PNO - Những ngày này, làng So, làng miến truyền thống ở Hà Nội (nằm cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 20km, còn có tên là Sơn Lộ, huyện Quốc Oai) đang tất bật chuẩn bị hàng tết.
Tên gọi miến làng So gắn liền với đình So, một ngôi đình đẹp nổi tiếng (xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai). Người làng So không ai nhớ rõ nghề làm miến có từ bao giờ, chỉ biết đó là nghề truyền thống ông cha để lại.
Để làm ra những sợi miến ngon, người làng So sử dụng 100% bột của cây dong riềng nguyên chất. Ngoài ra, miến ngon còn bởi người dân sử dụng nguồn nước ngầm rất trong và sạch của địa phương, kết hợp với bí quyết riêng của làng nghề. Sau rất nhiều công đoạn, miến được phơi dưới nắng và gió tự nhiên, không sử dụng chất bảo quản, chất phụ gia...
Những củ dong làm miến được chọn là loại to, đều và già, được rửa sạch và đưa vào máy nghiền thành bột. Một mẻ miến cần phải qua ít nhất 3 khâu thau rửa bột. Việc ngâm bột và thau rửa kỹ sẽ giúp loại bỏ chất cặn bã và sạn. Sau 3 lần lọc sẽ cho ra bột tinh sạch. Thứ bột trắng mịn ấy được cho vào máy tráng thành những tấm miến lớn, phơi cho “héo”, sau đó cán thành sợi rồi phơi lại cho khô…
Hiện làng So đang vào mùa miến. Cả làng tấp nập người người làm bột, làm sợi, chở miến đi phơi rồi thu miến. Khách mua hàng cũng nườm nượp đến giao dịch.
Bà Nguyễn Thị Quy (50 tuổi) đang đảo bề cho miến khô đều. Bà Quy cho biết: “Mặc dù dịch bệnh ảnh hưởng đến nhiều mặt hàng nhưng riêng miến lại không bị ảnh hưởng quá nhiều, thậm chí do để được lâu và có thể chế biến thành nhiều món nên năm nay còn bán được nhiều hơn so với các năm trước”.
Quy trình sản xuất miến dong làng So luôn phải bảo đảm những yếu tố như: nguyên liệu nguyên chất và quy trình chế biến đảm bảo vệ sinh. Nếu không sạch sẽ, sạn vào bột thì sợi miến sẽ bị hỏng. "Khi phơi miến cũng phải chọn những nơi không có xe đi qua nên chúng tôi thường mang ra cánh đồng để phơi. Việc phơi miến phụ thuộc vào thời tiết, hôm nắng to thì chỉ cần một vài tiếng, hôm nào nắng nhỏ thì có thể phải phơi cả ngày. Nếu thời tiết ủng hộ, có nắng, có gió, nhà tôi làm 2 ngày một mẻ, cũng được hơn 3 tấn”, bà Quy cho biết.
Chị Hợp (36 tuổi) - chủ cơ sở sản xuất miến dong Dương Phương - đang đi thăm miến trên cánh đồng xã Tân Hòa. Chị Hợp cho biết, dù là chủ cơ sở nhưng chị phải chạy đi chạy lại rất nhiều, từ nhà xưởng sản xuất ra cánh đồng rồi đến khu đóng gói để xem công nhân làm có đảm bảo yêu cầu hay không.
“Khi máy tráng xong, chúng tôi mang ra ngoài đồng để phơi, sau đó lại mang về xưởng cắt thành sợi, rồi lại mang ra phơi một lượt nữa. Máy móc và quy trình sản xuất thì có thể giống nhau, nhưng điểm phơi miến, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất lại là cái làm nên điều khác biệt của mỗi cơ sở”, chị Hợp cho biết thêm.
Việc sản xuất miến phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết và đòi hỏi người làm phải tỉ mỉ từng khâu, tháng nào mưa ít thì lượng sản phẩm làm ra rất đạt. Những tháng mưa nhiều thì việc sản xuất vô cùng khó khăn, miến gặp nước mưa sẽ bị hỏng ngay. "Trung bình mỗi ngày xưởng nhà tôi làm khoảng 4 tấn miến. Làm nghề miến mang lại giá trị kinh tế khá cao, như thời điểm cận tết hiện tại, chỉ vài tháng tết, cơ sở của tôi thể lời được khoảng gần 1 tỷ đồng”, chị Hợp nói.
Các chủ cơ sở sản xuất miến lớn ở làng đã đầu tư trên 2 tỷ đồng để mua sắm máy móc hiện đại, dây chuyền khép kín từ khâu lọc bột, làm chín cho đến tráng miến. Nhờ máy móc hiện đại và kỹ thuật làm nghề lâu năm nên hiện nay sản phẩm miến dong của làng So đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, có mặt ở khắp các tỉnh, thành phố lớn.
Sau khi cho bột vào hệ thống dây chuyền, công nhân sẽ nhặt ra những tấm miến to.
Sau đó chuyển ra cắt nhỏ và đưa vào máy nghiền thành các sợi.
Những nắm miến tươi được cuộn lại, mang ra cánh đồng để phơi. Khi khô, miến sẽ được đảo ngược bề lại, phơi mặt bên dưới.
Khi đảo, phải làm miến tơi để những sợi miến khô đều.
Sau khi phơi khô, miến sẽ được mang về xưởng và đóng bao bì.
Miến được đóng gói trong các túi nhỏ khoảng 500gr.
Giá miến tùy theo loại, dao động từ 40.000 - 70.000 đồng/kg, có tem, nhãn mác và đầy đủ thông tin về thành phần dinh dưỡng, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.
Nghề làm miến đã giúp cho cuộc sống người dân trở nên khấm khá, nhà cửa khang trang, mua sắm thêm nhiều máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất. Nghề làm miến cũng góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.