Lắng nghe tiếng nói người khuyết tật

20/04/2024 - 15:16

PNO - Dù mang trên mình những khiếm khuyết không mong muốn nhưng các dì, các chị luôn nghị lực vượt lên số phận khó khăn, hòa nhập cộng đồng và trở thành những người có ích cho xã hội.

Nghị lực trong bóng tối

Mù bẩm sinh từ nhỏ, chị Phan Thị Phương Dung (phường 9, quận 10) đã sống trong bóng tối suốt 42 năm qua. Nhưng không vì thế mà chị tự ti, mặc cảm vì bản thân. Năm 2001, chị Dung tham gia lớp học mát xa tại trường chuyên biệt Nguyễn Đình Chiểu. Bằng sự nỗ lực không ngừng, chị đã học thành thạo những động tác ấn huyệt, xoa bóp.

Sau đó, chị còn đăng ký học thêm lớp Cao đẳng Sư phạm âm nhạc và đi dạy tại Thủ Đức.

Hằng ngày phải di chuyển hơn 20km bằng xe buýt để đến trường dạy, sức khỏe không đáp ứng, đường xa khó khăn, vì thế, năm 2008 chị Dung đã tạm gác lại ước mơ làm cô giáo của mình và trở lại làm công việc mát xa trên đường Nhật Tảo, quận 10.

Công việc ổn định, chị Dung đã lập gia đình và có 2 đứa con. Nhưng khó khăn chồng chất khó khăn, gia đình 4 thành viên đều mù gần như hoàn toàn.

Chị Phan Thị Phương Dung( phường 9, quận 10) chia sẻ ý kiến tại chương trình.
Chị Phan Thị Phương Dung (phường 9, quận 10) chia sẻ tại chương trình.

“Cuộc sống của người bình thường khó khăn một thì đối với người mù như chúng tôi khó khăn mười. Nhưng nếu mình không có ý chí, thì sẽ trở thành người vô dụng trong xã hội. Vì thế, tôi đã nỗ lực gấp bội phần, không chỉ vì bản thân mà còn làm gương cho các con tôi noi theo” - chị Dung bộc bạch.

Giờ đây, mỗi ngày chị cùng chồng đến phòng mát xa dành cho người khiếm thị để làm việc, hằng tháng kiếm được khoảng 6 triệu đồng. Trừ tiền thuê trọ, sinh hoạt và học tập của các con, gia đình chị có cuộc sống tạm ổn.

Hoàn cảnh của bà Huỳnh Thị Thẩm, một hội viên phụ nữ khuyết tật (phường 7, quận 10) khiến ai cũng phải xót xa. Ở tuổi xế chiều, với đôi mắt yếu hơn 70%, bà phải tần tảo quanh xe bột chiên hàng ngày để kiếm tiền nuôi hai con bị khuyết tật trí não, không thể lao động.

Vài năm trước, bà Thẩm được một quỹ từ thiện tại địa phương hỗ trợ cho phẫu thuật mắt, nhưng kết quả không mấy khả quan. Giờ đây, bà phải sống và mưu sinh chập chờn giữa bóng tối và ánh sáng.

“Nhờ Hội LHPN quận cho vay vốn phát triển kinh tế với số tiền 10 triệu đồng, tôi mới có phương tiện buôn bán, lo cho cuộc sống. Tôi sẽ luôn phấn đấu mỗi ngày vì tôi biết con cái rất cần tôi, còn nhiều người quan tâm và giúp đỡ” - bà Thẩm tâm sự.

Lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng

Sáng 19/4, Hội LHPN quận 10 phối hợp với phòng Lao động, Thương binh và Xã hội quận tổ chức chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” và diễn đàn “Lắng nghe tiếng nói người khuyết tật” nhân kỷ niệm ngày Người Khuyết tật Việt Nam (18/4).

Tại diễn đàn, chị Hồ Thị Sen (phường 8, quận 10) - cho biết: Vợ chồng chị là người khiếm thị, hiện tại đang mở một tiệm mát xa trên đường Ngô Quyền, tạo công ăn việc làm cho 2 người khuyết tật khác với mức lương 5 triệu đồng/tháng.

Chị Sen cho rằng, khi là người khuyết tật rồi thì bản thân mình phải chấp nhận, không mặc cảm, không ngần ngại mà nên tiến về phía trước.

Qua đây, chị bày tỏ mong muốn, Hội LHPN quận và các cấp lãnh đạo hỗ trợ những người khuyết tật như chị được học các lớp nghề như thủ công mỹ nghệ, lớp may vá... tạo nhiều cơ hội kết nối, giới thiệu công việc, hỗ trợ cho chị em khuyết tật được vay vốn, để mọi người phát triển kinh tế, tự chăm lo cho gia đình và không là gánh nặng của xã hội.

Bà Ngô Thị Quế Băng – Phó chủ tịch Hội LHPN quận 10 ghi nhận những ý kiến của chị em phụ nữ khuyết tật. Bà Băng nhấn mạnh, trong thời gian, Hội LHPN quận sẽ tạo mọi điều kiện để những người khuyết tật được phát triển bản thân, vươn lên trong cuộc sống.

Dịp này, chương trình còn trao tặng 24 phần quà cho phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.
Dịp này, chương trình còn trao tặng 24 phần quà cho phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI