Làng người Nghệ “ở nhờ” trên đất Thanh

28/09/2024 - 05:59

PNO - Sau hơn nửa thế kỷ đi khai hoang, lập làng theo chủ trương giãn dân, hàng trăm gia đình quê tỉnh Nghệ An có đất ở tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa được cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Họ chịu nhiều thiệt thòi, còn chính quyền 2 tỉnh cũng lúng túng về hướng xử lý.

Người một nơi, đất một nẻo

Phụ vợ sửa soạn lại cửa hàng tạp hóa nhỏ, ông Hồ Sỹ Bảy - 53 tuổi, ở xóm 10, xã Quỳnh Lộc, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An - cho hay, quê gốc của gia đình ông là phường Quỳnh Dị, thị xã Hoàng Mai. Năm 1964, cha mẹ ông cùng hơn 20 gia đình được chính quyền phường Quỳnh Dị vận động đi “khai hoang mở đất” ở vùng giáp ranh giữa tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An để giãn dân.

Từ một vùng đất hoang vu, nay khu vực giáp ranh 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã kín người ở
Từ một vùng đất hoang vu, nay khu vực giáp ranh 2 tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An đã kín người ở

Ông kể, ngày ấy, vùng đất này rất hoang vu, um tùm cây cối, nếu không được vận động thì chẳng ai muốn ra đây ở: “Những người tiên phong đi khai hoang hầu hết là đảng viên, họ chặt cây, cuốc đất rồi trồng khoai, sắn (khoai mì), lúa… Đất đai màu mỡ, được mùa nên ngày càng có nhiều người chuyển đến đây dựng nhà cửa để ở, rồi các thế hệ tiếp nối nhau sinh sống, biến vùng đất hoang vu thành một ngôi làng đông đúc”.

Song thật trớ trêu, vùng đất mà họ khai hoang, lập làng sau đó được xác định thuộc xã Trường Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa trong khi họ vẫn đăng ký hộ khẩu thường trú, đóng các loại thuế - trong đó có thuế đất - cũng như chấp hành mọi thủ tục hành chính khác với UBND xã Quỳnh Lộc. Do đó, họ không được giải quyết các chính sách về nhà đất, hồ sơ vay vốn ngân hàng liên quan đến đất.

Là những người tiên phong đi “khai hoang mở đất”, nhưng đến tận khi qua đời, cha mẹ ông Bảy vẫn không thể đứng tên chính chủ cho mảnh đất rộng hơn 600m2 của mình. Không có sổ đỏ thế chấp vay ngân hàng để có vốn đầu tư phát triển kinh tế, các anh chị của ông Bảy lần lượt vào miền Nam tìm việc làm rồi định cư, giao cho ông toàn bộ phần đất mà cha mẹ để lại, nhưng ông cũng chỉ “để đấy” bởi không có giấy chủ quyền, không bán được. Ông nói: “Nhà tôi buôn bán nhỏ, nhiều lúc cần vốn để mở rộng tiệm tạp hóa nhưng không thể thế chấp đất để vay ngân hàng, đành chịu”.

Chung cảnh ngộ, chị Nguyễn Thị Diên - 50 tuổi, ở xóm 10, xã Quỳnh Lộc - nói, do không có sổ đỏ để thế chấp, gia đình chị đành vay tín chấp, tối đa 50 triệu đồng, chỉ đủ để mua gà, heo nuôi, kiếm thêm thu nhập: “Con lớn muốn đi xuất khẩu lao động cũng cần vài trăm triệu đồng, mình muốn làm ăn gì cũng cần tiền lớn. Mình có đất nhưng đành bất lực”.

Ông Nguyễn Văn Trường - Trưởng xóm 10 - cho biết, xóm có hơn 430 hộ dân thì có tới 270 hộ với 930 nhân khẩu chưa được cấp sổ đỏ do “sống nhầm” trên đất của tỉnh Thanh Hóa. Thời trước, việc phân chia ranh giới chưa rõ ràng, những người tiên phong đến vùng đất này khai hoang, phát triển kinh tế rồi định cư, đến khi xác định địa giới hành chính, họ mới biết mình đang ở trên đất thuộc xã Trường Lâm, rồi mang tiếng “ở ké” suốt hàng chục năm qua.

Trước đây, toàn xóm có gần 100ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng nay chỉ còn khoảng 7ha. Không còn đất để trồng trọt, người dân ở nhà buôn bán nhỏ, vào các khu công nghiệp làm công nhân với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng hoặc rời quê để tìm việc làm tốt hơn.

Ông Nguyễn Văn Trường rà soát các thửa đất thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa
Ông Nguyễn Văn Trường rà soát các thửa đất thuộc địa phận tỉnh Thanh Hóa

Loay hoay tìm phương án

Lật mở tấm bản đồ mới xin được từ UBND xã Trường Lâm, ông Nguyễn Văn Trường cho biết, hơn một nửa diện tích xóm 10 hiện đang thuộc sự quản lý của UBND xã Trường Lâm. Do “mắc kẹt” giữa 2 tỉnh nên xóm không được đầu tư xây dựng đường sá, nhà văn hóa như những nơi khác.

“Trước đây, chúng tôi có thể tới UBND xã Quỳnh Lộc xin xác nhận đất ở, vay tín chấp 50 triệu đồng thì từ tháng 6/2024, chúng tôi phải đến UBND xã Trường Lâm xin xác nhận” - ông Trường nói.

Theo ông, chuyện “đất Thanh, người Nghệ” đã không ít lần khiến người dân trong làng xảy ra tranh cãi do bất đồng quan điểm. Năm 1985 và năm 1991, phía chính quyền tỉnh Nghệ An muốn nhập số hộ đang sống trên đất Thanh Hóa sang “làm người Thanh Hóa” nhưng phần lớn người dân không đồng ý.

Đầu năm 2024, qua thăm dò ý kiến, đại đa số người dân xóm 10 vẫn mong muốn “làm người Nghệ An” do có khác biệt về văn hóa, phong tục tập quán. Hơn nữa, nếu lấy hộ khẩu ở xã Trường Lâm thì con em họ phải đi học xa hơn, phải vượt qua Quốc lộ 1A để đến trường.

“Nhiều người nói họ được vận động đi khai hoang chứ không phải tự đi, mà nay lại bị làm khó. Giờ chúng tôi đi làm thủ tục kê khai đất đai cũng rất khó bởi người trong xóm cứ nghĩ kê khai để sáp nhập vào tỉnh Thanh Hóa nên không cung cấp thông tin” - ông Trường nói.

Do không được quản lý trực tiếp người và đất xóm 10 nên ông Cao Văn Sự - Chủ tịch UBND xã Trường Lâm - cũng không rõ xóm 10 có diện tích, nhân khẩu thế nào. Theo ông, người dân Nghệ An từng thâm canh, xen cư vào giáp trung tâm xã Trường Lâm ngày nay nhưng khi được yêu cầu đăng ký hộ khẩu, chứng nhận đất đai ở xã này thì phần lớn bỏ về quê sinh sống, chỉ còn lại những hộ dân ở xóm 10.

Đất đai ở xóm 10 thuộc địa phận xã Trường Lâm nhưng khi xảy ra vi phạm, tranh chấp thì UBND xã này không thể can thiệp do không quản lý nhân khẩu. Điều này đã kéo dài hàng chục năm qua, khiến người dân chịu thiệt thòi, chính quyền địa phương cũng khó xử. Ông nói: “Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị cấp trên xem xét, điều chỉnh lại địa giới hành chính hoặc bàn giao nhân khẩu cho UBND xã quản lý nhưng chưa giải quyết được”.

Hơn một nửa số hộ dân xóm 10, xã Quỳnh Lộc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do “ở ké” trên đất Thanh Hóa
Hơn một nửa số hộ dân xóm 10, xã Quỳnh Lộc chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do “ở ké” trên đất Thanh Hóa

Ông Nguyễn Hữu Túy - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc - cho biết, dù sống trên đất Thanh Hóa nhưng hàng chục năm qua, người dân xóm 10 vẫn sinh hoạt và đóng các khoản thuế, phí ở UBND xã Quỳnh Lộc. Do không có sổ đỏ nên các thủ tục về đất ở của người dân như cho tặng, thừa kế hay thế chấp ngân hàng đều không thực hiện được.

Để được cấp sổ đỏ, 270 hộ dân “sống nhầm” trên đất Thanh Hóa chỉ có thể sáp nhập vào xã Trường Lâm hoặc trình Chính phủ điều chỉnh địa giới hành chính, chuyển phần đất của xóm 10 vào tỉnh Nghệ An. Song cả 2 cách này đều rất khó thực hiện bởi người dân không muốn thay đổi quê quán, mà diện tích cần điều chỉnh địa giới lại quá nhỏ, không đến mức phải trình Thủ tướng Chính phủ.

Ông Nguyễn Hữu An - Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai - nói: “Nếu người dân đồng ý sáp nhập vào tỉnh Thanh Hóa thì mọi việc sẽ đơn giản. Do đó, chúng tôi đang tiếp tục vận động họ”.

Ở nhiều vùng quê, đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, nhường chỗ cho các khu công nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhiều hộ dân ở xã Quỳnh Lộc có đất mà như không có, bởi không thể đứng tên chính chủ.

Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI