Làng lư đồng An Hội 200 năm giữ lửa làng nghề truyền thống của Sài Gòn

01/04/2018 - 12:00

PNO - Làng nghề lư đồng thủ công An Hội có truyền thống đúc lư đồng gần 200 năm. Mặc cho sự thăng trầm phát triển của xã hội, những nghệ nhân làng nghề An Hội vẫn giữ được nét truyền thống riêng cho mình.

Nhắc đến làng lư đồng An Hội, không ai không biết ông Trần Văn Kỉnh (hay còn gọi là ông năm Kỉnh) một trong những người thợ làm lư đồng An Hội đầu tiên ở Sài Gòn. Vì kinh tế khó khăn, ông năm Kỉnh đi khắp nơi để làm việc.

Một lần, ông đến khu vực Chợ Quán, để học nghề làm lư đồng vì lư đồng được rất nhiều người ưa chuộng. Sau đó, ông về làng, truyền nghề cho hậu bối, 40 cơ sở sản xuất ra đời. Từ đó, làng nghề lư đồng An Hội nổi danh khắp nơi vì những bộ lư tinh xảo.

Lang lu dong An Hoi 200 nam giu lua lang nghe truyen thong cua Sai Gon
Một trong năm cơ sở sản xuất lư đồng còn lại trong làng nghề An Hội.

Theo thời gian, nhiều sản phẩm gốm sứ ra đời, lư đồng An Hội gặp nhiều khó khăn, người chuyển nghề, người đi nơi khác nên hiện tại chỉ còn 5 cơ sở sản xuất: Hai Thắng, Năm Toàn, Ba Cồ, Út Kiểng, Sáu Bảnh tồn tại đến ngày nay.

Ở An Hội, một sản phẩm lư đồng thủ công đẹp, bắt mắt phải trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi sự khéo léo của các nghệ nhân. Mọi người ở đây đều dồn hết công sức và tập trung cao độ để giúp sản phẩm lư đồng được hoàn hảo nhất.

Lang lu dong An Hoi 200 nam giu lua lang nghe truyen thong cua Sai Gon
Nghệ nhân đang tỉ mỉ tạo khuôn lư đồng từ tro và trấu.

Bước vào xưởng, hẳn ai cũng sẽ bị thu hút bởi những tiếng lóc cóc của búa, đục liên tục vang lên. Càng nể phục hơn, qua bàn tay thoăn thoắt đục đục, gõ gõ, hoa văn, rồng, phượng từ từ hiện lên theo đường nét tinh xảo.

Chị Sương, nghệ nhân của cơ sở lư đồng Hai Thắng cho biết: “Lúc còn nhỏ tôi rất thích xem nghệ nhân chạm trổ những con rồng, con phụng và tôi cảm thấy nó thần kì. Người ta chỉ cầm một cây đục và một cây búa mà lại làm ra được những con rồng, con phụng, mười con như một, sắc sảo và tinh tế”.

Lang lu dong An Hoi 200 nam giu lua lang nghe truyen thong cua Sai Gon
Sau khi đúc xong, các khuôn đất được mang đi phơi khô.

Không chỉ có tiếng chạm trổ, tiếng của công đoạn đập bỏ khuôn và khò lửa cũng làm nhộn nhịp cả một góc xưởng. Tất cả tạo thành những âm thanh quen thuộc đặc trưng chỉ có ở làng nghề lư đồng thủ công An Hội.

Lang lu dong An Hoi 200 nam giu lua lang nghe truyen thong cua Sai Gon
Các khuôn đúc lư được tạo dáng và tiếp tục phơi khô.

Sản phẩm lư đồng đạt yêu cầu phải có màu vàng đỏ, bóng và mịn. Độ đỏ, bóng và mịn này đúng chất nét riêng của lư thủ công, gặp nắng hay đèn chiếu vào lư sẽ ánh vàng lên nhìn mãi không rời. Các nghệ nhân lâu năm cho biết, phân biệt giữa lư đồng làng An Hội với lư đồng sản xuất theo hình thức công nghiệp cũng không khó lắm.

Lang lu dong An Hoi 200 nam giu lua lang nghe truyen thong cua Sai Gon
Chạm trổ là công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ và công phu nhất.

Lư đồng An Hội có hình dáng trang nghiêm, cổ kính, đường nét họa tiết tỉ mỉ đến từng nét rồng, nét phụng. Các sản phẩm đều được đặt hết cả tâm huyết của người làm nghề vào đó, càng nhìn lâu càng có hồn. Vì thế lư đồng nơi đây rất được nhiều người ưa chuộng, chọn mua để trưng bày trên bàn thờ tổ tiên và những nơi thờ phụng trang nghiêm.

Lang lu dong An Hoi 200 nam giu lua lang nghe truyen thong cua Sai Gon
Các họa tiết hoa văn trên lư đồng nổi bật và bắt mắt.
Lang lu dong An Hoi 200 nam giu lua lang nghe truyen thong cua Sai Gon
Một bộ lư đồng thủ công hoàn chỉnh được trưng bày.

Dù khó khăn đến đâu, nghệ nhân nơi đây vẫn quyết tâm gắn bó với nghề của cha ông. Bởi làng lư đồng An Hội không chỉ là nơi để sản xuất, mà nghề lư đồng là cuộc sống, đã “ăn sâu” vào ký ức của tuổi thơ người thợ. Dù xã hội phát triển đến đâu, làng nghề An Hội vẫn tồn tại và giữ được nét truyền thống cho đến tận sau này.

Hương Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI