PNO - Không gian làng quê Việt, cuộc sống tuổi thơ xưa được kể lại trên trang viết như những “di sản ký ức” dành cho bạn đọc thiếu nhi. Đó cũng là cách người cầm bút lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần về một thời đã qua.
“Tuổi thơ của mẹ/ Hồn nhiên như con/ Cũng là em bé/ Chạy nhảy lon ton...” - tác giả Cao Mai Trang bắt đầu như thế cho bộ thơ thiếu nhi (2 tập, Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM phát hành). Tiêu đề 2 tập sách đều toát lên không gian thiên nhiên thơm lành, bát ngát: Mùi đất thơm phức - Mùi gió cay cay và Rủ nhau ra ruộng - Cười vang cánh đồng. Qua những vần thơ mộc mạc, giản dị, tuổi thơ của mẹ là những ngày được chơi đủ trò nghịch ngợm: thả diều, bắt ốc, bắt dế, nhảy dây…; ngày tắm nước giếng trong, à ơi võng đưa, kết vòng hoa dại và đêm về nằm ngắm sao trời
Các tác phẩm không chỉ dành cho tuổi thơ nay mà còn dẫn lối người lớn trở về không gian hoài niệm
Tuổi thơ với nhiều kỷ niệm khó quên ấy của thế hệ 8X, 9X cũng được họa sĩ Lê Phan kể lại trong bộ sách tranh Thị trấn Hoa Mười Giờ (Du Bút và Nhà xuất bản Thanh Niên). Thời chưa có smartphone và mạng xã hội, trẻ con giải trí bằng những trò chơi dân dã: bắn bi, bắn ná, chơi đồ hàng, thuê truyện đọc, mướn băng video về xem phim… Thị trấn Hoa Mười Giờ ra mắt tập đầu được bạn đọc yêu thích đón nhận, Lê Phan tiếp tục phát triển câu chuyện và đến nay, có 4 tập truyện đã được phát hành.
Tháng Sáu này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng gửi đến bạn nhỏ bộ 2 tác phẩm của nhà văn Băng Sơn: Ngàn mùa hoa (Nét đẹp quê hương và Nét đẹp thiên nhiên). Không gian làng quê Bắc Bộ được tái hiện qua hình ảnh của cổng làng, mái tranh, lũy tre, đường làng, cánh đồng, dòng sông, những cây cổ thụ, mùi rơm rạ… Nhà văn cho bạn nhỏ hình dung lá cây đào cổ thụ “thon nhỏ như những chiếc thuyền xanh lay động trong mưa”, con sông thành “võng dệt bằng nước ru cho em bé ngồi thuyền trôi vào giấc mơ” và tiếng chuông như “những làn sóng bay lướt qua màu xanh um tùm, qua những trà lúa, cánh bãi…”. Ngôn ngữ trong sáng, giàu hình tượng và đậm chất văn chương, Ngàn mùa hoa như một bức tranh đồng quê được vẽ bằng ngôn từ.
Khi người cầm bút thế hệ trước kể về ký ức trên trang viết, đó luôn là hình ảnh của tuổi thơ thời chưa có công nghệ. Trẻ con của một thời sống gần gũi với thiên nhiên, chơi những trò chơi dân dã, sống những năm tháng có thể vất vả, thiếu thốn nhưng lại đầy tiếng cười. Kỷ niệm của một thời trở thành chất liệu quý giá cho sáng tác. Không gian đồng quê với tuổi thơ không có công nghệ cũng là lựa chọn của nhiều người khi viết cho trẻ nhỏ: Nghé Ọ Hai Xoáy (Nguyễn Anh Xuân), Cổ tích của ba (Phi Tân), Đu đưa trên ngọn cây bàng (Nguyễn Hoàng Diệu Thủy)…
Lịch sử, văn hóa từ chuyện tuổi thơ xưa
Trong nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi cũng như sách tranh hiện nay, không gian làng quê là bối cảnh phổ biến được nhiều người cầm bút lựa chọn. Nhưng trong những trang viết về tuổi thơ của một thời, câu chuyện xoay quanh nhân vật chính còn chứa đựng cả những giá trị văn hóa, lịch sử của một vùng đất, một thế hệ.
Trong tác phẩm Thung lũng Đồng Vang (Trung Sỹ, giải thưởng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022), bên cạnh câu chuyện về tình thầy trò, tình bạn là hình ảnh của vùng đất yên bình “có ngôi trường bên cạnh dòng sông, có ruộng bậc thang và núi đồi” và còn có ký ức về chiến trường K. được nhà văn chuyển tải khéo léo qua thư của người ông viết cho cháu.
Tuổi thơ trong chiến tranh cũng được tác giả Bình Ca kể trong tác phẩm Đi trốn (giải thưởng Dế Mèn năm 2021). Ký ức những ngày sơ tán nơi núi rừng được kể lại sinh động, chân thực. Có sự hài hước, dí dỏm trong hành trình “đi trốn” ly kỳ giữa núi non hoang sơ nhưng cũng đầy suy ngẫm về số phận của những đứa trẻ lớn lên trong chiến tranh.
Trong số các tác phẩm được Hội Nhà văn Việt Nam trao giải thưởng Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi đợt 1 (giai đoạn 2021-2023) có tiểu thuyết Những đôi mắt khoảng trời (Đào Quốc Vịnh, giải Ba). Đây là câu chuyện có bối cảnh làng quê Bắc Bộ những năm sau 1954.
Đề tài về làng quê trong chiến tranh được khai thác nhiều trong các tác phẩm văn học dành cho người lớn, nhưng hiếm hoi với văn học thiếu nhi từ trước tới nay. Khi nhà văn chọn kể về những giai đoạn này, tác phẩm đã luôn tạo được dấu ấn, thông qua những giải thưởng cũng như sự quan tâm đón nhận của bạn đọc.
Sự khác biệt của thời đại sống cũng được lưu dấu trên trang viết, qua những hình ảnh cùng hành trình trưởng thành của tuổi thơ xưa. Chú bé có tài mở khóa (Nguyễn Quang Thân) là cuộc lưu lạc của cậu bé bị ném ra ngoài xã hội; trẻ em trong Chú bé Thất Sơn (Phạm Công Luận) ở vùng Bảy Núi, vì mưu sinh phải băng đồng, lội kênh cõng thuốc lá lậu từ Campuchia về cho người lớn. Đây đều là những câu chuyện được viết trong những năm thập niên 1990.
Đi dọc thời gian, những câu chuyện chuyên chở ký ức của cá nhân có thể trở thành tác phẩm lưu giữ giá trị lịch sử, văn hóa của một thời. Tuổi thơ xưa cũng có thể là kho chất liệu và cảm hứng cho người sáng tác. Mỗi thế hệ đều lưu dấu những ký ức khác nhau và hàm chứa nhiều giá trị chiều sâu về cả sinh hoạt lẫn không gian văn hóa. Dù được kể lại bằng thơ, truyện chữ hay sách tranh, các tác phẩm đều cùng sẻ chia giá trị và giữ lại cho thế hệ sau những ký ức đẹp đẽ về những năm tháng đã qua, với rất nhiều điều đã mất.