Làng quê bất an với hụi “ma” và tín dụng “đen”

30/07/2022 - 06:50

PNO - Thời gian qua, ở các làng quê ven TP. Huế, xảy ra nhiều vụ hụi “ma”. Theo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính từ 15/4/2019 đến 1/6/2022, công an tỉnh đã phát hiện, xử lý hình sự 26 vụ, 51 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”, cho vay nóng.

Những ngày này, ông Nguyễn Văn T. ở xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế đứng ngồi không yên khi vợ là Trần Thị Huyền M. bỏ nhà đi hơn mười ngày, khóa điện thoại. Bà M. bỏ trốn sau khi ôm hơn 2 tỷ đồng tiền đóng hụi của hơn 30 tiểu thương ở chợ Cầu Ngói Thanh Toàn.

Khu vực tìm thấy thi thể chị Nguyễn Thị Th. (xã Nghĩa Thương, H.Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) nghi nhảy cầu tự tử vào ngày 21/7. Theo chính quyền địa phương nhiều khả năng do chị Th. nghĩ quẩn vì cuộc sống khó khăn,  nợ nần bủa vây - ẢNH: THANH VẠN
Khu vực tìm thấy thi thể chị Nguyễn Thị Th. (xã Nghĩa Thương, H.Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) nghi nhảy cầu tự tử vào ngày 21/7. Theo chính quyền địa phương nhiều khả năng do chị Th. nghĩ quẩn vì cuộc sống khó khăn, nợ nần bủa vây - Ảnh: Thanh Vạn

Hụi và nợ bào mòn xóm làng 

Ông T. cho biết, mấy hôm nay, ngày nào cũng có người kéo đến nhà đòi nợ. Hai đứa con ông sắp nhập học nhưng ông chưa có tiền mua sách vở. “Hôm trước, tôi nghe vợ nói có vay 300 triệu đồng của một người tên Thành ở chung cư Xuân Phú để trả nợ cho bà con ở chợ, nhưng vay xong rồi trốn luôn, cả nhà không liên lạc được. Cách đây hai ngày, có mấy người xăm trổ đầy mình đến tạt sơn vô nhà. Thấy nhà còn cái ti vi để ở phòng khách, họ tháo dây điện, khiêng đi luôn. Nhà cửa giờ không còn gì nữa cả. Tui khổ tâm quá” - ông T. than.

Một tháng trước, ở xã Lộc Thủy, H.Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng xảy ra vụ gần 200 người kéo đến bao vây nhà chủ hụi Bùi Thị Nh. khi nghe tin bà Nh. “ẵm” khoảng 4 tỷ đồng của các con hụi bỏ trốn vào TPHCM. Bà Huỳnh Thị X. - ở thôn Thủy Yên, xã Lộc Thủy, buôn bán ở chợ Nước Ngọt - kể: “Thấy gia đình bà Nh. khá giả, có hai người con gái đang làm việc bên nước Anh nên nhiều năm qua, bà con tin tưởng, góp hụi từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng/ngày cho bà. Không ngờ, bà Nh. lại quỵt hụi”.

Do vay “nóng”, gia đình bà Trần Thị An - ở xóm Khoa Đà, xã Hưng Tây, H.Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An - lâm vào cảnh ly tán. Bà An kể, vài năm trước, bà bàn với chồng chia cho vợ chồng con trai là Nguyễn Lê Mạnh miếng đất hơn 100m2 ở sát hông nhà mình để cất nhà, ra riêng. Để có tiền xây nhà, anh Mạnh đầu tư làm ăn nhưng thua lỗ, phải đi vay nặng lãi hàng trăm triệu đồng. Đầu năm 2019, không còn khả năng chi trả trong khi tiền lãi vẫn bị cộng dồn hằng ngày, anh Mạnh đành gán miếng đất này cho chủ nợ. 

“Lúc đó, chúng tôi phải gán miếng đất này cho họ với giá 600 triệu đồng. Sau khi trừ được nợ, vợ chồng nó dắt nhau qua Lào làm thuê để kiếm tiền về chuộc lại miếng đất nhưng gặp dịch bệnh, rồi đồng tiền mất giá nên chỉ đủ để gửi về lo cho con cái”.

Cách nhà bà An không xa, ông Nguyễn Đình Thông cũng đang phải xoay xở để chăm sóc cho đứa cháu nội mười tuổi. Ông kể, ít năm trước, con trai ông là Nguyễn Thanh Giang vay nóng mấy trăm triệu đồng của một người trong xã. Không còn khả năng trả nợ, bị chủ nợ liên tục hối thúc và tới tận nhà đe dọa, Giang phải bỏ trốn vào TPHCM làm thuê. 

Ông Thông buồn rầu: “Chúng tôi xin khất nhưng không được. Họ liên tục mang giấy nợ đến dán trước cổng nhà, mắng chửi thậm tệ. Thằng Giang vô trong Nam làm thợ điện, nói sẽ gắng kiếm tiền gửi về trả dần nhưng được một năm thì không may bị điện giật chết”. Khi chồng đột ngột qua đời, vợ anh Giang đành xin phép đưa cậu con trai út về nhà ngoại ở, gửi con gái đầu lòng cho vợ chồng ông Thông chăm sóc. 

Ở cùng xã Hưng Tây, anh Nguyễn Văn N. cũng phải gán nhà trừ nợ. Vay nóng tiền nhưng không trả được lãi, số nợ và lãi bị cộng dồn lên hơn 1 tỷ đồng, anh N. cùng em trai phải gán nhà cho chủ nợ rồi về sống chung với cha mẹ trong căn nhà cấp 4 chật chội. Không chấp nhận số phận, anh N. bàn với vợ ra thuê nhà trọ ở riêng rồi thuê một miếng đất ở trục đường trung tâm xã, mở quán nước.

Ông Nguyễn Đình Thông chỉ về phía cột nhà, nơi từng bị các đối tượng cho vay nặng lãi dán các mẩu giấy đòi nợ con trai ông - ẢNH: PHAN NGỌC
Ông Nguyễn Đình Thông chỉ về phía cột nhà, nơi từng bị các đối tượng cho vay nặng lãi dán các mẩu giấy đòi nợ con trai ông - Ảnh: Phan Ngọc

Đừng vay tiền theo quảng cáo

Theo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính từ 15/4/2019 đến 1/6/2022, công an tỉnh đã phát hiện, xử lý hình sự 26 vụ, 51 đối tượng liên quan đến hoạt động tín dụng “đen”, cho vay nóng. Công an đã khởi tố, điều tra 24 vụ, 44 đối tượng về tội “cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; khởi tố, điều tra 1 vụ, 4 đối tượng về tội “cố ý gây thương tích” và 1 vụ, 3 đối tượng về tội “bắt giữ người trái pháp luật” liên quan đến cho vay nóng. 

Công an tỉnh cũng xử lý hành chính 50 vụ việc, 77 đối tượng về hành vi rải, dán tờ rơi quảng cáo vay tiền gây mất mỹ quan đô thị, phạt tiền gần 400 triệu đồng, kiểm tra xử phạt một cơ sở kinh doanh không phép. Mặc dù bị Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế giám sát và xử lý quyết liệt nhưng do lợi nhuận quá cao nên vẫn còn nhiều nhóm đối tượng từ các tỉnh đến Thừa Thiên - Huế để cho vay nóng. Chúng cho người đi khắp làng quê, dán, thả tờ rơi “cho vay nhanh”.

Thượng tá Lê Ngọc Minh - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, Công an TP.Huế - cho biết, thời gian gần đây, ở các xã mới sáp nhập vào TP.Huế, liên tiếp xảy ra các vụ án được phát hiện ở làng quê thường liên quan đến tín dụng “đen” mà chủ đường dây là người từ nơi khác đến. Các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP.Huế đang phối hợp với công an các phường, xã giám sát chặt đối tượng ngoại tỉnh đến tạm trú, lưu trú có dấu hiệu nghi vấn, đặc biệt là các đối tượng có tiền án, tiền sự.

Ông khuyến cáo người dân không nên vay mượn tiền dựa vào thông tin từ các tờ rơi, từ lời quảng cáo “cho vay tiền nhanh” để tránh tình trạng “nợ chồng nợ”, bị các đối tượng cho vay nặng lãi đe dọa, khủng bố tinh thần…

Từ những câu chuyện đau lòng kể trên có thể thấy người dân rất cần vốn để khởi nghiệp, đầu tư hay làm ăn nhỏ. Trong khi các ngân hàng đưa ra điều kiện vay khá khắt khe, người dân khó tiếp cận vốn an toàn nên buộc phải vay nóng từ nhiều nguồn bên ngoài. Và hậu quả thật khó lường. 

Nghệ An: Yêu cầu giáo viên không vay tiền “ngoài luồng”

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An vừa gửi công văn yêu cầu các phòng giáo dục, đơn vị trực thuộc sở rà soát, tổng hợp danh sách các cán bộ, giáo viên bị đòi nợ theo kiểu khủng bố về sở, để sở chuyển cho cơ quan công an điều tra, xử lý. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh hàng loạt giáo viên ở tỉnh Nghệ An liên tục bị người lạ gọi điện thoại, nhắn tin đòi nợ dù nhiều người trong số đó không vay tiền.

Để tránh ảnh hưởng đến ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An yêu cầu các cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục không vay mượn tiền của các nhóm cho vay qua các trang mạng xã hội, các số điện thoại, tờ rơi, các ứng dụng (app) cho vay tiền không rõ nguồn gốc hoặc qua các đối tượng trung gian. Nếu cán bộ, giáo viên, nhân viên đã vay mượn tiền của các tổ chức, cá nhân như trên, đã trả nợ hoặc chưa trả đủ, cũng cần báo cáo với lãnh đạo đơn vị để tìm hướng xử lý.

Phải biết mình đang chơi hụi với ai

Thời gian qua, ở các làng quê ven TP. Huế, xảy ra nhiều vụ hụi “ma” (vỡ hụi, trốn hụi). Hình thức chơi hụi, góp hụi được pháp luật cho phép, nhằm tạo điều kiện để người dân hỗ trợ, giúp đỡ nhau về nguồn vốn làm ăn, trang trải cuộc sống. 

Tuy nhiên, người chơi hụi (góp tiền) cần phải biết rõ về chỗ ở, công việc, gia đình, tài sản, khả năng tài chính của chủ hụi để hạn chế rủi ro. Nếu chơi hụi từ mười người trở lên, người chơi cần phải biết những người cùng chơi hụi với mình là ai, nhằm tránh những dây hụi “ma”. Trong quá trình chơi hụi, người chơi phải thường xuyên liên lạc, thông tin với nhau để nắm thông tin về dây hụi, chủ hụi.

Thực tế cho thấy, có nhiều người chơi hụi nhưng chỉ biết chủ hụi chứ không biết những người cùng chơi hụi với mình. Việc chủ hụi tự ý bỏ trốn là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý tùy theo mức độ, hình thức, tính chất của hành vi. Tuy nhiên, khi chủ hụi bỏ trốn, người gánh chịu hậu quả trước tiên chính là người chơi hụi. Do đó, người chơi cần luôn thận trọng, cảnh giác.

Luật sư Lê Thị Trà My - 
Giám đốc Công ty Luật hợp danh Thiên Hà, tỉnh Thừa Thiên - Huế


Thuận Hóa - Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI