Giữa lòng Sài Gòn tấp nập, hối hả, thật hiếm khi vẫn còn tồn tại một làng nghề đậm chất truyền thống. Nằm cuối con đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp, làng An Hội vang tiếng khắp Nam kỳ lục tỉnh một thời, dù không còn được hưng thịnh như xưa nhưng vẫn tấp nập, rộn ràng mỗi dịp tết đến, xuân về.
|
Làng nghề An Hội với hơn 200 năm tuổi đời. |
Hưng thịnh và mai một làng nghề hơn 200 tuổi
Đặt chân đến An Hội, từ xa đã nghe những tiếng gõ lốc cốc, lạch cạch của chiếc búa, các công cụ đúc đồng. Rất lâu rồi mới được nghe lại những thanh âm thú vị ấy. Ông Thắng, người có thâm niên hơn 50 năm trong nghề đúc đồng chia sẻ về chặng đường đủ vị chua cay, mặn ngọt đã qua: “Nghề này tính đến nay đã hơn 200 tuổi đời. Từ thời ông Trần Văn Kỉnh khăn gói lên chợ Lớn học nghề kiếm kế mưu sinh. Khi học thành thạo, ông Kỉnh về làng truyền dạy cho anh em, bà con lối xóm. Có lẽ từ khi đó, làng nghề lư đồng An Hội ra đời”.
|
Nghệ nhân Hai Thắng (hơn 70 tuổi) chia sẻ: “Có rất nhiều người đến xin học nghề nhưng tôi chỉ dạy cho những ai mà tôi cảm nhận họ thực sự yêu nghề đúc lư đồng này”. |
Thời hưng thịnh của làng nghề truyền thống, từ già trẻ, trai gái hay trẻ con đều bám nghề, ngày thường cũng như ngày tết đi đến đâu cũng thấy đúc lư đồng, các sản phẩm của làng theo chân thương buôn có mặt trên khắp các tỉnh Bắc – Trung - Nam, thậm chí xuất khẩu sang các nước láng giềng Campuchia, Lào... Nhưng đó là câu chuyện trước năm 1975, khi làng nghề có hơn 60 hộ với hàng trăm nghệ nhân theo nghề.
|
Không còn đông đúc như xưa, hiện tại cơ sở sản xuất Hai Thắng chỉ còn khoảng hơn 10 thợ giàu kinh nghiệm. |
Với tốc độ đô thị hóa, sự xâm nhập của các mặt hàng công nghiệp khiến làng An Hội đối diện không ít thách thức. Từ làng nghề đông đúc, nhộn nhịp làm cả ngày lẫn đêm giờ chỉ còn vỏn vẹn 5 hộ gia đình bám trụ với các lò Hai Thắng, Năm Toàn, Sáu Bảnh, Ba Cồ và Út Kiển. Hầu hết các nghệ nhân đều có thâm niên từ mấy chục năm trở lên.
Chị Nguyễn Thị Ngọc (43 tuổi, 21 năm kinh nghiệm trong nghề) cho biết: “Đô thị hóa nhanh, một số hộ dân bán đất nên không thể theo được nghề, giá đồng nguyên liệu tăng, cao nhất là giai đoạn 2000 – 2005 nhưng giá bán ít khi tăng, cộng với địa phương siết chặt về vấn đề ô nhiễm môi trường nên làng nghề gặp khủng hoảng”. Dẫu vậy, các nghệ nhân vẫn quyết tâm bám nghề, truyền dạy cho con cháu kế cận những tinh hoa và bí quyết mà họ theo đuổi suốt cuộc đời. Trong số những hộ còn bám nghề, đa phần đều trải qua 3-4 thế hệ.
|
Mỗi người một công đoạn, phối hợp ăn ý để tạo nên những sản phẩm đạt chất lượng. |
Tinh hoa dân tộc qua từng sản phẩm
Ít ai biết rằng lư đồng có ý nghĩa quan trọng trong tín ngưỡng thờ cúng của người Việt, thể hiện sự thanh tịnh, thoát tục khi được bày trí trong thiền thất hay trà am. Tại không gian thờ cúng như chùa, đền, miếu, bàn thờ gia tiên, lư hương luôn được đặt tại những vị trí nghiêm trang nhất. Mỗi họa tiết, hoa văn rồng phụng, quỷ thần… được khắc trên đó bao hàm cả tính chất văn hóa nghệ thuật truyền thống thuần Việt. Vừa phản ảnh dòng chảy văn hóa Việt Nam một cách cụ thể, sinh động vừa phô diễn nét tinh xảo, tài hoa của bàn tay khối óc người thợ thủ công.
|
Chị Ngọc cho biết: “Mỗi ngày tôi làm khoảng 10 bộ, liên tục từ sáng đến hơn 17g30". |
Để tạo nên một chiếc lư đồng là cả một quá trình kì công. Nó không chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, chuẩn xác mà còn giàu kỹ thuật. Ban đầu làm ruột khuôn bằng đất sét tốt, sau đó đúc khuôn sáp bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy – một công đoạn đòi hỏi nghệ nhân có tay nghề cao bởi khuôn sáp tạo dáng thế nào thì bộ lư đồng sau khi nung sẽ có hình dạng như thế. Kế đến là bao bọc 2 lớp đất sét giã nhuyễn bên ngoài.
|
Bộ lư đồng thành phẩm sau khi trải qua 9 – 10 công đoạn. |
Sau khi phơi khô khuôn (7 đến 10 ngày) thợ đổ đồng đã nóng chảy vào (thường được diễn ra vào ban đêm). Riêng khâu này đòi hỏi thợ giỏi, dày dặn kinh nghiệm vì canh thời gian rất kĩ, phối hợp ăn ý giữa thợ móc khuôn từ hầm nung và thợ múc đồng từ chảo đổ vào khuôn. Cuối cùng là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội, gồm các công đoạn mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng.
|
Sự tỉ mỉ tinh tế đến từng chi tiết |
Chính sự chỉn chu trong từng công đoạn, kĩ lưỡng trong từng sản phẩm là điểm khác biệt của lư đồng An Hội so với lư đồng công nghiệp sản xuất đại trà bằng máy với đường nét, họa tiết thường bị cứng, nhiều kiểu dáng và hoa văn ngoại lai. Đặc biệt, nhiều mặt hàng lư đồng công nghiệp thường được làm từ nguyên liệu đồng pha trộn với một số hợp kim khác nên có chất lượng không đảm bảo. Chú Thái (nghệ nhân trong lò Hai Thắng) chia sẻ: “Giá bộ lư hương phổ biến từ 3-5 triệu/bộ thường, 15-20 triệu/bộ đạt chuẩn, sự chênh lệch giá thành nằm ở độ tinh xảo, độ dày của bộ lư và hài hòa của sản phẩm. Nên nhiều gia đình nhỏ lẻ vẫn thường lặn lội đến tận đại lí, cơ sở sản xuất để chọn được cho bàn thờ gia tiên bộ lư đồng ưng ý và chất lượng nhất”.
|
Đập bỏ khuôn đất, chuyển sang khâu làm nguội |
Tháng Chạp, các hộ gia đình nơi đây đang gấp rút, tăng cường sản xuất hàng tết, các thương lái, tiểu thương nô nức đến đặt hàng để chuyển về các tỉnh thành địa phương và phân phối khắp các cửa hàng trong nội thành. Đã lâu lắm rồi, khung cảnh xe tải, dòng người tấp nập mới lại tái hiện, sự hân hoan phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt các nghệ nhân.
Những đôi bàn tay khéo léo, thanh thoắt liên tục, mỗi người mỗi công đoạn tập trung đến từng chi tiết nhỏ nhất. Theo đuổi nghề truyền thống thì khó làm giàu nhưng vì tình yêu với nghề và giữ gìn tinh hoa văn hóa dân tộc, các nghệ nhân vẫn miệt mài, kiên định với những gì mình đam mê.
|
Làng nghề hối hả, tăng cường sản xuất phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp tết Kỷ Hợi 2019. |
Làng lư đồng An Hội là một trong vài làng nghề truyền thống còn sót lại ở TP.HCM bên cạnh làng bánh tráng Phú Hòa Đông, Củ Chi; làng nghề làm lồng đèn Phú Bình, quận 11; làng nem Thủ Đức… |
Thu Hương