Lắng nghe và tôn trọng nguyện vọng người dân

26/10/2024 - 06:03

PNO - Thời gian qua, vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) liên tục xảy ra các vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, gây bất an cho người dân.

Nguyên nhân được nhận diện là do tác động của biến đổi khí hậu, thiếu hụt phù sa và cát sỏi lòng sông do các quốc gia đầu nguồn xây chuỗi đập thủy điện và chuyển nước dòng chính như “trích máu” sông Mê Kông, tạo ra tác động tiêu cực xuyên biên giới.

Người dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang phải dời nhà khi bờ sông sạt lở đến mấp mé nền nhà - Ảnh: Huỳnh Lợi
Người dân ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang phải dời nhà khi bờ sông sạt lở đến mấp mé nền nhà - Ảnh: Huỳnh Lợi

Bồi thêm những “cú đấm hội đồng” vào tình trạng sạt lở là những yếu kém nội vùng ĐBSCL do năng lực tổ chức quản lý, sử dụng nguồn tài nguyên đất và nước. Hoạt động phát triển kinh tế với cường độ cao gây nhiều hệ lụy, mất cân bằng sinh thái, làm suy giảm mực nước ngầm, gia tăng sụt lún đất. Tình trạng khai thác bùn, cát quá mức, xây kè lấn sông cục bộ, xây dựng nhà cửa và hạ tầng sát bờ sông cũng góp phần làm cho tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn.

Việc bồi đắp bờ sông của tỉnh này, gây lở bờ của tỉnh khác theo quy luật tự nhiên “bên bồi, bên lở” là khó tránh khỏi. Nhưng khi sạt lở diễn ra trên diện rộng thì rõ ràng đã có sự mất cân bằng trên toàn hệ thống. Vấn đề sạt lở ở ĐBSCL cần được tiếp cận dưới góc nhìn hệ thống và giải quyết theo hệ thống chứ không thể làm riêng lẻ từng tỉnh, từng huyện theo ranh giới hành chính.

Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay là việc di dời và bố trí nơi ở mới cho người dân sống trong vùng bị sạt lở. Các khu dân cư mới chưa đáp ứng đủ nhu cầu về chỗ ở an toàn cho số lượng lớn hộ dân phải di dời. Cũng có tình trạng chính quyền địa phương đã xây các khu tái định cư nhưng dân không muốn chuyển đến ở vì nhiều lý do.

Có thể kể, khu tái định cư thiếu các dịch vụ thiết yếu như điện, nước sạch, xa trường học và cơ sở y tế; người dân không tìm được công ăn việc làm gần nơi ở mới, đặc biệt là những hộ làm nghề khai thác thủy sản.

Trên cơ sở tổng điều tra, khảo sát, đánh giá tổng hợp tình hình, nguyên nhân chủ yếu của sạt lở, cần có giải pháp tổng thể, có lộ trình, huy động các nguồn lực phù hợp. Bên cạnh các biện pháp khẩn cấp tạm thời, di dời, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản người dân, cần có các giải pháp căn cơ trong thế chủ động.

Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, bố trí dân cư, tổ chức sản xuất đều phải đặt trong bối cảnh tổng thể, phải tính đến những mục tiêu ứng phó dài hạn, nhưng cũng không quên những mục tiêu trước mắt là người dân phải sống, con em phải đi học.

Để giải quyết tình trạng sạt lở và bảo vệ cuộc sống của người dân, cần triển khai một cách toàn diện và đồng bộ các giải pháp như lập và công bố bản đồ sạt lở theo các cấp độ nguy cơ, tăng cường công tác dự báo và cảnh báo sạt lở, áp dụng các giải pháp công trình và phi công trình, quy hoạch và xây dựng các khu tái định cư phù hợp và đảm bảo điều kiện sống.

Việc di dời người dân cần được thực hiện theo nguyên tắc “đồng thuận, hài hòa lợi ích”. Chính quyền phải lắng nghe và tôn trọng nguyện vọng của người dân, đồng thời đảm bảo các quyền lợi và chính sách hỗ trợ phù hợp.

Trong quá trình di dời, cần có sự tham gia tích cực của các tổ chức xã hội, cộng đồng, các chuyên gia, để đảm bảo các phương án di dời và tái định cư được thực hiện một cách khoa học và nhân văn. Các chính sách hỗ trợ cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng, không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách.

Sạt lở đất ở ĐBSCL là vấn đề nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và sinh kế của hàng triệu người dân. Do đó, việc lo nơi ở mới và di dời dân đến nơi an toàn đòi hỏi sự nỗ lực phối hợp giữa các cơ quan chức năng, địa phương và cộng đồng dân cư. Chỉ khi có một chiến lược tổng thể và toàn diện, chúng ta mới có thể bảo vệ được ĐBSCL và giúp dân tránh khỏi các cuộc “chạy lở” bất an.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI