Cùng với tháng Giêng và tháng 9 âm lịch, hiện nay đang là một trong những thời điểm quan trọng của người làng Chuông trong việc sản xuất và trả hàng nón truyền thống.
Theo tư liệu "Làng nghề, phố nghề Thăng Long - Hà Nội trên đường phát triển" của Nhà xuất bản Hà Nội, làng Chuông có nghề làm nón truyền thống từ thế kỷ XV. Hiện nay, nón làng Chuông vẫn là một sản phẩm kì công và nhận được sự ủng hộ của người dùng trong cả nước và đã xuất khẩu sang các nước khác.
Trải qua 6 thế kỷ tồn tại, làng Chuông Hà Nội là nơi cung ứng các sản phẩm nón cổ truyền như nón quai thao, nón lá giá ghép sống. Trong đó, nón quai thao cho người lớn tuổi đội đi chùa. Còn nón lá cỏ giáp, lá cọ ghép sống phục vụ cho người nông dân làm công việc đồng áng.
Nghệ nhân Lê Văn Tuy (thôn Mã Kiều, làng Chuông, Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Đặc trưng của sản xuất nón làng Chuông là làm theo hộ gia đình. Tuy nhiên, theo thời gian thì không còn nhiều người làm nón do thu nhập thấp. Chủ yếu chỉ còn một vài người tiếp tục giữ nghề, đứng ra nhận đơn rồi đưa số lượng về từng hộ để làm. Hiện nay, nón làng Chuông vẫn được làm thủ công, nhà tôi làm việc với khoảng 20 hộ” .
Cho đến nay, nghệ nhân Tuy là một trong những hộ hiếm hoi vẫn còn giữ nghề làm nón lá truyền thống. Bên cạnh việc tự tay làm những chiếc nón lá khó theo đơn đặt hàng, nghệ nhân Tuy liên kết với khoảng hơn 20 hộ để đưa các đơn làm nón thủ công về cho các hộ tự làm tại nhà lúc nông nhàn.
Theo nghệ nhân Tuy, trước đây, trẻ em làng Chuông ai cũng biết làm nón. Một đứa trẻ làng Chuông từ 5,6 tuổi đã có thể học cách làm nón thành thạo. Đến nay, trẻ em của làng có khi học từ nhỏ cho đến hết cấp 3 mới có thể tự hoàn thiện được một chiếc nón.
Trong hai năm dịch COVID-19 vừa qua, do nhiều lần giãn cách xã hội và đóng cửa về kinh tế, việc làm nón thủ công tại làng Chuông gặp nhiều khó khăn, các đơn hàng không thể xuất đi. Đến năm nay, khi kinh tế đã mở cửa, các hộ sản xuất lại bình thường và chạy hàng nhiều cho dịp Tết Nguyên đán 2023.
"Những ngày này, mỗi hộ làm nón chúng tôi vẫn túc tắc xuất đi khoảng 500 chiếc nón/ngày. Ở những ngày cao điểm có thể lên tới 2.000-3.000 nón/ngày. Bây giờ phần lớn là các đơn hàng hộ kinh doanh đặt để giữ cho vụ nón tháng Giêng" - nghệ nhân Lê Văn Tuy nói thêm.
Trong suốt 6 thế kỷ hình thành và phát triển, nghề nón làng Chuông vẫn luôn là một nghề phụ được làm trong lúc nông nhàn rảnh rỗi. Vì thế, cho đến ngày nay, phần lớn các hộ không còn tự sản xuất nón để bán mà chỉ còn những hộ lớn đứng ra chia đơn và nhận sản phẩm nón hoàn thiện để đẩy ra thị trường.
Nón làng Chuông bền đẹp, chắc chắn với giá cả đa dạng đã trở thành thương hiệu được ưa chuộng trên khắp cả nước. Vì thế, cứ vào vụ Tết là cả làng lại rộn ràng với những vòng nón, lá cọ, cỏ giáp...
Lá cọ, lá cỏ giáp là nguyên liệu cơ bản để làm nón làng Chuông. Thời điểm này, đi khắp làng đâu đâu cũng thấy lá được phơi từ sân đình cho đến ngoài triền đê. Lá phải được phơi đủ 3-4 nắng mùa hè và 7 nắng mùa đông cùng với một lần phơi sương.
Những ngày gần Tết, người làng Chuông lại hối hả hoàn thiện những chiếc nón lá mang đậm bản sắc dân tộc và chứa đựng bao điều bình dị của làng quê Việt Nam. Làng Chuông với nghề làm nón giờ đã nổi tiếng khắp trong và ngoài nước. Ngày nay, nón Chuông không chỉ đến được với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc, Nhật Bản, mà còn xuất sang tận phương Tây, có mặt trong những siêu thị lớn với giá cao.