Làng may nón vải giữa Sài Gòn lách mình qua 'cơn lốc' mũ bảo hiểm

12/08/2018 - 14:00

PNO - Làng may nón Tân Hưng (khu vực chợ Cầu, Quận 12, TP.HCM) lặng lẽ thu mình giữa những nhộn nhịp của cuộc sống hiện đại. Nhiều năm về trước, "cơn lốc" mũ bảo hiểm ập đến khiến làng nghề điêu đứng, nhiều thợ phải bỏ nghề.

Làng nghề ra đời trước năm 1975 bắt đầu từ một nhóm người may nón cho quân đội. Khi vùng ven đô thị hóa, nhiều nông dân chuyển sang nghề may nón, nơi đây phát triển thành làng nghề và thu hút đông đảo lao động đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước. 

Lang may non vai giua Sai Gon lach minh qua 'con loc' mu bao hiem
 

Ông Đinh Quang Hiền (P. Đông Hưng Thuận, Q.12, TP.HCM), một trong những thợ lâu năm của làng nghề chia sẻ: “Năm 1954, tôi từ Ninh Bình vào Nam. Khi đó, nơi đây chỉ vài nhà làm nón, do chưa có việc nên vợ chồng tôi học may nón rồi ra sản xuất riêng. 

Tính đến nay, hai vợ chồng đã làm nghề may nón gần 40 năm rồi. Ngoài dân địa phương mấy mươi năm trong nghề, làng còn quy tụ hàng ngàn công nhân từ nhiều tỉnh trên cả nước, nhưng đa phần là người miền Bắc. Cái tên làng nón Tân Hưng được những người thợ làm nón đặt trước khi tôi đến”.

Lang may non vai giua Sai Gon lach minh qua 'con loc' mu bao hiem
Cận cảnh dụng cụ dùng để sơn nón thành nhiều màu sắc theo đơn đặt hàng.

Nghề may nón thịnh nhất vào những năm 90 của thế kỷ 20. Lúc bấy giờ, những chiếc nón nơi đây được phân phối đi tất cả các tỉnh thành trong cả nước, thậm chí còn xuất khẩu sang cả Đông Âu. Mỗi hộ làm hơn 3.000 chiếc nón mỗi ngày là chuyện thường. Nhà nhà, người người ăn nên làm ra, tạo dựng cơ ngơi khang trang nhờ nghề làm nón vải.

Đến năm 2007, “cơn lốc nón bảo hiểm” ập đến. Làng nón vải điêu đứng, nhiều thợ phải bỏ nghề. Số lượng nón vải bán ra giảm hơn phân nửa. Thị trường các nước Đông Âu cũng không còn khởi sắc như trước vì nón Trung Quốc dần chiếm lĩnh. Nón vải làng Tân Hưng nức tiếng một thời không còn được xuất ngoại mà chỉ phân phối nhỏ lẻ trong nước. Cả ngàn hộ may nón rơi vào cảnh lao đao. 

Lang may non vai giua Sai Gon lach minh qua 'con loc' mu bao hiem
 

“Nhắc đến lại buồn. Lúc đó, các điểm bán không chịu trả tiền mà trả nón về. Gia đình tôi ôm núi nón như một đống vải vụn, đứng trước nguy cơ phá sản. Các mối ruột mà tôi tạo dựng cả chục năm trời tại các chợ cũng lặng lẽ đi mất. Máy móc có giá lên đến hàng trăm triệu đồng được gia đình tôi sắm sửa để phục vụ may nón cũng phải để xó góc”, ông Hiền buồn rầu kể lại. 

Để có thu nhập, rất nhiều hộ chuyển nghề hoặc tận dụng máy may chuyển sang may quần áo. Số khác cố bám trụ, vực dậy nghề sau chuỗi ngày đổ nát. Vợ chồng ông Hiền là một trong những hộ đi động viên bà con không bỏ nghề. Đồng thời, hai vợ chồng cùng người trong làng đi tìm đầu ra cho chiếc nón vải Tân Hưng. 

Nhờ nỗ lực, quyết tâm theo nghề đến cùng, những người thợ may nón thâm niên đã đem về cho làng nón trái ngọt. Sau chuỗi ngày chìm trong bóng tối, giờ đây làng nón vải Tân Hưng chuyển mình, vươn lên khẳng định lại tên tuổi. 

Lang may non vai giua Sai Gon lach minh qua 'con loc' mu bao hiem
 

Đơn đặt hàng may nón từ các công ty, xí nghiệp khắp cả nước ngày càng nhiều. Ngoài lượng hàng phân phối đi các tỉnh miền Bắc, Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long,..., sản phẩm từ làng nón Tân Hưng còn xuất sang Lào, Campuchia,...

Hiện phường Đông Hưng Thuận có khoảng 1.000 hộ đang sản xuất nón các loại. Ngoài ra, phường Tân Thới Hiệp cũng có hơn 200 hộ sống bằng nghề may nón.

“Tuy bây giờ số lượng đơn đặt hàng không bằng trước kia nhưng so với những năm đầu sau khi luật đội nón bảo hiểm được ban hành đã cao hơn rất nhiều. Có đợt, số lượng đặt hàng lớn chúng tôi phải thuê thêm người đạp chỉ để kịp giao hàng. Cuộc sống của những hộ làm nón nhờ đó cũng khấm khá và ổn định. Gia đình tôi có thể trang trải cuộc sống, chăm lo cho con cái và có điều kiện cho cháu gái sang Mỹ du học”, ông Hiền cười hạnh phúc.

Lang may non vai giua Sai Gon lach minh qua 'con loc' mu bao hiem
 

Điều đáng mừng, nhiều thợ sau thời gian từ bỏ công việc may nón cũng quay trở lại với nghề. Bà Đỗ Thị Nương (ngụ P.Tân Thới Hiệp, Q.12, TP.HCM) là một trong số này.

Không giấu sự xúc động, bà Nương kể lại: “Lúc luật đội nón bảo hiểm mới ra, gia đình tôi thực sự rơi vào bế tắc. Dù không muốn nhưng vì các con, tôi quyết định chuyển sang may quần áo để kiếm sống. Mấy năm trở lại đây, thấy làng nón dần có chuyển biến tích cực nên tôi quyết định quay trở về với nghề”.

Gia đình bà Nương chuyên nhận hàng từ các cơ sở may nón lớn để đạp chỉ, ráp chóp nón. Làm việc chăm chỉ, bà Nương có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Lang may non vai giua Sai Gon lach minh qua 'con loc' mu bao hiem
 

“Đơn hàng đều đều nên hôm nào cũng có việc để làm. Thấy ngồi mãi ai cũng nghĩ công việc này nhàn nhưng thật ra chân tay thợ phải hoạt động hết công suất. Nghề của tôi là rung đùi để kiếm tiền mà...”, bà Nương hóm hỉnh nói. 

Ở làng nón Tân Hưng, các mặt hàng được bày bán và sản xuất rất đa dạng, phục vụ cho cả người lớn và trẻ em. Nón kết, nón tai bèo, nón phớt, nón sơ sinh,... Chỉ khoảng 10.000 đồng là có ngay một chiếc nón để đội.

Tuy nhiên, hiện nay hàng Trung Quốc cũng đang tràn ngập trên thị trường. Giá nón Trung Quốc khá rẻ, kiểu dáng bắt mắt. Để cạnh tranh, những người thợ làm nón Tân Hưng không ngừng sáng tạo nhằm đáp ứng thị hiếu của khách hàng.

Mỗi chiếc nón ra lò đều được chăm chút từ chính đôi tay của những người thợ lành nghề. Bên cạnh đó, nhờ có thêm nhiều thợ trẻ đến học nghề nên chiếc nón vải Tân Hưng giờ đây mang kiểu dáng hiện đại, trẻ trung, bắt kịp được những xu hướng thời trang mới nhất. 

Lang may non vai giua Sai Gon lach minh qua 'con loc' mu bao hiem
 

“Những chiếc nón từ Tân Hưng có đường chỉ may khéo, ít lỗi và đặc biệt đội rất bền. Chính điều đó đã làm nên tên tuổi cho làng nghề chúng tôi. Với đà phát triển như hiện nay, tôi tin chắc chắn nón vải làng nghề Tân Hưng sẽ đi xa hơn, tạo dựng thương hiệu uy tín đến với người tiêu dùng”, bà Nương tràn đầy hy vọng.

Hoài An - Bùi Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI