PNO - PN - Từ ngày 18-24/8, đoàn công tác do bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN VN dẫn đầu đã đến thăm và khảo sát các chi, tổ hội trên địa bàn TP.HCM. Với chủ trương lắng nghe cơ sở, đoàn công tác đã ghi nhận được thực tế...
edf40wrjww2tblPage:Content
TỪ NHỮNG ĐIỀU LÀM ĐƯỢC
Sáng 19/8, đoàn công tác làm việc với P.2, Q.3. Đây là buổi làm việc thứ hai của đoàn ở đơn vị này. Khác hẳn ngày làm việc đầu tiên, đoàn chỉ kiểm tra sổ sách, lịch sinh hoạt và lắng nghe báo cáo của BCH Hội Phụ nữ (PN) phường. Tại buổi làm việc này, có sự tham gia đầy đủ của cấp ủy, chính quyền cũng như các đoàn thể khác.Qua những câu “phỏng vấn nhanh” của các thành viên của đoàn công tác với các đại diện cấp ủy, và đoàn thể cho thấy, P.2, Q.3 là một cơ sở Hội có sự phối hợp ăn ý với các ban ngành; đồng thời được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo địa phương. Trong đó, đoàn chú ý nhiều đến việc duy trì và phát triển mô hình “Địa chỉ tin cậy” do Hội và chính quyền địa phương cùng thực hiện. Đây cũng chính là một trong những mô hình được đánh giá hoạt động hiệu quả của TP.HCM và chính là một trong những đóng góp lớn giúp P.2, Q.3 được UBND TP công nhận là địa phương không có điểm đen về tệ nạn xã hội.
Các chi hội trưởng khi được phỏng vấn đều cho biết: “Ban đầu kêu tiếp xúc giúp các đối tượng hoàn lương, hội viên nào cũng ngại. Tuy nhiên, từ ngày có các anh công an phối hợp, chúng tôi yên tâm và làm được nhiều việc”. Đáng nể nhất là với 100% đối tượng từng là “nô lệ” của ma túy trên địa bàn phường sau khi cai nghiện trở về đã không còn dấu hiệu tái nghiện. Để đạt được thành quả nói trên, ngay từ khi phát hiện các đối tượng bị nghiện, Hội PN đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động các đối tượng đi cai nghiện, đồng thời “cấp tốc” hỗ trợ giải quyết việc làm sau khi họ hồi gia.
Ngồi miệt mài bên chiếc máy may, chị H., một PN từng nghiện ma túy cho biết, có được như hôm nay là nhờ sự giúp đỡ của Hội PN. Sau khi rời trại cai nghiện, mỗi lần rảnh rỗi hoặc nhìn thấy ai hút thuốc lá là H. lại có cảm giác thèm thuồng. Tuy nhiên, do được các chị cán bộ Hội và tuyên truyền viên thuộc tổ tư vấn cộng đồng hỗ trợ giải quyết cho đi học nghề, việc làm và thường xuyên ghé thăm động viên, chị đã thay đổi. “Nếu không có các chị Hội PN, chắc đời em đã tàn rồi”, chị H. bùi ngùi kể.
Qua hai ngày, đoàn khảo sát đánh giá công tác Hội ở cơ sở trên địa bàn TP.HCM nhìn chung đạt kết quả tốt. Trong đó, đoàn tâm đắc nhất là hai hoạt động “Mảng xanh đô thị” và “Tổ tư vấn cộng đồng” tại địa bàn Q.3. Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên nhân khiến những hoạt động này thành công là do Hội PN cấp cơ sở đã phối - kết hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể và chính quyền địa phương để tuyên truyền, vận động hội viên, PN cùng nhau tham gia các phong trào của Hội.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa (thứ hai từ trái qua) lắng nghe Hội LHPN P.2, Q.3 trao đổi
ĐẾN KHÓ KHĂN
Song song với những thành công, một số hoạt động của Hội PN ở cơ sở vẫn còn nhiều hạn chế. Ví dụ không có kinh phí bồi dưỡng cho cán bộ chi, tổ hội để động viên các chị trong quá trình công tác cũng là một lực cản của Hội. Vì thiếu kinh phí, nhiều cơ sở không dám tổ chức hoạt động dù cố gắng suy nghĩ, đầu tư. Với địa bàn P.2 và P.8, Q.3, đơn vị được khảo sát cho biết, khó khăn lớn của họ chính là việc vận động, tuyên truyền và giáo dục lực lượng nữ thanh niên. Bà Nguyễn Thị Ngọc Anh, Chủ tịch Hội PN P.2, Q.3 cho biết: “Tổ chức những chương trình đơn điệu thì chắc chắn không thu hút được nữ thanh tham gia, hoặc nếu có tham gia thì cũng không nhiệt tình và khó tiếp thu nội dung tuyên truyền. Trong khi muốn chương trình phong phú một chút thì cơ sở lại thiếu kinh phí để đầu tư”.
Không riêng gì cấp xã, phường, Hội LHPN các quận huyện tại TP.HCM cũng gặp những khó khăn trong tổ chức hoạt động. Tại buổi tọa đàm “Đánh giá kết quả giữa nhiệm kỳ thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu PN toàn quốc lần thứ XI” (2012-2014) vào chiều 19/8 với đoàn công tác, bà Nguyễn Thị Lưu Ly - Chủ tịch Hội LHPN Q.6 nói: “Q.6 là một quận vùng ven, chị em phụ nữ đa số là người Hoa, lao động thủ công, buôn bán nhỏ nên trình độ của chị em còn hạn chế. Việc thu hút các tri thức trẻ tham gia vào Hội rất khó, vì khi tham gia không được công nhận chức danh chuyên trách, mức lương vẫn còn quá thấp so với các lĩnh vực khác…”.
Hội LHPN H.Cần Giờ lại gặp khó khăn khi triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, lý do vì nhiều chị em không biết chữ. Bà Trần Thị Ngọc Hân, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện nói: “Việc tuyên truyền cho các chị hiểu rồi nhờ người khác đánh giá giúp các tiêu chí sẽ không đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó, các chi, tổ hội ít cán bộ nên không có thời gian đến từng nhà, kỹ năng khảo sát của các chị ở chi, tổ hội còn hạn chế…”.
Riêng với địa bàn Q.7, việc thực hiện phương châm: “Ở đâu có PN thì ở đó có tổ chức Hội” lại gặp cản ngại bởi sau hàng loạt các chung cư mọc lên, có yếu tố nước ngoài, Hội muốn vào cũng chẳng có “cửa”. Bà Trương Thị Đạt, Chủ tịch Hội LHPN Q.7 thú nhận: “Chúng tôi đã từng xây dựng hai chi hội ở Phú Mỹ Hưng, nhưng chỉ một thời gian, chi hội gần như “chết yểu”. Nhiều hội viên đã cho thuê nhà rồi đi chỗ khác ở. Chất lượng sinh hoạt ở các chung cư cao tầng còn nhiều hạn chế. Còn nhiều tổ dân phố chưa xây dựng được tổ hội”.
Đoàn công tác đánh giá hoạt động Hội và phong trào PN tại TP.HCM mạnh và có nhiều mô hình, sáng kiến phong phú. Các chi hội, tổ hội được khảo sát dù vẫn còn vài hạn chế (chủ yếu từ khâu sổ sách) nhưng đã hoạt động đều tay, có sức sống, có sức hút thực chất với hội viên và thật sự đã góp phần làm lành mạnh môi trường văn hóa của địa phương. Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam cho rằng: “Các cấp Hội cơ sở nên chú tâm tập trung vào những chương trình hành động phù hợp với đặc điểm của địa phương. Qua đó hạn chế dàn trải và giảm tải những hoạt động không thiết thực, không mang lại sức lan tỏa trong cộng đồng”.
Ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo, tỉnh Cao Bằng.