"Làng ong bộng" gượng đứng lên từ đống đổ nát

15/01/2021 - 08:00

PNO - Đã hơn hai tháng kể từ ngày núi lở. Con đường vào thôn 3 - thôn 6 cũ, còn được gọi là “làng ong bộng” do người dân sống bằng nghề nuôi ong trong bộng cây để lấy mật - vẫn nhão nhoẹt bùn đất, bất chấp những nỗ lực thông đường của chính quyền địa phương.


Ngôi làng trù phú bậc nhất của xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam nay chỉ còn ngổn ngang đất đá.

Làng ong bộng ở xã Phước Lộc đã hoàn toàn bị xóa sổ trong cơn thịnh nộ của thiên nhiên
Làng ong bộng ở xã Phước Lộc đã hoàn toàn bị xóa sổ trong cơn thịnh nộ của thiên nhiên

Đêm trong dãy nhà tạm

Gió thông thống. Cái lạnh từ đá núi tỏa ra khiến những người ngồi bên bếp lửa xích lại gần nhau hơn. Dãy nhà tạm được dựng lên bằng mấy tấm ván còn sót lại và mấy tấm bạt được hỗ trợ không thể ngăn được gió. Dãy nhà tạm từng là chỗ ở cho chục gia đình có người thân mất sau vụ lở núi trước đây giờ chỉ còn lại ba gia đình. Số khác sang nhà người thân ở gần đó hoặc trở về những căn nhà cũ còn may mắn sót lại. Gạo, mì tôm, cá khô được cứu trợ đủ cho họ sống trong vòng vài tháng tới. 

Nơi đây là rừng ma (như nghĩa địa của người miền xuôi), là nơi mà người Bhnong chẳng bao giờ dám đến. Nhưng nay, chẳng nơi nào an toàn nữa, ngoại trừ nơi này. Chẳng đêm nào họ được thẳng giấc, không rõ vì lạnh, vì sợ hay vì nỗi đau vẫn còn hiển hiện trước mặt.

Can rượu được cán bộ xã cõng từ ngoài trung tâm vào được dọn ra cạnh mâm cơm với cá khô, mì gói làm canh. Chỉ có rượu mới giúp chống chọi được với cái lạnh ở đây, như lý giải của ông Lưu Huyền Thoại - Chủ tịch UBND xã Phước Lộc. “Uống đi, ấm người mới ngủ được chứ lạnh lắm” - họ bảo nhau.

Chị Hồ Thị Vy sống trong dãy nhà tạm, mon men lại xin ít rượu. Chai rượu được rót đầy, Vy lừng khừng, muốn xin thêm. “Uống nhiều thế?". "Không say đâu, cho đỡ buồn". Vy còn nán lại ở đây để tìm cho được mẹ vẫn đang ở đâu đó dưới lòng suối. Tìm ra mẹ rồi thì không ở đây nữa. Con cái, của cải đã mất sạch, ở nữa chỉ thêm buồn. Vy quay vội, với tay lấy thêm thanh củi đưa vào bếp. Hơi rượu cay nồng, xộc lên cánh mũi. Men rượu cũng chẳng thể giải quyết được gì nhiều. 
Đoàn cán bộ xã thay nhau túc trực ở đây đã hai tháng trời, vừa tìm kiếm người mất tích, vừa khảo sát chỗ để tái định cư cho những người mất nhà. Nhưng đi đến nát cả hai bàn chân, vẫn không tìm được nơi nào ngoài hai vị trí ở đầu làng. Làng đã bị chẻ đôi và chắc chắn sẽ không bao giờ trở lại như cũ, không cách nào hàn gắn được.

Những người còn sót lại của làng vẫn đang lay lắt
Những người còn sót lại của làng vẫn đang lay lắt

“Năm 2002, xã Phước Lộc tách ra từ xã Phước Thành, thôn 6 cũng từ đó mà ra. Nhưng giờ thì hệ thống giao thông, cơ sở vật chất được gầy dựng trong gần 20 năm đã mất hết” - ông Thoại ngao ngán.

Vết nứt không thể xóa, người làng cũng không còn được sống cùng nhau nữa. Một số người đã tìm qua thôn khác để ở, nhóm còn lại cũng lác đác và họ cũng không còn muốn ở lại cái mảnh đất chứa ký ức đau thương này. Ngôi làng với nghề nuôi ong bộng trứ danh của tỉnh Quảng Nam khó có thể phục hồi. Rừng vẫn còn đó. Ong vẫn sẽ tìm về những hốc cây được đục sẵn để cho mật. Nhưng người đã không còn như trước nữa.

“Thảm họa cho thấy không có nơi nào an toàn cả. Thôn 6 chưa bao giờ bị đưa vào diện “khu vực nguy hiểm”, nhưng rồi mọi thứ đã xảy đến. Dựa rừng, giữ rừng được xem là cách tự vệ trước lũ quét, sạt lở, nhưng giờ lại thành thảm họa” - ông Thoại thở dài.

Làng mới và niềm hy vọng mới

Ông Thoại kể, ngày nhận được tin thôn 6 bị sạt lở, vùi lấp hàng chục ngôi nhà, ông không tin vì làng ở giữa thung lũng, vây quanh là những rừng cây cổ thụ, khó có cơn bão, lũ nào đến được. 

Công cuộc tái thiết làng sau thiên tai sẽ còn rất dài
Công cuộc tái thiết làng sau thiên tai sẽ còn rất dài

Chiều 28/10/2020, đỉnh núi bị chia làm đôi. Ngôi làng nổi tiếng với nghề nuôi ong bộng hoàn toàn bị xóa sổ, 11 người bị vùi lấp, trong đó có ba người đến nay chưa được tìm thấy. Tôi hỏi ông Thoại về phương hướng những ngày tới. Ông lắc đầu, tất thảy vẫn còn rất mơ hồ, tương lai của những người còn sót lại vì vậy cũng bất định. 

Khuya, gió rít lên từng hồi, hắt những giọt mưa vào từng ngõ ngách. Anh Hồ Văn Thước với tay lấy ít củi cho vào bếp, hai tay xoa vào nhau cho đỡ lạnh. Vợ anh đã mất trong trận lũ quét, hai đứa con đã được gửi sang chỗ khác để ở, chỉ còn mình anh ở lại để trông chừng những vật dụng còn sót lại. 

Nhà anh sở hữu một diện tích lớn đất rừng nên từng nổi tiếng với lượng mật ong thu về hằng năm. “Giờ chẳng biết bắt đầu lại từ đâu. Mất mát quá lớn. Nhưng chúng tôi chắc chắn vẫn giữ nghề nuôi ong này. Đó là nghề truyền thống từ bao đời nay rồi” - anh Thước nói.

Chính quyền xã đã tính đến nhiều giải pháp để ổn định cuộc sống cho người dân
Chính quyền xã đã tính đến nhiều giải pháp để ổn định cuộc sống cho người dân

Cả thôn có tổng cộng 37 nhà thì có đến 29 nhà bị lũ cuốn trôi. Làng bị chẻ làm đôi từ phía trên kia đỉnh núi. Giờ, họ bị nỗi ám ảnh đó dùng dằng mãi không nguôi. Họ sợ đủ thứ. Ngôi làng lâu đời có nguy cơ không thể tái lập. Những người khác đã rục rịch chuyển đi. Họ xin được ghép vào với những thôn khác, nơi có vẻ an toàn hơn. Ngay cả già Hồ Văn Yên - 76 tuổi, người gắn bó từ ngày lập làng - cũng chưa dám chắc tương lai mình vẫn sẽ dựng nhà và ở lại đây. 

“Chừng này tuổi rồi, không phải sợ chết nữa mà chỉ lo cho con cháu. Mình vẫn còn nhiều rừng ở phía trên kia để nuôi ong. Đó là thu nhập chính của bà con nên tuyệt đối không thể bỏ. Người làng này từ xa xưa đã có truyền thống tự cung tự cấp, nên cũng sẽ vượt qua thôi. Chỉ có nỗi ám ảnh là không xóa được” - già Yên thở dài.

Chính quyền xã đã tính đến nhiều giải pháp như khôi phục ruộng lúa, mua ống nước cấp cho dân, dựng nhà tạm, khảo sát mặt bằng, dự trữ lương thực đủ cho dân dùng suốt hai tháng trước và sau tết Nguyên đán, sau đó là cấp giống chăn nuôi, khoanh vùng trồng rừng gỗ lớn, trồng dược liệu.

“Trước mắt, phải đảm bảo cuộc sống người dân. Xã đã kiến nghị nhà nước hỗ trợ lương thực cho người dân ở đây trong sáu tháng đầu năm 2021 để họ ổn định lại cuộc sống, ổn định lại tinh thần, sau đó mới tính đến chuyện tái sản xuất, tái định cư” - ông Thoại cho biết.

Điều mà ông Thoại tin tưởng nhất là truyền thống cần cù của người dân làng này. Trong suốt gần mười năm ông công tác ở đây, thôn 6 chưa bao giờ trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, dù Phước Lộc là xã khó khăn nhất của huyện Phước Sơn. 
Gió vẫn luồn sâu trong từng vách gỗ. Bếp vẫn rực lửa nhưng chẳng thể xua đi những lạnh lẽo nơi góc núi. Giấc ngủ dân làng chập chờn qua từng cơn gió rít. Rồi đây, làng mới lại được dựng lên, họ lại một lần nữa gầy dựng lại thương hiệu “làng ong bộng”.

Nguyễn Dương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI