Nghệ thuật kiến truc và trang trí độc đáo
Ông Lê Văn Duyệt là Tổng trấn Gia Định thành dưới triều đại vua Gia Long và Minh Mạng. Tháng Bảy âm lịch năm 1832, ông mất, được an táng tại ngoại thành Gia Định, thuộc làng Bình Hòa (nay là P.1, Q.Bình Thạnh, TP.HCM). Lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt đã tồn tại gần hai thế kỷ. Năm 1988, Bộ Văn hóa công nhận lăng là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, bởi đây là công trình nghệ thuật kiến trúc và trang trí ghi dấu tài năng và quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ ở Nam Bộ. Mới đây, tháng 4/2022, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận lễ hội Khai hạ - Cầu an ở lăng Ông là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Điều này càng tạo sự hấp dẫn của khu di tích.
Toàn bộ công trình kiến trúc của khu di tích hòa nhập với thiên nhiên tạo nên phong cảnh hữu tình và trầm mặc. Khu lăng mộ có hai nấm mộ của tả quân và phu nhân được song táng theo cổ lệ “Càn khôn hiệp đức”, thể hiện tập quán về mộ táng của người Việt xưa.
|
Một nghi thức tế lễ truyền thống ở lăng Ông (Bà Chiểu) - Ảnh: Quốc Thanh |
Một số công trình khác hiện hữu trong khuôn viên cũng là điểm nhấn nổi bật. Tấm bia đá ở trước lăng mộ, lập vào năm 1894 với hoa văn được chạm khắc tinh xảo. Chiếc lư mang tên “Đỉnh Hòa Bình” cao 0,8m được lập vào năm 1954 ở phía tây lăng. Cổng chính vào khu di tích thiết kế kiểu “tam quan” xây dựng năm 1949. Hình ảnh cổng tam quan đã từng được chọn làm biểu tượng của vùng Sài Gòn - Gia Định xưa và các lễ hội truyền thống của nhân dân Bình Thạnh ngày nay.
Lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt được trùng tu và mở rộng nhiều lần, qua nhiều thời kỳ. Đây là một công trình hội tụ các phong cách nghệ thuật kiến trúc và trang trí xen lẫn giữa các yếu tố cổ truyền và hiện đại, chứa đựng những suy nghĩ, quan niệm về nhân sinh và vũ trụ của cư dân Nam Bộ.
Cũng như các công trình kiến trúc cổ khác, hình ảnh “tứ linh” (rồng, lân, rùa, phượng) chiếm giữ những vị trí trang trọng nhất. Đây là cách nhấn mạnh ý nghĩa, tính chất quan trọng của công trình “Thượng Công Miếu”. Sự độc đáo còn có thể thấy qua những hình ảnh trang trí dân dã, gần gũi với cuộc sống sung túc của vùng đất Nam Bộ như khóm chuối, trái măng cụt, mãng cầu, voi, ngựa, cua, cọp, gà, bướm, sóc, dơi… tạo nên những nét thú vị của nghệ thuật trang trí ở lăng.
Bề mặt của các hạng mục đều được thể hiện bằng kỹ thuật cẩn miểng sành, sứ rực rỡ và tinh xảo. Các kiểu thức trang trí đều chuyển tải những tình cảm, khát vọng rất thực của con người về một đời sống no ấm, thanh bình. Năm con dơi trong đồ án “Ngũ phúc” là ước mơ về một cuộc sống toàn mỹ mạnh khỏe, sống lâu, yên lành, sung túc. Khát vọng hòa bình được thể hiện trong hình ảnh chim phượng xòe cánh múa, kỳ lân ẩn hiện trong đám mây biểu hiện quan niệm “kỳ lân xuất thế, thiên hạ thái bình”…
|
Hát bội tại lễ tiên thường nhân lễ giỗ 190 năm của Tả quân Lê Văn Duyệt - ẢNH: N.T |
Lễ hội và sinh hoạt tín ngưỡng
Nhắc đến sinh hoạt tín ngưỡng ở lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt, có nhà nghiên cứu đã viết: “Về khía cạnh lễ hội tại lăng Lê Văn Duyệt cũng là điều hết sức đặc sắc. Ở đây, những yếu tố tín ngưỡng dân gian đã được kết hợp với các nghi thức của triều chính, của tôn giáo, là sự ghi dấu đời sống văn hóa phong phú của người Việt cùng các tộc người cộng cư ở Nam Bộ”.
Sau khi Lê Văn Duyệt mất, triều đình nhà Nguyễn giao việc thờ cúng cho dân làng Bình Hòa. Vua Tự Đức đã ban sắc dụ cấp ruộng đất, huê lợi để lo việc phụng tự và trùng tu lăng miếu. Miếu thờ đức tả quân được xây dựng gồm tiền điện, trung điện, chánh điện, tây điện. Đi vào các gian điện thờ của “Thượng Công Linh Miếu”, trên các bàn thờ, giường thờ, khánh thờ to nhất đặt ở gian giữa là ảnh Tả quân Lê Văn Duyệt và bài vị. Riêng khu vực đông lăng, dành hẳn một điện thờ anh linh các anh hùng liệt sĩ, các bậc tiền hiền, hậu hiền và những người có công trong việc thờ cúng, chăm sóc lăng miếu.
Tính theo âm lịch hằng năm, tại lăng Ông (Bà Chiểu) diễn ra khá nhiều lễ hội mang đậm nét dân gian truyền thống. Trong đó, lễ Khai hạ, lễ đón Giao thừa và lễ giỗ tả quân được tổ chức long trọng, được các hội đình ở Nam Bộ cùng nhân dân tham gia đông đảo. Việc hiện diện của chính quyền địa phương càng tăng lên sự trân trọng và ý thức trách nhiệm bảo tồn các sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Hình thức tín ngưỡng thành hoàng trở thành dấu ấn khá rõ nét trong việc thờ cúng Tả quân Lê Văn Duyệt trong tâm thức dân gian bao đời. Nghi thức cúng tế được tiến hành theo nghi lễ tế thần ở các đình làng miền Nam, có đầy đủ các diên tế Túc yết, Đàn cả, Xây chầu - Cầu an, Hồi chầu… Trong tục lệ Xây chầu - Cầu an bao giờ cũng có lễ Đại bội với ý nghĩa cầu cho “Thiên thời - Địa lợi - Nhơn hòa”. Vào mỗi kỳ lễ Hạ nêu - Khai hạ và lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt đều tổ chức tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ, tiền hiền - hậu hiền để bày tỏ lòng nhớ ơn đối với những người có công bảo vệ và xây dựng đất nước.
Dịp này còn có lễ Kỳ yên. Sau đó là những buổi trình diễn nghệ thuật hát bội với nhiều tuồng tích mang ý nghĩa giáo dục về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín “dâng cúng tả quân” và phục vụ công chúng. Vẫn giữ tục lệ xưa, lễ Xây chầu - Cầu an diễn ra trước khi biểu diễn nghệ thuật. Lễ được tổ chức đúng theo nghi thức tại các đình thờ thành hoàng Nam Bộ. Sâu xa trong lời các bài khấn nguyện là sự biểu đạt ước nguyện thanh bình, hạnh phúc cho quốc gia, làng xóm, gia đình…
Di sản quý giá
Lễ Khai hạ - Cầu an ở lăng Ông (Bà Chiểu) là một trong ba di sản văn hóa phi vật thể ở TP.HCM được Nhà nước công nhận. Đây là lễ hội mừng năm mới với nhiều tục lệ như Hạ nêu, Khai bút, Khai ấn đầu xuân có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, có tính kết nối. Tại TP.HCM ngày nay, có lẽ hình ảnh cây nêu chỉ tồn tại ở lăng Tả quân Lê Văn Duyệt từ sáng 29 hoặc 30 tháng Chạp cho đến sáng ngày mùng Bảy tháng Giêng.
|
Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ và Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi dâng hương tại Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt nhân Lễ giỗ lần thứ 190 của Đức Tả quân- Ảnh: Quốc Thanh |
Hình ảnh cây tre được dựng lên ở hoa viên, trên ngọn treo những dải lụa màu đỏ có ghi các câu cầu chúc những điều tốt đẹp. Với cách trang trí này, cây nêu không còn mang mục đích xua đuổi tà, mà tục Dựng nêu và Hạ nêu ở lăng Ông nhằm bảo tồn hình ảnh cây nêu ngày tết với tín hiệu báo tin xuân về, tết đến. Vào buổi sáng Hạ nêu, những liễn chúc trên cây nêu được rước vào điện thờ tả quân.
Liền mạch với lễ Hạ nêu là lệ Khai bút và Khai ấn. Lệ này được tổ chức từ năm 2006. Người được mời Khai bút, Khai ấn là người có uy tín trong xã hội. Lời văn Khai bút là những lời chúc tốt đẹp và khích lệ nhân dân cùng với Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội luôn đoàn kết xây dựng và phát triển xã hội. Nghi thức Khai ấn, Khai bút nhắn nhủ mọi người nhanh chóng trở lại công việc sau những ngày tết cổ truyền.
Các lễ hội theo tục lệ tại lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt là sinh hoạt văn hóa đã hình thành và tồn tại lâu đời trong đời sống các tầng lớp cư dân Nam Bộ nói chung, TP.HCM nói riêng. Hình thức và nội dung của các cuộc lễ thể hiện rõ bản tính hiếu thuận, thủy chung, yêu chuộng hòa bình của dân tộc. Các nghi lễ thờ cúng tại lăng Ông là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã chi phối nếp sống, quan hệ ứng xử và đạo đức từ lâu đời của người Việt Nam.
Hiện nay, di tích lăng Tả quân Lê Văn Duyệt và các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng ở đây đã trở thành di sản quý giá trong kho tàng văn hóa dân tộc. Từ lâu, Đảng và Nhà nước đã quan tâm đến giá trị và tiềm năng của các di tích lịch sử - văn hóa. Việc đẩy mạnh hơn công tác bảo tồn di tích, phát huy tốt di sản văn hóa cần có cộng đồng trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng, những người làm công tác văn hóa và mỗi người dân.
Tiến sĩ Bùi Ngọc Trang
Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM