Làng mai Phước Định - thủ phủ mai vàng miền Tây

12/01/2021 - 18:38

PNO - Nép mình giữa dòng Cửu Long dạt dào, hơn 50 năm qua, tuy chỉ là một xã cù lao nhưng Phước Định luôn là địa chỉ lui tới của giới chơi mai.

Bán mai như gả con gái

Tên tuổi làng Phước Định (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) vang danh gần xa vì giống mai y 5 cánh hiếm. Chẳng ai biết giống mai này có từ đâu. Chỉ biết rằng ngày trước, trên xã cù lao toàn trồng cây ăn trái, giống mai y mọc lẫn vào đám cây rồi dần dà thành vườn, thành làng.

Hơn nửa đời trồng và chăm mai ở Phước Định, ông Tiêu Hùng Minh (68 tuổi) lại cho rằng nếu muốn giải thích nguồn gốc của giống mai y thì phải nhờ đến loài chim chao chảo. Theo quan sát của ông Minh, loài chim này hay ăn trái của hoa mai, phân chim thường lẫn hạt của trái mai. Lần mò về quá khứ, có lẽ chao chảo đã ăn trái mai ở đâu đó và gieo mầm giống mai quý xuống Phước Định.

Ông Tiêu Hùng Minh - một trong những người trồng mai nổi tiếng ở làng mai Phước Định.
Ông Tiêu Hùng Minh - một trong những người trồng mai nổi tiếng ở làng mai Phước Định.

Thấy mai y mọc nhiều, người dân cù lao đào và đưa về nhà chăm. Từ vài chậu kiểng bon sai trước nhà, tiếng lành đồn xa, giống mai y trở mình, Phước Định trở thành thủ phủ mai vàng miền Tây.

Nhớ lại những gốc mai yêu quý của mình, ông Minh chỉ biết thổn thức. “Lần đó người ta đến mua mai, sau khi thương lượng thì tôi bằng lòng. Vậy mà vài hôm sau khi gốc mai đã được bứng, tôi nhớ nó ghê gớm, cảm giác như mình gả con gái cho người ta”, ông kể.

Còn với anh Lê Văn Hòa (41 tuổi), mai là tất cả đối với anh. Chơi mai từ năm 17 tuổi, từ đó đến nay, anh nổi tiếng ở làng mai Phước Định là một ông chủ mát tay. Anh cho biết ở cái làng mai này, để đánh giá địa vị của một gia đình thì cứ nhìn vào vườn mai của họ. Nhà  nào có vườn mai càng lớn thì nhà đó càng khấm khá. Rồi để đánh giá thứ bậc trong giới chơi mai là phải kể đến những gốc mai cổ hay còn gọi là gốc mai xù. Còn muốn biết tay mai nào cao hơn thì nhìn vào dáng mai của họ. Cứ thế từ một xã cù lao miệt vườn cơ cực, Phước Định trở mình, nhà nhà đều có mai.

Anh Lê Văn Hòa - một tay chơi mai có tiếng ở làng mai Phước Định.
Anh Lê Văn Hòa - một tay chơi mai có tiếng ở làng mai Phước Định.

Vì chưa lập gia đình nên mai đối với anh Hòa là vợ, là con. “Tôi từng có cặp mai vàng rồng phượng đối nhau rất hiếm. Thương lái nhiều lần năn nỉ nhưng tôi không bán. Lần đó tôi bán cho một người quen vì chỗ thân tình. Sau khi cầm tiền, 4 đêm liền tôi chẳng thể nào ngủ được, đêm nào cũng thức tới khuya để ngắm nó. Ngày nó ra đi tôi không cầm lòng được nên đành phải trốn khỏi nhà”, anh tâm sự.

Chẩn bệnh cho mai

Không chỉ nổi tiếng vì nghề trồng mai, Phước Định còn được xem là nơi có nhiều "bác sĩ" nổi tiếng của giới chơi mai. Mai Phước Định tứ tán khắp nơi nhưng chủ yếu là về các khu nhà giàu hay các khu du lịch. Sau mùa Tết, vì không có thời gian chăm sóc cũng như không có kiến thức, nhiều người cho cây hồi hương.

Trồng đã khó, chăm lại thêm cực, như cách nói của ông Minh rằng mai là con mình. Sau mỗi mùa Tết, ông Minh cho biết ông nhận khoảng vài chục gốc mai chủ cũ gửi lại. Còn với anh Hòa, vì không nỡ bỏ con mình nên anh lặn lội đến tận nơi để chăm sóc chúng. Anh Hòa có một quy tắc là không mang mai về nhà vì càng để lâu là anh càng nhớ nhung và chẳng muốn giao trả.

Với một người dạn dày kinh nghiệm chăm mai như anh Hòa thì việc bắt bệnh cho mai dễ như trở bàn tay. “Dễ nhận biết nhất là lá mai đổi màu từ xanh sang vàng. Còn lá bị rách, bị bệnh thán thư thì cây đang rất yếu. Đặc biệt, phải là những người làm lâu thì mới để ý được nấm hồng trên nhánh. Kỹ hơn thì nhìn lá chầu lươn nhỏ, nửa vàng nửa xanh là biết cây đang không ổn”, anh chia sẻ.

Ngoài chơi mai, anh Hòa còn là một trong những bác sĩ bắt bệnh mai nổi tiếng
Ngoài chơi mai, anh Hòa còn là một trong những "bác sĩ" bắt bệnh mai nổi tiếng

Mai vàng Phước Định ngoài nhờ vào nguồn nước Cửu Long ngọt ngào còn phát triển tốt nhờ phân dơi. Vài năm trở lại đây, hạn mặn diễn biến phức tạp khiến nhiều người trồng mai ở đây đau đầu.

Ở làng mai, chuyện bán mai vài trăm triệu hay vài tỉ chỉ là chuyện bình thường. Nghề bắt bệnh, chăm sóc mai vì thế cũng có giá khá cao. Anh Hòa cho biết nếu bắt bệnh ở Sài Gòn, tối thiểu là 1.000.000 đồng/lần. Chỗ chòm xóm thì hữu nghị từ 500.000-700.000 đồng. Qua tỉnh khác thì lên 800.000-1.000.000 đồng. Do đó, tuy là xã đảo nhưng đời sống nơi đây khá ổn định.

Thế hệ sau này có ông Minh hay còn gọi là Ba Tiền, ông Sáu Xuẩn hay anh Hòa là những tay mai có tiếng. Còn ngày trước, khi nhắc đến làng mai Phước Định, ai ai mà chẳng biết Năm Cẩu, Tư Thuận, Tám Cung…

Mai Phước Định nổi danh còn nhờ những chuyến ghe, xuồng dọc xuôi Cửu Long. Nhìn về dòng kênh trước vườn mai của mình, ông Minh thở dài. “Ngày xưa ghe tấp nập, mỗi mùa tết đến xuân về là ken đặc cả dòng sông. Có năm đi cả đoàn mấy chục chiếc, kéo dài cả một khúc sông, nghe đâu 7 ngày sau mới về tới Mỹ Tho”, ông chia sẻ.

Mân mê những gốc mai cổ, ông Minh cho rằng đó là niềm vui sống mỗi ngày của ông
Mân mê những gốc mai cổ, ông Minh cho rằng đó là niềm vui sống mỗi ngày của ông

Còn với anh Hòa, dù nhớ ghe, nhớ nước nổi nhưng anh không thể quên những lần mình bị mất mai. “Đêm đến, tụi mai tặc chèo xuồng ngoài kia rồi trộm mai của mình. Trước nhà thì vườn mai lớn, cây cối um tùm nên mình đâu biết. Chỉ khi nghe tiếng máy nổ là biết thôi xong rồi. Đúng là tiếc nhưng buồn hơn là không biết tụi nó có biết chăm sóc gì không”, anh bộc bạch.

 

Làng mai Phước Định

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI