Lắng nghe hơi thở: Bản nhạc không lời dành tặng chính ta

31/07/2021 - 17:46

PNO - Được xuất bản dưới dạng tái bản có bổ sung, "Lắng nghe hơi thở" vẫn là tuyển tập gồm nhiều tản văn ngắn nhưng chỉ còn được gói trong hai phần - Lắng nghe chính mình và Hạnh phúc trong giáo pháp.

Lưu Đình Long là cái tên không còn xa lạ với bạn đọc Việt sau những đầu sách mang nhiều hơi hướm thiền như Như mây thong dong, Như gió an lành, Tâm kinh mình thuyết cho mình… Mới đây, tập Lắng nghe hơi thở quay trở lại với độc giả bằng dung mạo mới và nội dung được chuốt lại khá nhiều, do SaigonBooks phát hành.

Được xuất bản dưới dạng tái bản có bổ sung, Lắng nghe hơi thở vẫn là tuyển tập gồm nhiều tản văn ngắn nhưng chỉ còn được gói trong hai phần - Lắng nghe chính mình Hạnh phúc trong giáo pháp - giúp ý tứ của tác giả rõ ràng hơn.

Là những câu chuyện nho nhỏ lấy cảm hứng từ những thứ rất đời, rất người, rất bình dị, như “chiếc chìa khóa bị mất”, như “lời hứa và uy tín” hay “lời khen tiếng chê”... tác giả dẫn dắt người đọc đến với những cảm xúc rất thật - có buồn, có đau, có mất mát, cay đắng - mà đôi khi chúng ta cứ cố tránh né, vờ lãng quên để không phải đối diện.

Mà, nếu không đối diện thì làm sao con người có thể tự nhận diện nỗi đau để hóa giải và tìm thấy bình an? Thậm chí, có thể những đau đớn, mất mát ấy vẫn hiện diện trong cuộc đời nhưng ít ra, khi đối diện được rồi, ta có thể chấp nhận đó là những thứ đang là, để đủ dũng khí mà “viết thư cho mình” để “cảm ơn chính mình” hay thậm chí “xin lỗi chính mình”. Đó chính là những phút giây ta hiểu được ta khi tự biết lắng nghe bản thân.

Vốn phần Lắng nghe chính mình đã mang rất nhiều hơi thở của pháp môn thiền; tuy nhiên, đến phần Hạnh phúc trong giáo pháp, mọi thứ trở nên rõ ràng hơn. Bởi, như trên đã nói, lắng nghe là để hiểu, để cảm và thực tập giáo pháp là để chấp nhận, hóa giải. Một người tìm thấy hạnh phúc trong giáo pháp đâu cần phải là người đắc đạo, đâu cần phải đong đếm thời gian tu sửa của mình bằng 10 hay 20 năm. Hạnh phúc đôi khi ở sát bên.

Ví như, nhìn cái thùng rác mà hiểu thấu được hạnh nguyện của thứ tưởng dơ bẩn ấy tự nhiên sẽ thấy mọi thứ trong cuộc đời đều ý nghĩa, đều có giá trị. Hay ví như, giữa hoang mang, căng thẳng vì đại dịch COVID-19, “nghĩ từ nguyên tắc 5K” để nhắc nhớ mình về năm không của một Phật tử, tự nhiên sẽ tìm thấy nhẹ nhàng, bình an.

Nếu chúng ta đã mất quá nhiều thời gian để đong nước mắt khóc cho được - mất của cuộc đời, hà cớ gì không cho mình vài phút để “lý sự về nụ cười”? Nếu chúng ta đã hiểu đúng về “phước” và thực hành việc làm phước, hà cớ gì phải ôm đeo “nỗi sợ vô lý” về cái chết?

Người tìm thấy hạnh phúc trong giáo pháp là người có những khoảng lặng rất riêng, để “quét dọn tâm mình”, để “trò chuyện với cái tôi”, để vững vàng hơn mà đi tiếp, “dẫu gai đời đâm rướm máu đôi chân”.

Nếu xét ở khía cạnh văn chương, tuyển tập Lắng nghe hơi thở của Lưu Đình Long thiếu khuyết phần cao trào. Tuy nhiên, chính phần khuyết này lại tạo nên một phong thái rất Lưu Đình Long - ở đây chỉ là những câu chuyện nhỏ như những nốt thăng trầm tạo nên một bản nhạc không lời mà mỗi người sẽ tự thêm phần trầm bổng cho mình sau khi đọc. Đó là cảm xúc còn lại mà chắc sẽ không ai giống ai, bởi tác giả đâu nhìn người để viết; anh viết khi nhìn thấy chính mình, khi lắng nghe chính mình. Thế nên, chúng ta cũng chỉ có thể tìm thấy chính chúng ta mà thôi! Và, bản nhạc không lời ấy là tự ta tặng mình, cho những phút lắng lòng để tìm đến an nhiên. 

Trương Thanh Thuỳ 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI