Lẳng lặng du lịch - xu hướng mới trên thị trường lao động

24/09/2024 - 06:00

PNO - Nhân viên âm thầm đi du lịch và vẫn duy trì hiệu quả làm việc từ nước ngoài mà không báo cáo với cấp trên vì sợ bị từ chối, phán xét là xu hướng mới đáng chú ý trên thị trường lao động. Điều này dẫn đến yêu cầu thay đổi quan điểm, văn hóa quản lý của nhiều công ty.

Chuyến đi bí mật

Xu hướng “lẳng lặng du lịch” (Quiet vacationing) khi làm việc từ xa xuất phát từ việc nhân viên cảm thấy khó khăn khi thảo luận với cấp trên về tính cân bằng giữa công việc và cuộc sống của họ. Các chuyên gia cảnh báo: nếu các công ty không tạo được một không khí cởi mở, thuận lợi cho nhân viên đề xuất về nhu cầu làm việc linh hoạt, họ có thể bất ngờ khi biết người lao động của mình đang ở cách xa công ty đến nửa vòng trái đất.

Justin Ong (27 tuổi) ở Singapore làm việc cho một công ty nhân sự đa quốc gia, đã có 10 chuyến du lịch làm việc trong âm thầm kể từ đầu năm 2023, chủ yếu là đến các nước châu Á như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. Là thành viên duy nhất trong bộ phận của mình tại trụ sở ở Singapore, Ong làm việc ở nhiều múi giờ khác nhau.

Mặc dù vậy, anh vẫn giữ bí mật về những chuyến đi của mình vì cho rằng làm việc khi đang di chuyển, ra nước ngoài thường gặp định kiến ​​nặng nề.

“Lẳng lặng du lịch” là xu hướng mới xuất phát từ phương thức làm việc từ xa, mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người lao động - Ảnh minh họa: iStock
“Lẳng lặng du lịch” là xu hướng mới xuất phát từ phương thức làm việc từ xa, mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống của người lao động - Ảnh minh họa: iStock

Trong chuyến đi gần đây qua Ấn Độ, Kazakhstan và Kyrgyzstan, Ong đã làm việc bên ngoài Singapore thêm 1 tuần nữa trong bí mật. Anh cho biết: “Nhiều lần trong chuyến đi của mình, tôi đã nghĩ nơi này thật tuyệt. Tại sao tôi chỉ ở đây vài ngày? Có rất nhiều nơi trên thế giới xứng đáng để ở lại vài tuần”.

Ong đã làm thêm giờ trong một số tuần để tích lũy thời gian rảnh rỗi. Anh chia sẻ: “Mọi chuyện bắt đầu chỉ như một ý nghĩ bất chợt, nhưng khi tôi thấy mình xoay xở công việc khá tốt, tôi bắt đầu thử thách bản thân để xem mình có thể đi xa đến đâu - nơi tôi vẫn có thể kết nối wifi và trả lời email mà không cần nghỉ phép”. Tuy nhiên, làm việc trong khi đi du lịch cũng có nhiều trở ngại. Những chuyến bay bị hoãn và wifi không ổn định có thể làm gián đoạn các kế hoạch.

Một cuộc khảo sát tại Mỹ do công ty nghiên cứu thị trường The Harris Poll thực hiện cho thấy: 28% trong số 1.170 người lao động được khảo sát đã nghỉ phép mà không thông báo cho người quản lý của họ. Những bài thảo luận về xu hướng này cũng thu hút hàng ngàn lượt xem trên TikTok.

Một video phổ biến trên kênh TikTok có tên managermethod - thu hút hơn 3 triệu lượt xem - nêu: “Nếu một nhà tuyển dụng chỉ cho nhân viên 5-10 ngày nghỉ phép mỗi năm thì nhân viên có khả năng sẽ chọn nghỉ nhiều hơn bằng mọi cách”.

Mong muốn làm việc linh hoạt

Tiến sĩ Paul Lim - giảng viên tại Đại học Quản lý Singapore - nói “lẳng lặng du lịch” là một xu hướng phức tạp. Có nhiều lý do để giải thích cho xu hướng này, bao gồm nhân viên muốn tranh thủ nghỉ nhưng không làm hết ngày nghỉ phép dự trữ của mình, sợ phải xin phép cấp trên và tin rằng mình có thể duy trì năng suất, hiệu quả làm việc ngay cả khi làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, nếu không được công ty chấp thuận, lợi ích của việc kết hợp công việc và du lịch có thể bị lu mờ bởi nỗi lo bị công ty phát hiện hoặc tệ hơn là bị triệu tập trở lại văn phòng khi đang ở nước ngoài.

Tiến sĩ Iyer đề xuất đảm bảo quyền nghỉ phép công bằng và bình đẳng cho tất cả nhân viên và triển khai mạng riêng ảo (VPN) để bảo vệ dữ liệu của công ty. Kể từ năm 2021, chính sách làm việc từ bất kỳ đâu của Google cho phép nhân viên làm việc tối đa 4 tuần/năm từ một địa điểm khác ngoài văn phòng chính của họ.

Trong khi đó, các công ty như Airbnb và Dropbox áp dụng văn hóa làm việc hoàn toàn từ xa nhằm thu hút những người lao động tiềm năng thích phương thức làm việc này.

Nolan Church - đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của nền tảng minh bạch tiền lương FairComp và Continuum - cho biết, nếu phát hiện ra một nhân viên có hiệu suất cao không có mặt tại bàn làm việc của họ trong một khoảng thời gian nhất định, ông sẽ xem là bình thường vì những người có hiệu suất cao nên được “đối xử đặc biệt”.

Ông giải thích: “Họ không được trả tiền để ngồi vào chỗ của mình. Họ được trả tiền cho những kết quả họ có thể mang lại”. Đồng thời, ông lưu ý rằng, lòng tin là con đường 2 chiều. Vì vậy, nhân viên nên minh bạch với người sử dụng lao động về việc muốn hoặc cần nghỉ phép chứ không nên nghĩ rằng “người sử dụng lao động sẽ từ chối” yêu cầu của họ.

Ông nói thêm: “Sự rạn nứt giữa người sử dụng lao động và người lao động thường xuất phát từ sự thiếu tin tưởng ở cả 2 bên. Sự giám sát chặt chẽ không giúp thu hẹp rạn nứt. Thay vào đó, các công ty nên khuyến khích và hỗ trợ việc thực thi văn hóa quản lý công việc phù hợp”.

Linh La (theo Straits Times, Business Insider)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI