Tuy gần đây ít xuất hiện, nhưng khi nhắc đến tên tuổi và tác phẩm của nhà văn Võ Thu Hương, những người trong văn giới vẫn không thể giấu được sự ngưỡng mộ. “Văn là người” có lẽ đúng với chị, bởi phong cách của chị trong đời thường lẫn tác phẩm đều nhẹ nhàng, đằm thắm.
|
Nhà văn Võ Thu Hương |
Phóng viên: Xin chị tự phác họa vài nét về chân dung nhà văn Võ Thu Hương?
Nhà văn Võ Thu Hương: “Cao” hơn mét rưỡi một chút tính cả dép. Vẻ ngoài không có gì nổi bật ngoài tính cách hơi chậm chạp thể hiện luôn trên gương mặt (cười). Dễ chịu trong cuộc sống và khó tính trong công việc. Hơi sến sẩm và dễ bằng lòng, ví dụ như, chỉ với những sở thích như đốt tinh dầu quế, chưng một bình bông nhỏ và ngồi viết bài cũng có thể coi đó là hạnh phúc.
Với Thu Hương, văn chương có ý nghĩa như thế nào?
Văn chương hiện là cần câu cơm của tôi. Nhưng quan trọng hơn, việc viết lách khiến tôi tìm thấy niềm vui, sự tự tin, giúp mình thăng bằng trong cuộc sống nhiều gồ ghề này. So với bè bạn, số sách của tôi cũng chưa phải là nhiều: 12 cuốn sách và vài ba giải thưởng.
Khi viết văn, chị thường lưu tâm đến chủ đề nào nhiều nhất?
Văn học thiếu nhi đang là đề tài mà tôi theo đuổi lâu dài nhất. Trong số 12 cuốn sách đã in của tôi thì có tới tám cuốn sách thiếu nhi. Tháng Một vừa qua, tôi cũng đã in một cuốn sách thiếu nhi nữa - tập truyện ngắn Quà của thần núi. Với độc giả thiếu nhi, tôi luôn thấy tự tin, đơn giản vì mình đã có nhiều trải nghiệm, từ khi là một đứa trẻ cho đến giờ là mẹ của những đứa trẻ.
Ngoài ra, tôi có viết một số sách về những cô chú biệt động Sài Gòn, những anh hùng một thời là biểu tượng của thanh, thiếu niên. Tôi cũng có một vài tập truyện ngắn, truyện vừa dành cho người lớn, “tuổi yêu”, mà “tuổi yêu” thì bạn biết đấy, dài lắm. Ngoài đề tài thiếu nhi mà tôi dành nhiều sự quan tâm thì những câu chuyện về thân phận, tình yêu, đặc biệt với phụ nữ, có khi chỉ đơn giản là câu chuyện đẹp khiến tôi xúc động đều là đề tài mà tôi mong muốn chia sẻ với độc giả của mình.
Trong văn chương, chị có gặp được những độc giả đồng điệu, tri âm như kiểu Bá Nha - Tử Kỳ trong âm nhạc?
Tới mức Bá Nha - Tử Kỳ là mơ ước của bất cứ người viết văn nào, ở thời này có khi hiếm lắm. Nhưng tôi vẫn luôn có những niềm vui bất ngờ từ độc giả của mình. Ngày còn học cấp ba, mình thường để mắt theo dõi một bạn trai, không phải vì thích mà chỉ vì bạn đẹp trai, vốn là học sinh giỏi nhưng trượt cấp ba, học dân lập.
Trong mắt nhiều cô gái mới lớn lúc ấy, bạn ấy cuốn hút bởi vẻ phớt đời (bạn hút thuốc ngoài cổng trường, thậm chí đánh nhau xước mặt, thỉnh thoảng… bó bột). Trong khi đó, mình luôn nuối tiếc với suy nghĩ, bạn thông minh mà, tại sao bạn lại chọn cho mình con đường nghiệt ngã thế?
Bẵng đi rất lâu, gần đây mình tìm thấy bạn trên facebook. Bạn lại là độc giả của mình. Bạn nói, bạn thích những chuyện tình yêu mình viết, nhẹ nhàng nhưng rất thấm. Bạn không thích những triết lý nặng nề, đao to búa lớn… Mình thì chỉ quan tâm, bạn đã đi qua những ngày tháng thanh xuân nông nổi như thế nào, và vui mừng khi biết hiện giờ bạn đã là quản lý trong một khu công nghiệp.
Còn có lần, sau khi đọc một truyện ngắn của tôi đăng trên báo Thanh Niên, một độc giả viết thư, nói rằng chuyện của bác ấy xúc động không kém câu chuyện của tôi, và mong muốn tôi có thể tới để bác kể chuyện vì bác già rồi, không thể đi được. Với tôi, điều đơn giản ấy cũng rất đáng quý.
Đọc các tác phẩm của chị, tôi nghĩ chị có một tuổi thơ khá “dữ dội”, hay chí ít cũng có rất nhiều điều đáng nhớ. Những ký ức ấy có tác động như thế nào đến nhà văn Võ Thu Hương hôm nay?
Tuổi thơ tôi khá vất vả so với bạn bè trang lứa: bố đi xuất khẩu lao động, làm ăn thất bát, mẹ phải về hưu sớm khi mới 41 tuổi do cơ quan giảm biên chế. Từ khi về hưu, mẹ mưu sinh bằng những nghề ve chai, bốc than tổ ong, bóc lạc thuê… Tôi cũng theo mẹ suốt hành trình ấy.
Đến bây giờ, dù đã mười mấy năm, bàn tay mình quanh năm gõ máy vẫn cứng ngắt và chai sần, thô ráp do những năm lớn lên với việc xếp, bốc than tổ ong. Có những năm tháng, mẹ sinh em gái, vất vả quá, gửi mình về cho ông bà ngoại nuôi. Đó là giai đoạn cũng vạ vật trên đồng trên ruộng, theo bà đi mót lạc, mót khoai vì ở nhà không ai trông.
Nhưng mà, may mắn lớn nhất là mẹ mình luôn trân trọng việc học và sở thích của con. Khi mẹ đi nhặt ve chai, mẹ vẫn có thể tìm ra những cuốn sách Daghextan của tôi, Hãy để ngày ấy lụi tàn… đưa về cho tôi đọc. Mẹ nói rằng, bố làm ăn thất bát thật, nhưng trước đó bố đã kiếm được cho mẹ con một căn nhà ở phố. Nhà ấy, nhỏ thôi, nhưng mẹ luôn tự hào và yêu mến.
Bà truyền cho tôi nhiều suy nghĩ tích cực và thiết thực khi nhìn mọi việc như thế. Thực lòng là đến giờ, mình vẫn nghĩ nhiều người cũng như mình, lớn lên từ vất vả, và điều tích cực là nhờ thế mà mình đủ gai góc để trưởng thành, đủ trải nghiệm để theo nghề viết…
Hiện tại, chị có con nhỏ, phải bận rộn chăm sóc, ẵm bồng, nhưng dường như cuộc sống của bà mẹ “bỉm sữa” không tẻ nhạt, lặng lẽ. Chị thường viết vào lúc nào?
Tôi thường viết vào buổi sáng, sau khi con đã đến trường hoặc đêm khuya, sáng sớm, khi con còn chưa thức giấc. Đó là những khoảng thời gian đủ yên tĩnh để dành cho việc riêng của mình, còn đa số quỹ thời gian buổi chiều và buổi tối đều dành cho con.
Trước đây tôi không “nền nếp” lắm đâu, lúc nào thích thì viết, và tự chiều mình với suy nghĩ rằng, phải có hứng mới viết được.
|
Thu Hương và con gái |
Nhưng rồi, một số đàn anh, đàn chị đi trước chia sẻ rằng, để chuyên nghiệp thì không thể có chuyện “tùy hứng”. Tôi nghĩ tới những điều có lý ấy và thấy mình cũng phải tự sắp xếp phù hợp. Viết văn, viết báo cũng chỉ là công việc thôi mà.
Đời sống gia đình có “cướp” mất nhiều thời gian mà lẽ ra chị có thể dành cho việc viết lách?
Tôi nghĩ nói không cũng không đúng, mà nói có cũng không hẳn. Vì chẳng bà mẹ “bỉm sữa” nào có thể vừa giỏi việc nước, vừa đảm việc nhà. Câu này, một chị nhà báo là sếp cũ của tôi nói, nếu có đạt danh xưng ấy, hãy hiểu đó là sự khích lệ thôi. Và để dành nhiều thời gian hơn cho việc viết lách mà vẫn có thể đảm bảo việc đưa đón, chăm bẵm con, tôi chọn làm việc tự do.
Có người cho rằng phụ nữ “dính” vào văn chương chữ nghĩa thường khổ vì quá lãng mạn. Với Thu Hương, điều này có đúng không?
Ngày tôi bắt đầu tập tành viết văn, mẹ đã dặn “mẹ muốn con mai mốt lớn lên làm cô giáo, lúc nào thích thì viết lách cho vui”. Còn dì thì chép vào cuốn sổ tay cho tôi hai câu thơ: “Mẹ ướt mắt khuyên đừng tập làm thi sĩ/ Bạc muôn chừng thân gái con ơi” (thơ Bình Nguyên Trang).
Là bởi, mẹ tôi chứng kiến, bố thi sĩ của cô hàng xóm góa vợ, ngoài 60 tuổi, mỗi lần về thăm con gái lại đưa về một cô/chị nhà văn, nhà thơ khác nhau, giới thiệu là… bà xã tương lai. Mẹ tôi như nhiều người khác, nghĩ văn nghệ sĩ lãng mạn lắm, con gái mà dính líu tới, rồi có khi chết vì khổ tâm, vì sự lãng mạn ấy.
Hình như do từ bé lớn lên, thấy mẹ lao động đủ nghề vất vả để nuôi con, nên tôi nghĩ đơn giản, văn chương chữ nghĩa cũng chỉ là một nghề, đỡ vất vả hơn nghề của mẹ. Tôi không phải là người quá lãng mạn, chỉ hơi “sến sẩm”, lãng mạn tí xíu thôi, đủ để thấy cuộc sống mình mềm mại, dễ chịu… Tất cả điều ấy nghe có vẻ không hợp lý nhưng là sự thấm từ từ mang tính tích cực khiến tôi không “khổ” vì văn chương.
Đã có nhiều nhà văn nữ tâm sự: chồng họ chưa bao giờ đọc tác phẩm của vợ, đừng nói chi đến sự thông cảm, thấu hiểu...
Ông xã chưa bao giờ đọc sách tôi viết. Anh thích sách lịch sử, kinh tế, không thích sách văn học. Nhưng may mà những thắc mắc của vợ, kể cả việc phát triển một ý tứ như thế nào trong tác phẩm (khi đang là bản thảo), anh đều có thể chia sẻ.
Người ta hay nói, cuộc sống quá hạnh phúc, êm đềm, nhẹ nhàng… sẽ khó có được tác phẩm hay. Với Thu Hương thì sao?
Tôi hài lòng khi được làm việc mình yêu thích, được chồng chia sẻ, và những đứa con nhỏ lúc thì đưa lại sự dễ chịu, lúc thì đưa lại sự… bấn loạn cho bà mẹ.
Tôi không nghĩ tác phẩm hay phụ thuộc vào điều kiện sống sướng hay khổ, giàu hay nghèo, mà phụ thuộc vào năng khiếu, cảm xúc, trải nghiệm và sự nỗ lực học hỏi, vượt qua chính mình. Thực lòng mà nói, đây là “công thức” tôi vẫn đang cố gắng thực hiện để có tác phẩm sau khiến độc giả hài lòng hơn tác phẩm trước.
Nãy giờ trò chuyện, có vẻ Hương là người dễ tìm được hạnh phúc từ những niềm vui nho nhỏ, đơn giản?
Hạnh phúc với một người dễ chịu và “sến sẩm” một chút thì không quá khó tìm. Một giai điệu đẹp, một chút tinh dầu yêu thích lúc mình ngồi viết hay đọc sách cũng đã là hạnh phúc. Con khỏe mạnh, ngoan ngoãn để nắm tay con lên máy bay, tàu lửa, xe đò đến một vùng biển xanh cát trắng hay khu vườn yên tĩnh nào đó ở nhà bạn bè cũng là hạnh phúc. Đại loại thế.
Không biết bà mẹ Thu Hương như thế nào trong mắt hai đứa con nhỏ?
Tôi có một cậu nhóc siêu quậy tên Đốm; trong mắt cu cậu, dĩ nhiên mẹ Hương có lúc hiền lành, có lúc… siêu dữ. Phải có lúc siêu dữ mới trị được siêu quậy. Và cô nhóc siêu điệu, tên Bống; cô nhỏ điệu, ưa lý sự, thích chơi với mẹ và đang ở tuổi coi mẹ là cả bầu trời nên mẹ luôn phải cố gắng sống tốt cho cổ khỏi bị cảm giác “thần tượng sụp đổ”. Nói đùa chút vậy, nhưng việc làm mẹ của hai cô cậu ấy đối với tôi là điều ý nghĩa nhất hiện nay.
Khánh Thủy
(thực hiện)