Làng quê đang biến mất trong "Nát giỏ còn bờ tre" của Trung Nghĩa

09/11/2020 - 13:10

PNO - Sau gần bốn năm làm việc cùng các bác thợ mây tre lớn tuổi ở thôn Mậu Long, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam, hơn một tháng cùng ê-kíp bày biện tại TP.HCM, Trung Nghĩa và cộng sự vừa cho ra mắt triển lãm sắp đặt "Nát giỏ còn bờ tre" tại phòng tranh Hải An (Q.1, TP.HCM) từ ngày 8-15/11.

Triển lãm bày sáu tác phẩm làm từ mây tre và các vật liệu bản địa, sử dụng kỹ thuật đan lát truyền đời, có nguy cơ thất truyền. Các bác thợ như Tám Quý (1942-2020), Bốn Giai (1931), Sáu Nhì (1938), Tạ Ba (1939) là những người còn sót lại của một thế hệ gắn bó với màu xanh cây cỏ quê hương. Họ vốn là những nông dân, sống bằng đủ nghề, nhưng sắc sảo nhất là mây tre, đan lát, đan từ giỏ gà, thúng, nia, ghe, rọ heo… cho đến làm nhà, phên giậu, giường, võng. Họ thủ đắc những kỹ năng vừa cơ bản vừa khoa học, tinh tế của nhiều người Việt xưa, vốn thích cuộc sống thuận với tự nhiên và văn minh nông nghiệp, lúa nước, thủ công mỹ nghệ. 

Trung Nghĩa và các bác thợ già lúc khai mạc triển lãm
Trung Nghĩa và các bác thợ già lúc khai mạc triển lãm

Lần gần nhất, trước khi đợt dịch COVID-19 lần hai bùng phát tại Đà Nẵng - Quảng Nam, Trung Nghĩa đã chứng kiến một người thợ trong Nát giỏ còn bờ tre ra đi. Một người thợ khác được đưa vào khám ung bướu, một người thợ khác nữa đã 86 tuổi thì đau ốm liên miên, mắt mờ chân run. Nghĩa nói: “Thời gian thật tàn khốc, đời người buồn bã và mong manh quá. Sau họ chắc chẳng còn mấy ai chịu giữ cái nghề truyền đời, nhưng quá cực nhọc này”.

Trung Nghĩa đến với các tác phẩm về tre, cũng khá tình cờ. Mấy chục năm sống xa quê, trở về thăm, chợt chạm mặt cái ghe bằng tre, một cái nia cạp bằng mây, một cái giỏ đựng gà, một cái rọ heo bằng những thanh tre chắc chắn…

Tới tuổi nào đó, nhìn những vật dụng bình dị như thế thật xúc động. Chúng đẹp đẽ, gợi cảm đến lạ lùng. Nếu xét về loài vật, từ ngàn xưa, chim lạc và cóc vốn là các vật tổ thiêng liêng của người Việt, dấu ấn còn thấy rõ trong các di chỉ thời đồ đồng, và trước đó nữa. Nếu xét về cây cối, tre, thuộc họ lúa, cũng là biểu tượng cổ xưa, thiêng liêng và gần gũi. Sinh ra ở xứ tre, nhưng đến lúc trưởng thành thì hình ảnh cây tre đang dần bị bứng gốc khỏi căn cước địa văn hóa, nên Trung Nghĩa chợt giật mình. 

 Nát giỏ còn bờ tre là một bước dấn mạnh mẽ hơn của Trung Nghĩa vào đề tài thiên nhiên
"Nát giỏ còn bờ tre" là một bước dấn mạnh mẽ hơn của Trung Nghĩa vào đề tài thiên nhiên

Bộ tác phẩm đa vật liệu Nát giỏ còn bờ tre có lẽ được hình thành từ ba căn cớ. Thứ nhất, Trung Nghĩa như muốn truy vấn nguồn cội và níu kéo hình ảnh cây tre nói riêng, gốc rễ văn hóa nói chung, giữa bối cảnh đời sống đang lúc đô thị hóa quyết liệt, cùng cơ chế tiêu dùng mạnh bạo về sự đào thải. Thứ hai, như gián tiếp khẳng định rằng, nếu biết liên nối và ứng dụng, cây tre vẫn có đủ đất sống trong đời sống đô thị, trong tự tình của mỗi người. Thứ ba, có lẽ là quan trọng hơn cả, Trung Nghĩa đang muốn làm cuộc lột xác với công việc sáng tạo của mình.

Nát giỏ còn bờ tre, Trung Nghĩa vừa tích hợp được các vốn liếng, cảm hứng từ âm nhạc, hội họa, kiến trúc, cảnh quan đã có, vừa bước vào địa hạt mới mẻ hơn với chính anh: nghệ thuật ý niệm. Chính ý niệm này đã giải phóng Trung Nghĩa ra khỏi những gò bó, để mở rộng chiều kích tư duy và tự do biểu đạt.

Nát giỏ còn bờ tre, vậy nát bờ tre còn gì? Trung Nghĩa nhiều lần tự hỏi như vậy. Con đường làng bây giờ đã được san lấp, khối nhà của chính quyền nằm to lớn trên đồi, xe tải chở keo ra vô nườm nượp, xóm làng bắt đầu nói về quy hoạch, phân lô… những từ ngày xưa vốn ít được nhắc đến. Cuộc sống thôn quê sau khi bán đất khá nhàn hạ, đa số ngồi chơi, sống trượt qua cuộc đời, không chậm cũng chẳng nhanh.

 Hành trình làm Nát giỏ còn bờ tre
Hành trình làm "Nát giỏ còn bờ tre" được bắt đầu từ năm 2016 tới nay

“Khi bụi tre lớn ở nhà ông nội tôi bị san phẳng, khu vườn yên tĩnh giờ đã bị cào bằng theo, mất đi bao nhiêu mảng xanh trên con đường xuyên quê tiện lợi, hiện đại… ký ức về cố hương của tôi cũng mờ dần. Nhưng vì nhiều người không quen với việc sống chung với tự nhiên, mọi thứ phải được phân lô và kiểm soát, con người sinh sôi chớ đất đâu có sinh sôi? Những con người xưa cũ nằm xuống, những rặng tre lui dần nhường cho một thế hệ mới” - Trung Nghĩa tâm sự. 

Lý Đợi

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI