Làng 'siêu đẻ'

09/09/2017 - 06:00

PNO - Đau xót nhất là chuyện những bé gái làm mẹ khi mới 16 tuổi. Do chưa đủ kiến thức nuôi con nên nhiều bà mẹ trẻ lóng ngóng, ngượng nghịu cho con bú, dỗ con khóc...

Lang 'sieu de'
Trẻ nhỏ có mặt khắp nơi ở Cư Pui

Chỉ vì muốn “có nếp có tẻ”, nhiều cặp vợ chồng ở xã Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) sẵn sàng sinh con thứ 7, thứ 8. Nhiều thiếu nữ 16 tuổi đã làm mẹ, vừa bế con lóng ngóng vừa không hiểu vì sao mình đẻ được con. Tất nhiên, các ngôi nhà “siêu đẻ” cũng đồng thời “siêu nghèo”.

“Đẻ được cứ đẻ thôi”

Hình ảnh đầu tiên ập vào mắt chúng tôi tại các thôn hẻo lánh như Ea Uôl, Ea Lang (xã Cư Pui) là những mái tóc cháy nắng, những cái lưng trần trùi trũi của đám trẻ một-hai tuổi được anh chị dắt đi trên đường. Dưới nắng gay gắt, không ít bé mới bốn-năm tuổi xệ vai địu em trên lưng. Nhiều đứa chừng chín-mười tuổi đã oằn mình cõng bó củi kềnh càng, lớn gấp mấy lần thân mình…

Theo chân ông Sính Chứ Chơ, Thôn trưởng thôn Ea Uôl, chúng tôi có mặt tại nhà anh Sính Hi Chá “siêu đẻ” (anh Chá sinh năm 1980). Gần 12 giờ trưa, vợ chồng anh Chá từ rẫy tất tả về nhà dọn cơm. Bữa ăn chỉ vỏn vẹn nồi cơm trắng, tô canh rau và chén nước mắm mặn. Đám trẻ bu vào ăn ngon lành. Anh Chá kể, nhiều khi không đủ cơm cho các con ăn no, nói gì tới giấc mơ thịt, cá. Trong căn nhà ván lụp xụp, chẳng có vật dụng gì ngoài vài bộ quần áo, xoong nồi cũ.

Trước đó, vào năm 2004, vợ chồng anh Chá đón đứa con gái đầu lòng trong niềm hạnh phúc. Chẳng bao lâu sau, chị Sùng Thị Cỡ (SN 1983, vợ anh Chá) đã làm mẹ bốn cô con gái. Chưa dừng lại, mơ ước có con trai nối dõi thôi thúc vợ chồng anh tiếp tục “sản xuất” đến đứa con thứ 7 (hiện khoảng 3 tháng tuổi), tiếc rằng bé vẫn là “công chúa”.

Anh Chá chia sẻ: “Theo phong tục của đồng bào mình, con gái lớn lên sẽ lập gia đình riêng và lo cho nhà chồng. Do vậy, chỉ con trai phụng dưỡng cha mẹ và thờ cúng tổ tiên. Vợ chồng mình phải ráng kiếm đứa con trai, đẻ được nên cứ đẻ thôi”.

Khác với vợ chồng anh Chá, vợ chồng anh Giàng Chúng Vừ (ngụ thôn Ea Uôl) vì “thèm con gái” nên đã sinh đến đứa thứ 7 để đạt được nguyện vọng. 

Lang 'sieu de'
Chị Sùng Thị Cỡ (34 tuổi) làm mẹ của 7 đứa con nheo nhóc

Cũng có nhiều cặp vợ chồng dù đã đủ nếp lẫn tẻ nhưng vẫn sinh nở không kiểm soát. Chẳng hạn, vợ chồng anh Dương Văn Dế (SN 1982) và chị Sính Thị Giàng (SN 1986) có tới 7 người con, 3 gái, 4 trai.

Anh Dế chia sẻ: “Sau khi sinh con thứ 2, vợ tôi đi đặt vòng. Thế nhưng, vòng không tác dụng, vợ tôi cứ liên tiếp mang bầu và sinh con năm một. Cho đến nay, chúng tôi đã có với nhau 7 mặt con, cháu nhỏ nhất mới hơn một tuổi”.

Tương tự, vợ chồng anh Lò A Dơ (SN 1978, ngụ thôn Ea Lang) có tới 10 người con. Hay chị Lò Thị Đơ (SN 1982, ngụ thôn Ea Lang) một mình làm lụng nuôi 8 đứa con kể từ ngày chồng mất cách đây khoảng 5 năm. Nỗi vất vả theo năm tháng đã in hằn trên khuôn mặt sạm đen của chị. Chị Thào Thị Sai (ngụ thôn Ea Lang) cũng không kém khi mới 29 tuổi nhưng đang chuẩn bị sinh con thứ 6. 

Đau xót nhất là chuyện những bé gái làm mẹ khi mới 16 tuổi. Do chưa đủ kiến thức nuôi con nên nhiều bà mẹ trẻ lóng ngóng, ngượng nghịu từ việc cho con bú, dỗ con khóc tới chăm sóc thân thể bé. Nhiều đứa trẻ sinh ra từ các trường hợp tảo hôn, cha mẹ trẻ còn ham vui nên bỏ bê, con trẻ yếu ớt, thường xuyên bệnh tật.

Theo chị Nguyễn Thị Ly, cán bộ dân số xã Cư Pui, trong năm 2016, toàn xã có 16 trường hợp tảo hôn và 6 tháng đầu năm 2017 có 5 trường hợp lập gia đình trước độ tuổi quy định. Tình trạng tảo hôn xảy ra chủ yếu ở độ tuổi từ 16-17.

Bó tay với “bom dân số”?

Theo thông tin từ ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui, tình trạng thi nhau sinh con đông không chỉ xảy ra tại hai thôn nói trên mà còn nhức nhối tại các thôn Ea Rớt, Cư Rang, Cư Tê, Ea Bar. Trong năm 2016, toàn xã có 295 trẻ em chào đời, trong đó có 89 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Sáu tháng đầu năm 2017 có 157 trẻ em ra đời, trong đó có 51 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. 

Đưa tay lau những giọt mồ hôi nhễ nhại, chị Sùng Thị Cỡ (ngụ thôn Ea Uôl) cho hay: “Tất tả với đàn con từ sáng tới tối, nhiều khi tôi chẳng còn thời gian để chải đầu, bới tóc. Sức khỏe của tôi yếu đi nhiều, mỗi khi ra nắng lại hoa mắt chóng mặt, đau nhức ê ẩm khi trái gió trở trời.

Lúc ở cữ, có được hai bữa đạm bạc cơm trắng với canh rau tập tàng đã là mừng rồi. Nhiều hôm chẳng có gì ngoài chén muối ớt và nồi cơm trắng. Do thiếu chất nên bình thường cứ ăn xong chưa đầy tiếng đồng hồ, các con tôi lại kêu khóc vì đói”. 

Tình trạng đói nghèo triền miên diễn ra ở nhiều gia đình tại các làng “siêu đẻ”. Chị Lầu Thị Đỏ (ngụ buôn Ea Lang) 35 tuổi có 7 người con. Từ lúc lấy chồng đến nay, chị liên tục chửa đẻ. Cách đây vài năm, chồng chị Đỏ mắc bệnh và qua đời, cuộc sống gia đình càng khốn khó.

Bảy đứa con của chị Đỏ đều không giấy khai sinh, không đến trường. Bố mất, em Vừ A Tú (SN 1998, con đầu của chị Đỏ) phải làm nhiệm vụ trụ cột. Tú cũng đã lấy vợ được 3 năm nay và có con 2 tuổi. Nhưng do chưa có giấy đăng ký kết hôn nên vợ chồng Tú không làm được giấy khai sinh cho bé.

Sống chung với nghèo đói, nhiều trẻ bỏ học giữa chừng để đến các thành phố lớn làm thuê. Theo thông tin từ UBND xã Cư Pui, vừa qua, xã có 13 học sinh bỏ học xuống TP.HCM làm thuê cho các cơ sở may mặc. Thậm chí, có trường hợp bỏ học đi lấy chồng khi đang là học sinh lớp 7.

Nói về nguyên nhân “bom dân số” nói trên, ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho hay: “Xã có 13 thôn, buôn với hơn 13.000 dân, trong đó chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số. Do nhận thức về kế hoạch hóa gia đình kém nên nhiều gia đình cứ sinh con thoải mái.

Thực tế này không chỉ khiến nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng vì thiếu ăn mà còn là nguyên nhân gây ra tình trạng đói nghèo “bền vững”… Hơn thế, trẻ sinh ra từ các trường hợp tảo hôn gặp rất nhiều khó khăn khi làm giấy khai sinh.

Do cha mẹ tảo hôn, không thể đăng ký kết hôn, hầu hết trẻ sinh ra đều mang họ mẹ… Vi phạm vậy, nhưng việc xử phạt hành chính không khả thi. Bởi lẽ, họ đều thuộc hộ nghèo, cơm chưa đủ ăn, làm sao có tiền đóng phạt”.

Ông Nguyễn Đình Thu, Giám đốc Trung tâm Dân số kế hoạch hóa gia đình huyện Krông Bông thông tin: “Chúng tôi ra sức tuyên truyền, vận động, tư vấn kế hoạch hóa gia đình cho bà con. Hàng tháng, trung tâm dân số phối hợp với các trạm y tế xã chỉ đạo các xã triển khai dịch vụ kế hoạch hóa gia đình, vận động người dân đặt vòng tránh thai. Huyện có tất cả 194 cộng tác viên dân số tại các thôn, buôn. Tuy nhiên, kinh phí, phương tiện tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình tại địa phương còn rất thiếu thốn”. 

Văn Bắc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI