Lắng nghe đâu phải việc dễ

02/06/2019 - 16:19

PNO - Lắng nghe tích cực là sự phản hồi lại những cảm xúc hay sự việc đang được người đối diện nói ra, nhưng không theo cách của một con vẹt. Việc này đòi hỏi phải luyện tập nhiều, nhưng trước hết, hãy lắng nghe bằng con tim.

Một vài ví dụ lắng nghe tích cực: 

Con vui vẻ nhảy chân sáo: “Ôi thời gian hãy trôi nhanh”. Mẹ cười trìu mến: “Con đang mong đến lúc được đi du lịch lắm phải không?”. 

Con đi học về với vẻ mặt kém vui. Bố: “Có vẻ như có chuyện gì khiến con không vui?”. Con vừa khóc vừa nói: “Bạn Sarah chê con xấu”. Mẹ: “Mẹ hiểu con đã cảm thấy đau lòng khi nghe điều đó”. 

Con tỏ ra giận dỗi và thất vọng: “Con sẽ không bao giờ chơi với Henry nữa đâu”. Bố: “Bố biết hiện giờ con đang rất giận Henry”. 

Khi được lắng nghe tích cực, chúng ta sẽ hình thành cảm giác được tôn trọng, được thấu hiểu và đánh giá cao. Nếu chúng ta chối bỏ và chống lại cảm xúc bản thân, dường như chúng ta đang chối bỏ chính mình. Nhưng nếu ta thấu hiểu và chấp nhận những cảm xúc đó, chúng ta được trao thêm sức mạnh để chấp nhận chính mình. Dòng luân chuyển năng lượng tích cực giúp chấp nhận bản thân sẽ lấn lướt dòng chuyển động đi xuống khó kiểm soát của những suy nghĩ và cảm xúc tiêu cực. 

Lang nghe dau phai viec de

Nhiều người không cưỡng lại được việc đưa ra giải pháp hoặc lời khuyên ngay khi nghe ai đó chia sẻ về chuyện khiến họ bực mình, thay vì chỉ nên lắng nghe. Dưới đây là các phản ứng thông thường nhưng khiến người nói trở nên mất hứng và đóng sầm cánh cửa giao tiếp. 

Đưa ra giải pháp: “Bây giờ hãy nghe tôi, nên làm thế này...”. Điều này có thể khiến người nói cảm thấy mình thua kém hoặc không được xem trọng, do người nghe đã không thật sự lắng nghe. 

Xem nhẹ vấn đề: “Đừng ngớ ngẩn. Chuyện đó có gì quan trọng đâu”. Nói như thế chỉ chứng tỏ cảm xúc của người nói không quan trọng hoặc không có giá trị. 

Đưa ra giải pháp né tránh: “Hãy nghĩ chuyện khác đi. Đừng quan tâm đến chuyện này nữa”. Người lắng nghe không muốn người nói phải cảm thấy tồi tệ. Tuy nhiên, nếu không được nói ra những gì chất chứa bên trong, người nói sẽ vẫn cảm thấy có gì không ổn hoặc mặc cảm. 

Giảng đạo đức: “Rồi một ngày nào đó bạn sẽ hiểu ra thôi. Mẹ tôi từng nói rằng... Bây giờ những gì bạn cần phải học là…”. Có thể một số ít người đánh giá cao việc rao giảng đạo đức như vậy, nhưng trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên thì không - các em sẽ nhướng mắt và tránh xa. Nhiều người lớn khác có thể cũng cảm thấy bị lên lớp và không muốn chia sẻ gì thêm. 

Bày tỏ cảm thông: “Tội nghiệp con”, “Bạn luôn gặp chuyện xui xẻo”. Kiểu thông cảm này có thể tước đi sức mạnh của người nói. Lòng trắc ẩn thông qua việc tán thành hay đồng cảm sẽ dễ dàng được đón nhận hơn khi được thể hiện bằng việc chăm chú lắng nghe. 

Lang nghe dau phai viec de

Những cách phản hồi tiêu cực sau đây sẽ tạo hiệu ứng như những lời trách mắng: 

Phán xét: “Con không nên cảm thấy như thế”, “Con luôn phản ứng thái quá”. 

Buộc tội: “Sao lúc nào con cũng cảm thấy tồi tệ vậy?”, “Con bị làm sao vậy?”.

Khuyến cáo: “Cha/mẹ nói với con bao nhiêu lần rồi?”.

Đổ lỗi: “Con luôn gây rắc rối”, “Chuyện xảy ra là do con...”.

Bạn không cần phải lắng nghe từ đầu chí cuối khi con có vấn đề, chỉ cần lắng nghe tích cực cho đến khi những cảm xúc buồn bực của con dịu bớt. Trong các ví dụ trên, cha mẹ không đứng về phe nào hay khiển trách ai. Họ chỉ lặp lại những gì con nói hoặc cảm xúc của con để giúp trẻ xử lý cảm xúc và tự mình suy nghĩ về tình huống đó.

Khi trẻ cảm thấy bình tâm hơn, bạn có thể nói với con rằng, bạn vui vì con đã chia sẻ, rồi đưa ra nhận xét khích lệ, can thiệp một chút vào hướng giải quyết vấn đề nếu bạn nghĩ cần thiết và được con chấp nhận.

Hoặc đơn giản, bạn chỉ cần hỏi con sẽ theo tiêu chí nào để áp dụng trong tình huống đó. Sau đó, có thể gợi ra một số tình huống nhờ trẻ nhận định để giải quyết vấn đề. Bạn hãy giúp con xây dựng khả năng giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nếu đó là tình huống nguy hiểm thì nhất định cần có sự can thiệp của cha mẹ. 

Tiến sĩ tâm lý học Diane Tillman

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI