Làng nghề vào xuân

23/01/2025 - 06:45

PNO - Cà Mau là tỉnh có diện tích trồng chuối lớn thứ hai khu vực đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 5.400ha, sản lượng đạt gần 60.000 tấn/năm. Với người dân Cà Mau, cây chuối cùng con cá sặc rằn gắn liền với đời sống, với tuổi thơ, ký ức của biết bao thế hệ mỗi khi tết đến.

Trên bờ có chuối

Khi những cơn mưa cuối mùa dứt hạt cũng chính là thời điểm làng nghề ép chuối khô ở Cà Mau rộn ràng, tất bật. Hàng ngàn hộ dân làm nghề ép chuối khô trong tỉnh Cà Mau cung cấp ra thị trường mỗi năm hơn 500 tấn chuối khô thành phẩm các loại.

Gia đình ông Bảy Hoàng - xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, có gần 30 năm gắn bó với nghề ép chuối khô - nghề truyền thống của gia đình và đã được truyền qua 3 thế hệ.

Tranh thủ nắng để phơi chuối mùa tết
Tranh thủ nắng để phơi chuối mùa tết

“Trước đây, sản xuất chuối khô thủ công nên rất vất vả và phụ thuộc hoàn toàn vào nắng trời. Những năm gần đây, nhờ có lò sấy mà lúc nào gia đình cũng có sản phẩm để bán cho thương lái. Riêng 3 tháng cận tết, cơ sở Bảy Hoàng làm ra khoảng 50 tấn” - anh Trần Thanh Duy - con ông Bảy - chia sẻ.

Ép chuối khô là công việc dễ, ai cũng có thể làm được; nhưng để ép ra những mẻ chuối khô ngon, tròn trịa, màu vàng bắt mắt đòi hỏi người ép, người phơi phải có những kỹ thuật nhất định.

Người làm ra các mẻ chuối thơm ngon, bắt mắt không ai khác chính là những phụ nữ quanh năm tay lấm chân bùn, gắn bó với ruộng đồng. Mùa tết, khi công việc đồng áng đã xong, họ í ới gọi nhau đi làm từ 2g sáng để kịp ép những mẻ chuối vàng ươm phơi cho kịp nắng.

Chị Nguyễn Kiều Tiên - ngụ xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - đã gắn bó với nghề ép chuối khô khoảng 10 năm nay. “Mùa tết, phải đi tăng cường từ đêm để kịp tiến độ. Nghề ép chuối khô tuy cực nhưng có được thu nhập đảm bảo trang trải lúc nông nhàn, mua sắm tết cho gia đình. Làm từ khoảng 2g đến 8g sáng, công việc của tôi sẽ hoàn thành. Nếu làm nhanh, đạt sản lượng, mỗi đêm tôi được khoảng 150.000 đồng” - chị Tiên nói.

Còn chị Cao Ngọc Thảo - cơ sở chuối khô Gia Bảo - cho biết: ngay đầu vụ, thương lái ở các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, TPHCM đã đến đặt hàng. Trong 2 tháng gần tết, sản lượng của gia đình có thể tăng 3-4 lần so với ngày thường. “Chuối tươi được thu mua mang về phải để cho chín, sau đó lột vỏ đem phơi 1 nắng rồi mới đem vào ép. Sau khi ép thành hình, chuối phải được đem phơi ngay để được nắng, chuối sẽ có màu vàng óng, vị ngọt, thơm ngon” - chị Thảo chia sẻ kinh nghiệm.

Dưới ao có cá

Nếu như nghề làm chuối khô rộn ràng lúc rạng sáng thì nghề làm khô cá bổi ở Cà Mau lại nhộn nhịp lúc về chiều.

Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 300 cơ sở thu mua, chế biến và làm khô cá bổi, thu hút khoảng 2.500 lao động tham gia. Mỗi năm, các cơ sở này đã cung ứng ra thị trường hàng trăm tấn khô cá bổi. Các cơ sở làm khô cá bổi sản xuất quanh năm. Tuy nhiên, cao điểm nhất là từ tháng Mười đến hết tháng Mười hai âm lịch.

Ông Lê Minh Đức - chủ một cơ sở khô cá bổi, ở khóm 7, thị trấn Rạch Ráng, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau - cho biết: làm khô bổi phải có bí quyết riêng. Cá bổi có lượng mỡ cao, thịt dày nên muốn làm khô để ăn lâu dài phải muối mặn. Tuy nhiên, khi cá muối mặn thì ăn sẽ không còn độ béo, nên muối nhạt và phơi dưới ánh nắng trực tiếp, sau đó đem vào lò sấy để hong khô là giải pháp hiệu quả nhất.

“Thu hoạch lúa xong, tôi cùng vợ đi làm khô bổi cho chủ cơ sở ở gần nhà. Mỗi ngày vợ chồng cũng kiếm được gần 500.000 đồng. Trừ chi phí ăn uống, đi lại, mùa tết cũng kiếm được hơn 10 triệu đồng” - anh Trần Văn Nhì - xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời - chia sẻ.

Chị Hồ Cẩm Nhi - huyện Trần Văn Thời - cho biết: mỗi năm tới mùa tết là chị đi làm khô cho chủ vựa. “Tôi làm từ khoảng 10g đến 17g. Con trai tôi đi học về cũng phơi khô tiếp mẹ. 2 mẹ con kiếm mỗi ngày cũng được hơn 400.000 đồng. Làm khoảng 2 tháng gần tết là đủ tiền xoay xở trong mấy ngày xuân. Tiền trồng lúa, nuôi cá của gia đình (hơn 1ha) để dành tích lũy cho con cái đi học” - chị Nhi nói.

Lại một mùa xuân nữa. Không những tạo thu nhập ổn định cho người làm nghề, những người làm công trên các làng nghề truyền thống cũng sẽ có một mùa xuân ấm áp, đủ đầy từ những sản vật của địa phương.

Phương Khánh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI