Lãng phí thực phẩm, gánh nặng của thế giới

26/11/2022 - 06:38

PNO - Giảm thất thoát và lãng phí lương thực là điều rất cần thiết khi số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói trên thế giới đang tăng dần kể từ năm 2014, hàng ngàn tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi ngày.

Những phần thực phẩm tưởng chừng bỏ đi vẫn có thể hữu ích nếu biết cách tận dụng chúng. Chẳng hạn bột vỏ trứng cung cấp canxi, hay vỏ dưa leo, cà rốt, khoai tây chứa nhiều vitamin và khoáng chất - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Những phần thực phẩm tưởng chừng bỏ đi vẫn có thể hữu ích nếu biết cách tận dụng chúng. Chẳng hạn bột vỏ trứng cung cấp canxi, hay vỏ dưa leo, cà rốt, khoai tây chứa nhiều vitamin và khoáng chất - Ảnh: Shutterstock 

Hệ thống cung cấp thực phẩm suy yếu 

Theo dữ liệu của Liên hiệp quốc, trên toàn cầu, khoảng 14% lương thực được sản xuất bị thất thoát giữa khâu thu hoạch và bán lẻ, trong khi ước tính 17% tổng sản lượng lương thực toàn cầu bị lãng phí ở khâu tiêu thụ. 

Thất thoát và lãng phí làm suy yếu tính bền vững của hệ thống cung cấp thực phẩm bởi điều đó khiến tất cả nguồn lực được sử dụng để sản xuất - bao gồm nước, đất đai, năng lượng, lao động và vốn - trở nên vô nghĩa. Ngoài ra, việc xử lý thực phẩm không sử dụng tại các bãi chôn lấp còn dẫn đến phát thải khí nhà kính, góp phần gây ra biến đổi khí hậu. Ước tính mặt tối này của chuỗi cung ứng lương thực đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn 1.000 tỉ USD hằng năm, gây ra lượng khí thải nhà kính nhiều hơn 4 lần so với lượng phát thải hằng năm của ngành hàng không. 

Liz Goodwin - thành viên cấp cao và Giám đốc về thất thoát và lãng phí thực phẩm tại Viện Tài nguyên thế giới - cho biết: “Lãng phí và thất thoát thực phẩm chiếm tới 10% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất nóng lên, nhưng chỉ một số ít quốc gia đề cập đến vấn đề này trong kế hoạch khí hậu quốc gia của họ”. 

Thất thoát và lãng phí thực phẩm cũng có thể tác động tiêu cực đến an ninh lương thực, đồng thời góp phần làm tăng chi phí thức ăn. Máximo Torero Cullen - Kinh tế trưởng của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO) - nhận định: “Trước những tác hại mà biến đổi khí hậu gây ra đối với an ninh lương thực và dinh dưỡng, những tác động tiêu cực từ sản xuất nông sản đối với môi trường trên toàn thế giới, đây là thời điểm để hành động nhằm thay đổi cách thức vận hành của các hệ thống nông sản và giảm tổn thất lương thực, mang lại lợi ích cho môi trường và cuộc sống người dân”.

Cần chuỗi cung ứng lạnh 

Số người bị ảnh hưởng bởi nạn đói trên thế giới đã chạm mốc 828 triệu vào năm 2021, tăng 46 triệu so với cùng kỳ năm 2019. Gần 3,1 tỉ người không đủ khả năng chi trả cho 1 chế độ ăn uống lành mạnh vào năm 2020 do các tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 đã đẩy lạm phát lên cao. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng đã làm tăng giá các loại ngũ cốc, đe dọa an ninh lương thực. 

Tại Hội nghị Biến đổi khí hậu lần thứ 27, báo cáo Chuỗi cung ứng thực phẩm lạnh bền vững - do Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) và FAO thực hiện - cho thấy, chuỗi cung ứng lạnh có thể đáp ứng thách thức về cung cấp thực phẩm vào năm 2050, đồng thời tránh tăng lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Đầu tư vào chuỗi cung ứng thực phẩm lạnh bền vững cũng sẽ giúp đưa các gia đình nông dân thoát nghèo.

Ở Ấn Độ, 1 dự án thí điểm chuỗi cung ứng lạnh thực phẩm đã giảm 76% thất thoát sản lượng trái kiwi, đồng thời giảm lượng khí thải thông qua việc sử dụng phương tiện vận tải lạnh. Tại Nigeria, 1 dự án lắp đặt 54 kho lạnh đã ngăn chặn quá trình hư hỏng của 42.024 tấn thực phẩm và tăng 50% thu nhập hộ gia đình cho 5.240 nông dân, người bán buôn quy mô nhỏ…

Để giảm thiểu lãng phí thực phẩm, điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi thói quen tiêu dùng của mỗi người. Priyanka Naik - 1 đầu bếp thuần chay ở Mỹ - thường biến những đồ thừa trong nhà bếp thành những bữa ăn mới đầy sáng tạo. Với phần cơm trắng còn lại sau bữa ăn, cô Naik có thể cho chúng vào máy xay cùng với đậu, khoai tây và gia vị, rồi nặn hỗn hợp thành nhân bánh mì kẹp thịt chay.

Bên cạnh đó, việc lập danh sách thực phẩm cần mua có thể giúp đảm bảo bạn không thiếu hoặc dư thừa bất kỳ thành phần quan trọng nào cho bữa ăn. Ngoài ra còn có các thủ thuật về cách cất rau và trái cây để giữ chúng tươi lâu hơn. 

Cô Naik cho biết: “Nhiều khi vỏ hoặc lá có thể chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn cả phần thịt của nông sản”, chẳng hạn như vỏ bí ngô và chuối hoàn toàn có thể ăn được. Cuối cùng, bạn không nhất thiết phải vứt bỏ thứ gì đó chỉ vì ngày hết hạn trên bao bì đã qua. Mũi và lưỡi sẽ giúp bạn nhận biết khả năng sử dụng thực sự của sản phẩm. 

Linh La (theo UN, Guardian, WE Forum, UNEP)

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI