Lẳng lơ?

01/09/2017 - 16:00

PNO - Đàn bà được tạo hóa ban cho đôi nét gợi cảm sao lại là cái tội? Sống khác với số đông là có lỗi sao?

Một bữa, đang ăn sáng cùng nhau, chị sếp trực tiếp của Linh chợt bảo: “Em không thể quay trở lại mấy tỉnh em từng đến công tác được nữa đâu”. Linh thảng thốt: “Sao vậy chị?”

- “Ờ, thì có những phản hồi không tốt. Kiểu như em sao sao ấy…”

- “Sao sao” cụ thể là… sao hả chị? Để em còn biết mà điều chỉnh công việc”.

- “Chẳng phải công việc đâu. Toàn những phản hồi bất lợi của phụ nữ ở mấy đơn vị đối tác các tỉnh đó, nói em không được… đứng đắn; mà nói trắng ra là… lẳng lơ đấy”.

Linh phải cố lắm mới giữ cho mặt đừng tái đi vì bất ngờ. Chắc chắn họ đã “múa minh họa” thêm lắm điều để chứng minh cho những gì họ nói! “Toàn phụ nữ thôi, đàn ông không nói tới nói lui kiểu đó đâu”. Chị sếp “bật mí” thêm và đề nghị Linh xem lại bản thân để chấn chỉnh, đừng để mang thêm tai tiếng, ảnh hưởng tới đơn vị. Linh đứng dậy bỏ bữa sáng trong cảm giác mờ mịt, ê chề. Mình đã làm gì sai?

Lang lo?
 


Cuối cùng thì Linh cũng hiểu đại khái lý do. Nếu chuyến công tác chỉ là đi chung cho có người thì Linh đừng gây nên sự chú ý. Chớ dại ngồi ngay trung tâm quan sát của mọi người. Đừng sáng một bộ váy áo, trưa một bộ khác. Đừng đi với cái tướng “lướt sàn” trên đôi giày búp bê.

Nên mang giày gót bằng, đế xuồng cho giống mọi người. Hãy tập nói to và rõ hơn, bỏ thói quen giống hụt hơi ở cuối câu đi, dễ gây mất thiện cảm lắm. Trời ạ! Đàn bà được tạo hóa ban cho đôi nét gợi cảm sao lại là cái tội? Sống khác với số đông là có lỗi sao?

Linh điểm lại những bộ áo quần công sở tối màu của mình. Chẳng lẽ lại phải kể lể tình thật với sếp là mình nhiều mồ hôi, phải thay đổi trang phục thường xuyên mới ổn? Hay phải nói rõ chân mình đang có nguy cơ bị giãn tĩnh mạch, chỉ có thể đi giày mềm và bệt mới thoải mái? Linh vốn không thích bia rượu nên mấy lần đi tỉnh, khi chủ nhà là nam giới mời mọc, cô đều miễn cưỡng, ngại ngần. Lẽ nào những việc đó lại làm thiên hạ “chướng mắt”, trở thành hạt giống cho những cái cây đơm đặt kia nảy mầm, phát triển?

Một hai địa phương và tên người được sếp vu vơ nhắc đến. Linh hình dung ra ngay những khuôn mặt đàn bà tươi cười, những câu đẩy đưa ngợi khen ngọt ngào khi mình đến. Hóa ra đều chỉ là “diễn sâu”! Mà thôi, đừng trách người khác. Tam sao thất bản, có khi cũng chẳng phải miệng lưỡi họ ác độc đến vậy, có thể là mỗi nơi thêm thắt một chút, hình thành phiên bản “Linh lẳng lơ” thôi!

Lang lo?
Ảnh minh họa

Linh gọi cho cô bạn thân. Nức nở. Mãi mới thốt ra được hai từ “lẳng lơ” ghê gớm ấy trong cái cảm giác nhân phẩm và cả sự xấu hổ của mình đã bị thử thách đến cùng cực. Bạn im lặng nghe, rồi bật cười thản nhiên: “Cho dù họ có nói đúng đi nữa, thì lẳng lơ cũng có gì không tốt? Miễn không tăm tia chồng họ thì thôi chứ!” Linh không ngờ bạn lại nói như vậy, bất chợt cũng muốn bật cười trước cái sự “mặc kệ” của bạn.

Ta làm sao có thể làm hài lòng được tất cả mọi người? Cứ sống tốt phần của mình đi đã, trước khi bao đồng phán xét người khác. Cách nghĩ đó, không phải ai cũng hiểu. Thôi thì bận tâm làm gì cho nó chóng già! Cố động viên mình quên đi, nhưng Linh vẫn rười rượi buồn. Linh mới từ bộ phận khác chuyển về. Chuyên môn không mấy nổi bật, Linh tự hiểu mình còn phải học hỏi nhiều. Nhưng, những điểm yếu đó lại chẳng ai quan tâm, hỗ trợ hay phê phán, mà chỉ toàn nhìn vào những thứ râu ria khó lường. Thậm chí lối sống có phần khép kín, ít thích tụ tập “giao lưu” của Linh cũng từng được lên thớt, biến tướng thành những phê phán rằng Linh “chảnh”, thiếu hòa đồng, không được đồng nghiệp ưa thích.

Nhớ lúc mới đến, chào sân, Linh đã nhận được cái nhìn khang khác của một sếp phó trung tâm rồi. Nam giới, đã ngấp nghé tuổi hưu, có lẽ anh ta đang ở giai đoạn vội vàng “gì cũng muốn ăn” chăng? Linh thừa biết mình cũng chẳng có vẻ ngoài nổi bật, chỉ là yếu tố “món mới” mà thôi. Cả Linh lẫn chị sếp trực tiếp đều không ngây thơ đến độ không nhận ra thái độ “nhá đèn” của sếp phó với Linh. Giờ nghĩ lại, Linh chợt hiểu ra ẩn ý của chị sếp. Rằng, bị đàn ông “dòm ngó” thì chẳng phải là đàn bà hư hỏng, mồi chài sao? Mình đàng hoàng thì ai dám? 

Lang lo?
Ảnh minh họa

Có điện thoại của chồng. Linh không giấu được giọng nói còn sũng nước của mình. Chuyện gì thế? Chồng Linh hỏi một tràng, khác với thói quen kiệm lời của anh. Liên quan dưới tỉnh hả? Chắc do em hay xuống đó và quen thói lăng nhăng bồ bịch chứ gì? Chồng Linh nhấn vào câu đó, như một khẳng định. Chẳng phải anh chưa từng đưa ra tình huống “đi lần đầu còn xa lạ xã giao, lần sau thì nắm tay nắm chân, đến lần thứ ba là ở chung phòng khách sạn” với Linh sao.Đàn bà mà đi công tác mãi như thế, sớm muộn chồng cũng chẳng đủ canxi để… mọc sừng.

Chồng Linh không ít lần cay cú. Nhưng, khi Linh nói chuyện chuyển việc, kiếm một nơi khác ổn định hơn để làm, chấp nhận giảm lương, anh lại im lặng. Cũng không khó hiểu, thu nhập của Linh đang gánh phần lớn chi tiêu gia đình… Đến người bạn đời - người hiểu và gần gũi mình nhất mà còn chẳng tin mình, Linh còn dám thổ lộ cùng ai nữa? Đành giấu tủi thân vào lòng, Linh cắt ngang cách anh đang nghĩ, rằng anh khùng quá rồi đấy. Bệnh thích xúc xiểm vợ lại tái phát à? Linh còn chợt muốn hỏi thẳng chồng, là thực sự anh có thấy vợ mình lẳng lơ hư đốn không? Hay cái bệnh sỉ nhục và phán xét người khác đã thành “mãn tính”, lây lan như một thứ dịch trong xã hội, khiến thiên hạ nhìn đâu cũng chỉ thấy những xấu xa của người khác? 

Cảm giác mệt mỏi, chán chường bỗng ập đến khiến Linh bỏ hẳn ý định mở lòng ra tranh luận với chồng. May mình còn chưa nói hết, chứ nói hết có khi khó mà sống nổi với cái tính ghen tuông vô lối đã cố kết thành thành kiến “không có lửa làm sao có khói” của chồng. Linh loay hoay nghĩ, thôi thì mình cứ khôn khéo thay đổi một chút cho phù hợp với môi trường, giả giả cũng được, thật quá dễ bị tổn thương, thiệt thòi, lại mau nhiều nếp nhăn…

Ngọc Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI