Cả làng như được mở hội
Sáng ngày 28/1, trong ngôi nhà nhỏ ở xóm 3 (xã Minh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) của Xuân Mạnh vẫn ngập tràn những tiếng cười nói của bà con lối xóm.
Sau một đêm trắng ăn mừng tại gia đình cầu thủ này, nhiều người dân địa phương tiếp tục ghe thăm để cùng ông Phạm Xuân Linh (63 tuổi, bố Xuân Mạnh) đón xem buổi trực tiếp đón tiếp các cầu thủ U23 Việt Nam từ Trung Quốc trở về.
Sáng sớm cùng ngày, mẹ Xuân Mạnh là bà Phan Thị Hà cũng đã gói gém chút quà quê ra Hà Nội để chào đón con trai mình. Không giấu được cảm xúc, chị Phan Thị Xuân, hàng xóm ông Linh nói: “Những ngày qua cả làng, cả xã chúng tôi như sống trong ngày hội vậy. Ai cũng tranh thủ làm việc đồng áng để đến giờ tập trung về nhà Xuân Mạnh để cổ vũ cho đội nhà. Vui lắm”.
|
Người dân xã Minh Thành vui mừng, tập trung theo dõi buổi đón U23 Việt Nam về nước tại nhà Xuân Mạnh. |
Sáng một ngày trước, ngôi nhà nhỏ của ông Linh chật kín người, mỗi người một việc cùng phụ giúp gia đình lo công tác chuẩn bị trước trận chung kết giữa U23 Việt Nam – U23 Uzbekistan.
Ông Nguyễn Trọng Hạnh ( trú xã Minh Thành) cho biết, để tạo một “điểm cầu” cổ vũ cho U23 Việt Nam và cũng là cổ vũ cho “đứa con của làng” trong trận bóng lịch sử, người dân địa phương đã quyết định chung tiền mua 3 con lợn, mang đồ đạc, loa đài qua nhà Xuân Mạnh để tổ chức điểm xem và cổ vũ trong trận chung kết.
|
Ông Linh cảm thấy nuối tiếc khi nhắc lại bàn thua ở phút cuối của đội tuyển U23 Việt Nam. |
“Thật là đáng tiếc khi chúng ta thua ở ngay những giây cuối cùng, giá như có thêm vài phút thì chúng ta còn có hy vọng. Nhưng, nhưng như vậy đã là quá tuyệt vời, không còn gì phải nói nữa cả. Các cầu thủ của chúng ta đã cho khán giả thấy một lối chơi cống hiến hết mình, đẹp mắt khiến các cầu thủ đối phương phải thường xuyên phạm lỗi”, ông Hạnh nói và cho biết kết thúc trận đấu, những người có mặt tại nhà Xuân Mạnh đều vỗ tay rồi nhảy múa ăn mừng. Mọi người đều hãnh diện vì “đứa con của làng” đã góp phần mang lại vinh quang cho quê nhà.
|
Xuân Mạnh được Chủ tịch huyện Yên Thành tặng bằng khen với thành tích suất sắc cùng đội tuyển U23 Việt Nam tại vòng chung kết U23 châu Á. |
“Buồn chứ, khi mà chúng ta thua ngay ở phút cuối cùng. Nhưng rồi thấy tất cả mọi người đều vỗ tay vui mừng sau trận đấu, tôi cũng cảm thấy rất hạnh phúc. Mong rằng chúng ta sẽ có thành tích tốt hơn ở những giải đấu lớn sắp tới”, ông Linh chia sẻ.
“Các cầu thủ U23 đúng là người hùng của đất nước”
Sức nóng về thành tích lịch sử của U23 Việt Nam cũng khiến nhiều người dân quê nhà Công Phượng tại xã Mỹ Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) chuyện trò, bàn tán sau một ngày kết thúc giải. Những ngày qua, người dân nơi đây cũng phải tranh thủ làm việc đồng áng để tập trung tại nhà Công Phượng để xem đá bóng và tiếp lửa cho U23 Việt Nam.
|
Người dân xã Mỹ Sơn tập trung xem đá bóng và "tiếp lửa" cho U23 Việt Nam tại nhà Công Phương. |
Anh Nguyễn Văn Tú (trú xã Mỹ Sơn) vui vẻ cho biết, dù không thể chiến thắng ở trận cuối cùng nhưng các cầu thủ U23 Việt Nam đã thực sự giành được chiến thắng trong lòng người hâm mộ khi nhắc đến trận chung kết giữa U23 Việt Nam – U23 Uzbekistan.
Theo anh Tú, đây không phải là lần đầu người dân nơi đây tập trung đến nhà Công Phượng xem đá bóng, mà mỗi giải đấu có cầu thủ này ra sân, nhiều người dân địa phương vẫn thường về nhà cầu thủ số 10 này để xem và cổ vũ.
“Giải đấu này không phải Công Phượng đá mờ nhạt mà có lẽ là tất cả các cầu thủ của chúng ta đã quá hay. Chưa lúc nào tôi xem đá bóng mà lại có những cảm xúc thật sự tuyệt vời như những ngày qua”, anh Tú nói.
|
Bà Hoa cho rằng các cầu thủ U23 như những người hùng của đất nước. |
“Mặc dù sân bãi, thời tiết khắc nhiệt dưới 0 độ C nhưng các cầu thủ của chúng ta quá tuyệt vời. Các cầu thủ U23 đúng là những người hùng của đất nước”, bà Nguyễn Thị Hoa - mẹ Công Phượng chia sẻ.
Bà Hoa cũng gửi lời cám ơn tới HLV Park Hang-seo và chúc người thầy này sức khỏe để tiếp tục tập luyện và dẫn dắt đội bóng nước nhà trong thời gian sắp tới.
Trộm bưởi của mẹ để đá bóng
Chị Phạm Thị Mai (25 tuổi, chị gái Xuân Mạnh) cho biết, Xuân Mạnh là con út trong gia đình có 3 chị em. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tuổi thơ của cả 3 chị em Xuân Mạnh gắn liền với những mưu sinh ngoài ruộng đồng từ những năm tiểu học.
“Ngày còn nhỏ Mạnh ham đá bóng lắm. Do không có tiền nên Mạnh vẫn thường nhặt những bao xi măng, rơm rạ rồi về dùng dây buộc tròn lại để cùng bạn trong xóm đá bóng. Nhiều lần Mạnh còn hái trộm cả những quả bưởi non của mẹ để làm bóng đá với bạn”, chị Mai nhớ lại.
Theo chị Mai, Xuân Mạnh được vào lò đào tạo Sông Lam Nghệ An theo đuổi giấc mơ đá bóng từ năm lên lớp 6. Với số tiền phụ cấp ít ỏi hàng tháng, cầu thủ này vẫn dành tiền bỏ heo đất mỗi ngày để tiết kiệm gửi về cho gia đình.
“Mạnh sống rất tình cảm và hiếu thảo với bố mẹ. Số tiền trợ cấp không nhiều nhưng em nó vẫn dành dụm, gửi về cho cha mẹ tháng 300.000 – 500.000 đồng mỗi tháng”, chị Mai cho biết.
|
Thành Trung