Lãng phí lòng tốt?

11/08/2020 - 23:49

PNO - Cháu và người yêu của cháu quả thực khác nhau, và có lẽ đã khác ở cái mức “báo động”.

Gửi chú Ti Vi 
Chú ơi, cháu đang rất hoang mang. Cháu năm nay 25 tuổi, có anh người yêu bằng tuổi nhưng tính cách thì vô cùng khác nhau. Cháu thích làm công tác xã hội, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong khả năng của mình. Ở công sở, cháu cũng hay giúp đồng nghiệp không vụ lợi, nhưng người yêu cháu thì không thích điều đó. 

Một lần bọn cháu hẹn nhau đi ăn tối, nhưng chị đồng nghiệp có việc nhà đột xuất nên nhờ cháu trực hộ hai tiếng. Cháu thấy thương chị (là mẹ đơn thân của một đứa con nhỏ) nên nhận lời. Thế là anh cằn nhằn cháu.

Anh bảo cháu làm chuyện bao đồng, sao phải giúp một người mà chưa chắc người ta đã biết ơn mình, anh cho rằng cháu không tôn trọng anh, vì đã hẹn với anh rồi lại hủy, chỉ lo việc thiên hạ mà không quan tâm đến cảm xúc của anh… 

Trong mùa COVID, cháu cũng có đứng ra kêu gọi Mạnh Thường Quân góp gạo chia cho người nghèo, anh nói cháu đang tiếp tay cho những người sống ỷ lại vào lòng tốt người khác, rằng việc làm của cháu không giải quyết được cái gốc của vấn đề, người nghèo vẫn không hết nghèo, thậm chí họ còn xem việc được giúp đỡ là chuyện đương nhiên họ được thụ hưởng.

Anh vẫn đánh giá cao chuyện giúp người ta cần câu hơn là con cá, nhưng đó lại là chuyện của Chính phủ, chả đến lượt cháu phải lo. Anh nói lòng trắc ẩn phải được đặt đúng chỗ thì nó mới có ý nghĩa… 

Cháu hoang mang quá, cháu chỉ nghĩ đơn giản sự giúp đỡ đúng lúc sẽ mang hạnh phúc đến cho người khác, họ vui thì mình cũng vui. Lẽ nào cháu đã làm sai, và sai ở đoạn nào, chú Ti Vi phân tích giúp cháu với ạ.

Cháu Bao Đồng

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Bao Đồng” thân mến,
Chú đọc xong thư cháu và nghĩ, câu chuyện này có lẽ khó đi được đường dài. Người ta thường hút nhau vì những thứ khác nhau. Nhưng người ta lại chia tay cũng chính vì những điều khác nhau không dung nạp nổi.

Cháu và người yêu của cháu quả thực khác nhau, và có lẽ đã khác ở cái mức “báo động”. Chú chưa nói việc gì đúng/sai, chỉ nói rằng trong đối đãi với người ngoài, hai cháu đã quá khác biệt.

Giờ phải làm sao? Thay đổi à? Chú cho rằng người ta có thể thay đổi những điều nho nhỏ bề ngoài, khẩu vị, sở thích giải trí, kiểu trước không thích ăn rau diếp cá, giờ thì nghiện diếp cá; trước không thích đi du lịch, giờ suốt ngày săn tour. Những thay đổi kiểu đó thường là do trước đó chưa biết nên còn e ngại, nay đã biết thì thích.

Còn những đặc điểm lớn như keo kiệt/rộng rãi, đố kỵ/bao dung, lười/chăm… thì chú không nghĩ người ta có thể thay đổi tận gốc; đôi lúc người ta có thể tăng giảm những đặc điểm ấy, nhưng về căn bản thì chúng vẫn còn nguyên đó. 

Và thực sự ta cũng chỉ cần có thế. Lấy đâu ra một thế giới toàn người hiền, người chăm? Và nếu một người ác ý thức rằng mình nên bỏ ác, một người lười ý thức mình nên bỏ lười… thì điều đó đôi khi còn vững bền hơn, do những con người đó biết được các “tử huyệt” của cá tính mà có cách khắc phục.

Tuy vậy, đó là một con đường gian nan và sự thay đổi ấy chỉ bền vững khi người ta tự mình thấy cần thay đổi, không phải vì chiều lòng ai khác. 

Lấy trường hợp cụ thể của cháu, nếu bồ cháu tự thấy việc làm những điều “bao đồng” cho những người dưng là vui, là có ý nghĩa, anh ấy tự thay đổi chút ít thì khi đó mới bền; còn nếu vì nhịn cháu mà chịu đựng, thì cơn giận dữ ấy sẽ sớm quay lại và khéo còn mạnh hơn.

Cháu cũng thế, nếu tự cháu biết sắp xếp một thang thứ tự ưu tiên trong quan hệ thì dù có muốn “bao đồng” đến mấy, cháu cũng sẽ phải tuân thủ theo cái thang ấy, không để người thân phật ý. Nhưng hiện tại, có lẽ hai cháu còn đang khăng khăng rằng mình đúng, rằng tôi là người tốt, anh là người xấu; rằng tôi là người biết cái gì là quý, còn cô thì tào lao. 

Cuối cùng là chuyện giúp đỡ trong dịch COVID-19. Có lẽ chúng ta còn ngồi đây và viết thư hỏi đáp nhau về tình yêu là ta đang may mắn hơn rất, rất nhiều người. Họ là những người bị COVID-19 đánh thẳng một cú nặng nề: mất việc làm, chôn chân trong những phòng trọ với tiền hằng tháng vẫn phải lo mà trả, tương lai mờ mịt không biết phải chuyển sang làm nghề gì…

Vài ký gạo, một chai dầu ăn là đỡ được rất nhiều. Nếu có thể, ta hãy giúp người nghèo “sống sót” qua lúc này chứ đừng vội bàn về phương hướng “sống” dài lâu của họ. Hãy giúp họ một con cá nhỏ cho qua cơn khó khăn, rồi đến khi sông nước bình yên họ khắc tự làm lưới, chẳng cần đến ta giục họ làm cần câu. Bàn đến cần câu giữa lúc họ đang khẩn thiết cần một con cá nhỏ là có phần hơi “dã man”.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thế nhé, thư này có lẽ là lù mù đối với tình yêu cụ thể của cháu. Đời người còn dài, người yêu có thể còn thay đổi, nhưng sự tốt bụng của cháu là thứ cần phải giữ không để anh nào xô đổ, chỉ cần cháu ý thức về thứ tự ưu tiên của các mối quan hệ như đã nói ở trên, để việc tốt của mình không thành hão huyền khi mà quan hệ cụ thể mình sẵn sàng gạt ra, tránh đường cho mình còn đi làm từ thiện.

Chú Ti Vi

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI