm công nhân. Đến năm 1998, tôi tham gia hiến máu để làm gương và cùng vận động nhiều anh chị em công nhân khác hưởng ứng phong trào”. 

Sau mỗi lần hiến máu, biết được lượng máu sẽ được hồi phục sau 3 - 5 ngày, các thành phần trong máu được tái tạo và trẻ hóa, có sức đề kháng chống bệnh tật; số máu của mình cho lại sẽ cứu được người… nên chị Tuyết đã duy trì việc tham gia. Cho đến hiện tại chị đã có 36 lần hiến máu. Ngoài ra, chị cũng đã vận động nhiều người thân cùng tham gia. Con trai chị bắt đầu hiến máu từ năm 18 tuổi và đến nay đã tham gia 25 lần. Cháu gái chị cũng có xấp xỉ 30 lần hiến máu. Để con ý thức được sức khỏe bản thân, đảm bảo việc cho máu, chị Tuyết hằng ngày nhắc nhở con không dùng rượu bia, thuốc lá, không thức quá khuya… 

Năm nay chị Tuyết đã 58 tuổi và được các nhân viên y tế khuyên tạm dừng việc hiến máu. Bù lại, chị đang xây dựng lớp kế thừa. Cứ đến đợt hiến máu, chị lại tham gia công tác hướng dẫn, phụ giúp phát thư mời và vận động người dân. 

3. Ngày 31/3 vừa qua, Hội LHPN Q.Phú Nhuận phối hợp Hội Chữ thập đỏ và Quận đoàn tổ chức ngày hội “Hiến máu tình nguyện”. Chương trình thu hút 153 tình nguyện viên, hiến tặng 50.750ml máu.

Tham gia ngày hội, chị Tả Thị Xanh, hội viên ngụ ở P.7, Q.Phú Nhuận tranh thủ chở con đi học sớm rồi ghé ngay đến điểm hiến máu, bởi không chỉ hiến máu, mà chị còn phụ khâu hậu cần. Trong suốt cả buổi sáng hôm ấy, chị Xanh tất bật với các công việc thăm hỏi, chuyện trò, lấy nước, nhận quà giúp các tình nguyện viên tham gia hiến máu; hỗ trợ nhân viên y tế ghi thông tin, giấy xác nhận…

Chị Xanh bắt đầu tham gia hiến máu nhân đạo từ năm 2017. Không chỉ vận động chị em hàng xóm, chị Xanh còn năn nỉ cả gia đình cùng tham gia hiến máu. Chị nói: “Nhờ đi hiến máu, chồng tôi mới phát hiện sớm bệnh tiểu đường, kịp thời điều trị để tránh các biến chứng về sau”. Chị Xanh cho biết, ban đầu chị hiến máu với ý muốn "làm gương" để dễ dàng trong công tác vận động nhưng thấy việc làm ý nghĩa nên cứ vậy, chị duy trì công việc thầm lặng: hiến máu cứu người.

Song An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI