Lắng nghe từ cuộc sống

30/03/2014 - 14:16

PNO - PN - Tháng Ba, khi ngày Quốc tế phụ nữ, ngày Hạnh phúc thế giới… chưa kịp qua, thì những câu chuyện bi thảm mà nạn nhân là phụ nữ, trẻ em liên tiếp xảy ra, khiến người dân bàng hoàng: trẻ sơ sinh bị bắt cóc ngay giữa bệnh viện...

edf40wrjww2tblPage:Content

Phụ nữ, trẻ em, người già… vốn là những thành viên dễ tổn thương nhất trong gia đình - xã hội. Họ non nớt, phụ thuộc và khả năng chống trả yếu ớt, nên thường trở thành những nạn nhân đầu tiên. Chẳng phải thời chiến, chẳng phải thiên tai, dịch bệnh, nhưng nhìn vào mật độ ngày càng tăng của những tổn thương trên nhóm thành viên này, một mối lo ngại xuất hiện: phải chăng hệ thống luật, chính sách… còn chỗ sơ sót, còn lỗ hổng, còn chưa bắt kịp thực tế, việc thực thi luật pháp cũng chưa có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh, nên tội ác xảy ra mà cộng đồng xã hội không ngăn cản kịp?

Phần lớn những trường hợp trên, phản ứng của người dân không hoàn toàn tự phát: họ có đến trình báo với công an, với chính quyền xã, thậm chí có viết đơn… nhưng rồi sau đó thì mọi việc diễn tiến theo chiều hướng xấu. Trong khi xảy ra sự cố, một số nhân viên chính quyền không hướng dẫn được cho người dân xử lý tình huống, ứng phó với rủi ro. Đến khi tội ác xảy ra rồi, một số cơ quan chức năng cũng chậm vào cuộc, còn có phần vô cảm.

Lang nghe tu cuoc song

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Chính sách thì đã có, nhưng việc thực thi chính sách vẫn phải phụ thuộc vào con người. Những trường hợp người dân tự thương lượng “bãi nại” với nhau một cách tùy tiện, sai lầm như trường hợp “sản phụ 15 tuổi”, lẽ ra cán bộ xã nếu tường tận hơn đã có thể ngăn cản việc làm sai, hướng dẫn cách làm đúng, không đến nỗi để người dân “khai đi khai lại”, lúc có lúc không, ham món lợi nhỏ trước mắt mà quên đi những giá trị cơ bản phải gìn giữ: lòng tự trọng, nhân phẩm con người.

Không ai phủ nhận hệ thống chính sách bảo vệ phụ nữ, trẻ em của Việt Nam hiện tại khá tích cực, nhưng từ chính sách đến thực tế, nhiều điều đã bị rơi rụng đi. Mặt khác, với đặc điểm tâm sinh lý của mình, chính phụ nữ và trẻ em lại là những đối tượng ít quan tâm đến hệ thống chính trị và luật pháp hơn cả. Vậy nên, xin hãy lắng nghe từ chính thực tế cuộc sống, hãy lắng nghe từ nỗi đau của đứa trẻ 15 tuổi mù chữ bị đến mấy người hãm hiếp, của người mẹ trẻ có hai con thơ, gia cảnh đã túng quẫn lại thêm chồng nghiện ngập…

Nếu quan niệm họ là những đối tượng được pháp luật bảo vệ, được thụ hưởng chính sách, có lẽ các đầu mối của bộ máy thực thi chính sách đã không để xảy ra chuyện như thế, có lẽ chính quyền địa phương tại chỗ đã tìm ra cách vận dụng chính sách để chăm lo, để bảo vệ họ. Thực ra, họ cũng đâu cần quá nhiều tiền bạc, đâu cần đến những điều lớn lao như sửa đổi chính sách nọ kia. Chúng ta hoàn toàn tin rằng trong hệ thống bảo vệ mà pháp luật định ra chắc chắn có chỗ dành cho họ…

Công ước của LHQ về Quyền trẻ em, Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn từ năm 1990; Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em Quốc hội đã thông qua từ năm 2004; Luật Hôn nhân và gia đình đã nghiêm cấm mọi hành vi ngược đãi, hành hạ ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh, chị, em…; Luật Dân sự quy định bảo vệ quyền trẻ em thông qua các cơ sở pháp lý như: xác định chế định về năng lực chủ thể pháp luật dân sự của người chưa thành niên, chế định giám hộ; chế định thừa kế với việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ em; Luật Lao động có quy định rõ ràng về quyền của lao động nữ, trẻ em…

Nếu chỉ nhìn ở tầm vĩ mô, sẽ thấy những cố gắng của Nhà nước trong việc xây dựng một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng nghĩa với việc xây dựng một môi trường sống an toàn và công bằng cho mọi công dân. Nhưng một phần rất lớn trong nội hàm của các chính sách, của hệ thống pháp luật, đã không đến được với người dân, đã bị biến thành những từ ngữ xa lạ, mơ hồ, những mẫu biểu thống kê vô hồn, những khẩu hiệu hoành tráng, mà đôi khi sát ngay bên cạnh đấy thôi, là những mảnh đời cùng quẫn, bức bách.

Xã hội càng dày đặc thông tin thì việc tổ chức các kênh thông tin càng dễ bị nhiễu, càng dễ dẫn đến nhiều “lỗ đen” trong mạng lưới thông tin, càng khó phát hiện ra những “khoảng trống, điểm mù” thông tin. Bởi thiếu thông tin nên người ta cũng chẳng tự phát hiện ra mình đang rơi vào những “lỗ đen” này. Vì vậy, cần lắm sự lắng nghe từ cuộc sống, để kết nối hệ thống chính sách với thực tế, để chính sách giúp được con người, nhất là phụ nữ, trẻ em, vượt qua được khó khăn. Xin hãy tìm họ, để nói với họ rằng họ được bảo vệ, và không đơn độc dù trong hoàn cảnh khó khăn nào…

Lập Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI