Lãng tai đâu chỉ mình ta!

15/04/2015 - 15:50

PNO - PN - Hơn một phần ba số người bị lãng tai từ tuổi 65 trở lên. Vậy nếu ta có lãng tai một chút thì cũng là chuyện bình thường thôi! Đâu phải chỉ mình ta.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mà, lãng tai một chút cũng hay, khỏi phải nghe những lời nói xấu mình. Cái gì thích nghe thì nghe, không thì thôi. Ở các nước phát triển, cứ ba người già thì một người phải mang máy trợ thính, nhờ đó họ có thể giao tiếp tốt hơn, cảm thấy sảng khoái hơn, không còn bị coi là “tàn phế” nữa.

Càng có tuổi, tỷ lệ “điếc” càng gia tăng. Ở ta, nhiều người không ưa máy trợ thính vì cho rằng nó ồn, lại phải nghe rõ những “sự thật đau lòng”. Chuyện kể hai vợ chồng già, ông nói gà bà nói vịt nhưng rất hạnh phúc, đến khi con cháu gửi về cho mỗi người một cái máy trợ thính thì họ bắt đầu cãi vã suốt ngày. Cuối cùng phải liệng “máy điếc” vào sọt rác.

Thời buổi bây giờ người ta còn dễ “điếc” hơn xưa. Nhạc xập xình với công suất lớn ở các tụ điểm ca nhạc, nhạc đám cưới mở hết volume, “hát với nhau” ầm ĩ chịu không nổi. Đầu váng mắt hoa, lùng bùng lỗ tai nên người già trốn biệt. Tỷ lệ điếc ngày càng… trẻ hóa! Nghiên cứu cho thấy “nhóm trẻ” 40-59 tuổi ở Mỹ đã có… 35% than gặp khó khăn khi trao đổi qua điện thoại; 24% hiểu sai, dẫn tới hiểu lầm; 9% cảm thấy cô độc gần như bị cách ly vì tai kém.

Lang tai dau chi minh ta!

Nếu bị lãng tai, đừng buồn! Ai biểu… già chi. Già thì nó vậy. Đâu phải chỉ mình ta. Tai kém mắt kém, cái gì cũng kém. Già mà tai thính, mắt tinh hoài thì… ai chịu cho nổi.

Nếu lãng tai, trong giao tiếp, cứ thẳng thắn: “Tai tôi hơi điếc, làm ơn nói to chút”. Đừng ngượng. Chẳng ai trách đâu. Nhớ đừng quát to “cái gì?” mà nên "nói rõ bệnh tình", người kia sẽ nói lại cho rõ.

Cần thì bảo “vui lòng nói chậm rãi chút, tai tôi hơi điếc”, vì ở người cao tuổi, các âm thanh thường “dính nhau”, khó phân biệt. Người kia sẽ lặp lại, sẽ dùng từ khác dễ hiểu hơn. Chú ý nét mặt, ánh mắt, nét môi người nói, hoặc cách họ ra dấu sẽ giúp dễ hiểu.

Riêng với con cháu trong nhà có cụ già, khi tiếp xúc với các cụ, đừng xuất hiện đột ngột dễ làm họ giật mình. Nên đánh động, tạo sự chú ý trước khi xuất hiện. Giữ khoảng cách đủ gần để giúp họ dễ thấy, dễ nghe. Đứng đối diện, ngang tầm mắt, nơi có ánh sáng tốt để các cụ có thể đọc được sự máy môi. Đừng nói to tiếng. Đừng hét vào tai. Các cụ sẽ kêu: “Tao có điếc đâu!”…

Nếu các cụ có mang máy trợ thính, phải kiểm tra, chắc chắn là máy đã mở, còn pin, đang hoạt động tốt.

Nên dùng những từ đơn giản, câu ngắn gọn. Lặp đi lặp lại nếu cần. Mỗi lần chỉ nói một ý, một việc. Nhiều thông tin một lúc, dễ bị “nhiễu”, vì các cụ không thể nắm bắt hết được. Dặn dò các cụ điều gì thì nên nhắc lại các ý chính. Tốt nhất ghi ra giấy. Chữ phải rõ, to, chân phương, dễ đọc. Thường các cụ không tiện hỏi lại vì ngại.

 Bác sĩ ĐỖ HỒNG NGỌC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI