Diễn đàn Sinh con - chuyện không phải của riêng phụ nữ

Lắng nghe tiếng gọi của thiên chức

05/08/2024 - 11:28

PNO - Nhiều người hỏi tôi vì sao đã có 3 con trai và bước qua tuổi 40 rồi mà vẫn muốn sinh thêm? Có phải vì tôi vẫn mong muốn tìm được một cô con gái làm đồng minh? Hay tôi muốn sinh cho đủ “tứ quý” như người ta vẫn nói?

Đông thì vui

Sinh ra trong gia đình có 12 anh chị em, tôi phần nào bị ảnh hưởng tâm lý “đông con là có phúc”. Bên cạnh những thiệt thòi mà anh chị em chúng tôi phải chịu vì nhà đã nghèo lại còn đông con, hơn ai hết, tôi cảm nhận được nhiều hạnh phúc vì đông anh chị em.

Ký ức về những ngày xưa, khi chỉ cần ới một tiếng là anh chị em chạy về đầy đủ để ăn tối cùng nhau, ai về trễ là hết phần cơm, luôn là những vùng ký ức đẹp đẽ. Tôi luôn được bạn bè “nể” không dám chọc ghẹo vì nhìn “dàn” anh của tôi là chúng sợ rồi. Chúng tôi thời ấy ít được mua quần áo mới, nhưng cứ mặc áo quần “thừa kế” từ đời anh, đời chị rồi tới đời em. Tuy không thường được may quần áo mới, nhưng chúng tôi vẫn được ba má cho ăn mặc sạch sẽ, tươm tất.

Dù đã có 3 con trai, vợ chồng chị Quỳnh Dao vẫn vui mừng chào đón em bé thứ tư sắp ra đời - Ảnh do nhân vật cung cấp
Dù đã có 3 con trai, vợ chồng chị Quỳnh Dao vẫn vui mừng chào đón em bé thứ tư sắp ra đời - Ảnh do nhân vật cung cấp

Lớn lên, chúng tôi lập nghiệp rồi cũng mua nhà loanh quanh bên nhau để mỗi lần về với ba má cho gần. Mỗi khi trong nhà có bất kỳ sự kiện gì, chúng tôi vẫn ngồi lại “họp hành liên miên” để cùng nhau tổ chức thật tốt. Anh chị em tôi giờ cũng đã già, có người đã có cháu, nhưng vẫn giữ thói quen quây quần bên nhau để cùng lo việc chung của gia đình.

Chung nhau cay đắng, ngọt bùi

Vợ chồng tôi cũng chỉ là những nhân viên làm công ăn lương bình thường. Ngày cưới nhau, anh bảo anh muốn có nhiều con. Lần sinh em bé đầu tiên, chính tay anh tắm rửa cho con lúc vết thương của tôi chưa lành. Anh tự đi chợ, nấu cho tôi những món ăn bổ dưỡng. Đến lúc tôi ổn định về sức khỏe và tâm sinh lý, tôi chăm con, anh quay lại công việc làm ăn.

Những giờ rảnh, anh tranh thủ chơi với con để vợ có những giây phút riêng tư nghỉ ngơi. Đương nhiên, những mâu thuẫn vẫn xảy ra giữa chúng tôi. Chúng tôi chọn cách ngồi xuống, nói cho nhau nghe những lấn cấn của mình, để đối phương hiểu và sẻ chia. Và đến bây giờ, chúng tôi xác định việc dành thời gian cho con luôn là ưu tiên số một trong mọi loại ưu tiên.

Sinh thêm 1 em bé ở tuổi ngoài 40, tôi không tìm kiếm 1 cô công chúa hay để làm tròn bộ tứ quý cho gia đình mình. Tôi chỉ đáp lại tiếng gọi của thiên chức làm mẹ nơi bản thân mình 1 lần nữa mà thôi. Tôi mong muốn mang đến thế giới này một đời sống mới khi mình, 1 lần nữa, đã ổn định và sẵn sàng. Tôi sẵn sàng vượt qua những mệt mỏi và rủi ro của thai kỳ khi lớn tuổi. Tôi sẵn sàng chấp nhận vất vả khi vừa phải chăm 3 anh lớn và 1 em bé.

Sinh và nuôi dạy con, không là việc riêng của người phụ nữ - người mẹ. Đó là việc của cả vợ và chồng. Chúng tôi, sẵn sàng chấp nhận, những chật vật về tài chính cũng như quỹ thời gian khi gia đình có thêm thành viên mới. Chẳng có con đường nào bằng phẳng. Sinh ra và nuôi dạy con vất vả gấp bội lần trồng những cái cây, và chúng tôi không chờ ngày đơm hoa, kết trái.

Chúng tôi, lựa chọn dành cho nhau những hạnh phúc ngay từ giây phút của hiện tại, từ những điều giản dị đời thường nhất. Bởi ai đó đã nói rằng, hạnh phúc không phải là đích đến mà là cả một hành trình. Tiếng khóc đầu tiên, bước chân chập chững hay những tiếng bập bẹ sẽ không bao giờ lặp lại, thế nên, các bậc làm cha mẹ hãy tranh thủ tận hưởng.

Phụ nữ cần sự sẻ chia dễ sẵn sàng làm mẹ

Thời đại này, những phụ nữ năng động không chỉ ở nhà lo chuyện “con cá lá rau” mà còn phải lo cho sự nghiệp. Để cân bằng cả gia đình và sự nghiệp, đòi hỏi phụ nữ phải nỗ lực rất nhiều mà không phải ai cũng làm được. Giữa cán cân cuộc sống như thế, phụ nữ phải chọn 1, và thường họ chọn tập trung cho sự nghiệp sau khi đã hoàn thành chỉ tiêu “dù gái hay trai, chỉ 2 là đủ”.

Lúc ấy, họ có thể chủ động lo cho cuộc sống của gia đình, có thể độc lập tài chính, bớt phụ thuộc vào chồng hoặc người khác. Lúc ấy, họ có cơ hội ra ngoài xã hội, học hỏi và giao lưu mở rộng tầm nhìn và kiến thức. Họ có thể chủ động mua những món đồ mình thích, ăn những món ăn mình muốn.

Nhiều người cho rằng, cuộc sống hiện nay đầy đủ và sung túc hơn nên các bạn trẻ có sức chịu đựng kém hơn ông bà ngày xưa. Nếu cuộc sống hơi vất vả một chút là họ “dừng cuộc chơi”, họ sẽ không tự tăng thêm gánh nặng trên vai mình nữa, nên sẽ chỉ sinh 1 em bé thôi. Hoặc người mẹ khi sinh con 1 lần, trải qua những đau đớn, họ sẽ dừng không sinh thêm nữa. Cũng có nhiều phụ nữ trẻ sinh xong 1 lần, hình dáng cơ thể thay đổi làm họ tự ti với chồng, mặc cảm khi ra ngoài xã hội nên họ cũng không có động lực sinh lần hai, lần ba…

Trong khi đó, không ít ông chồng vẫn thiếu cảm thông, luôn dồn hết áp lực vào phụ nữ: từ việc xã hội đến việc nhà. Những áp lực này ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý của người vợ, đặc biệt giai đoạn mang thai và sau sinh. Đây cũng là một phần lý do gây ra những chứng trầm cảm sau sinh của nhiều phụ nữ.

Theo tôi, để phụ nữ có thể vượt qua những “chướng ngại vật” kể trên, họ cần được ở trong một tâm thế ổn định. Khi có được sự thấu hiểu và cảm thông từ người bạn đời, những tâm lý mặc cảm sẽ được gạt bỏ, sức chịu đựng đau đớn và đức hy sinh sẽ tăng lên.

Quỳnh Dao

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI