Khổ học thành tài
Tinh thần “khổ học thành tài” dường như đã thành dòng chảy từ đời này sang đời khác ở làng này. Người làng gốm Phước Tích luôn nhắc nhở, động viên nhau: Bây giờ đi nước mỏi vai/ Mai sau đi hán đi hài mỏi chân. Để minh chứng cho tinh thần tôn sư trọng đạo và nghề dạy học của làng, ông Hoàng Tấn Minh - Trưởng làng Phước Tích - dẫn tôi ghé thăm miếu Văn Thánh thờ Khổng Tử ở đầu làng với những lời kể rất đỗi tự hào: “Cái miếu Văn Thánh ngó rứa mà linh lắm. Học trò trong làng năm mô cũng tới đây dâng hương dịp ngày nhà giáo Việt Nam hoặc tết Nguyên đán”.
Tại làng này, sau nghề làm gốm thì nghề giáo là lựa chọn đầu tiên của nhiều người. Hầu như nhà nào cũng có người theo nghề “gõ đầu trẻ”. Theo lời kể của các bô lão, vào thời nhà Nguyễn, ở làng Phước Tích, con dân trong làng thi đậu cử nhân, tú tài nhiều đến nỗi "dân làng phải dùng đòn gánh thay cho ống tre để gạt" (khi đo lường).
|
Hội Giáo chức làng Phước Tích chụp ảnh kỷ niệm ngày truyền thống nhà giáo ở làng |
Xưa, làng nào có người đỗ cử nhân là vinh dự lớn, dân làng phải dùng kiệu để rước, nhưng do Phước Tích có quá nhiều người đỗ cử nhân, không đủ kiệu rước nên phải thay bằng cái trạc. Đó là cách nói vui, nhưng cũng kín đáo thể hiện niềm tự hào của người dân Phước Tích.
Theo sử sách của làng, từ năm Thành Thái thứ hai (1890), 11 thí sinh, khóa sinh trong làng làm đơn xin đất ở, lập nên xóm Hội (tên chữ là Xuân Viên) để cùng nhau tu chí học hành, hướng con em theo đường học vấn nên còn gọi là xóm Học. Trước đó, dưới thời vua Gia Long, làng có cụ Nguyễn Văn Kham thi đỗ tú tài, là người phát khoa của làng, về sau làng có hơn 20 người thi đỗ tú tài, cử nhân, có người làm đến tri huyện, tri phủ, thị giảng học sĩ hàn lâm viện... Điều này thể hiện rõ trong các ngôi nhà cổ, ở các bức hoành phi, câu đối, các đồ dùng đều có đề cập đến thân thế của chủ nhân và bạn bè hoặc việc thờ phụng ở miếu Văn Thánh của làng.
Trọng chữ nghĩa
Ngày nay, truyền thống hiếu học ấy của làng vẫn còn nguyên vẹn. Trong ngôi nhà rường 100 tuổi, thầy Lê Trọng Đào - Hội trưởng Hội Khuyến học làng Phước Tích - trang trọng dành trọn gian giữa để thờ cúng và trưng bày gốm, hai gian còn lại là những chồng sách vở, giáo án đã nhuốm màu thời gian. Với đôi vợ chồng nhà giáo hưu trí này, đó chính là kỷ vật trang trọng của cuộc đời làm nghề "gõ đầu trẻ".
Nối tiếp nghề của cha mẹ, hiện cả bốn đứa con của vợ chồng thầy Đào cũng làm nghề dạy học. “Việc chọn nghề là do bản thân, có ép cũng không được. Bản thân tôi cũng thấy thích nghề giáo rồi theo, con cái tôi cũng thế. Dù không giàu sang gì nhưng với làng này, nghề giáo luôn được đánh giá là nghề cao quý, được nhiều người yêu thích, lựa chọn nhất” - thầy Đào tâm sự.
Nhiều khi, các thế hệ học sinh trong xã, trong huyện về thăm thầy cô thì cả gia đình đều là thầy cô giáo của mình. Khi nghe tôi hỏi về nghề giáo, cô giáo trẻ Hoàng Thị Mai - đang dạy tại xã Phong Hòa - cười hiền: “Từ nhỏ, em đã ước muốn trở thành cô giáo. Giấc mơ đó thành sự thật khi em thi đậu vô Trường đại học Sư phạm Huế. Gia đình em cũng toàn thầy cô giáo. Em tự hào vì được sinh ra ở ngôi làng theo nghiệp dạy học”. Ở làng Phước Tích, nhiều gia đình có con, dâu, rể, cháu cùng theo nghề dạy học, như gia đình các thầy Hoàng Tân, Nguyễn Minh Thể, Lê Trọng Nam, Nguyễn Văn Bái, Phạm Văn Mỹ, Trần Văn Đắc.
Là người con của làng gốm Phước Tích, tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Huế năm 1992, cô giáo Trịnh Thị Kim Lâu về nhận công tác tại Trường tiểu học Phong Bình rồi chuyển qua Trường tiểu học Phong Chương. Cha cô mất sớm, một mình mẹ cô nuôi 5 chị em ăn học nên người, trong đó có 3 người theo nghề giáo. Cô Lâu bộc bạch: “Học trò vốn hồn nhiên, tinh nghịch nên mỗi ngày qua đi trong cuộc đời dạy học của tôi là một trải nghiệm mới mẻ, đầy ắp kỷ niệm”.
Nằm bên dòng Ô Lâu nhưng Phước Tích là làng duy nhất của xã Phong Hòa không có ruộng. Trước đây, dân làng Phước Tích vốn lấy nghề thủ công truyền thống làm kế sinh nhai, từ lâu nổi tiếng là làng gốm, làng bánh, làng bột. Cùng với những nghề truyền thống này, con cái luôn được cha mẹ hướng theo con đường học. Đặc biệt, từ khi nghề gốm lụi tàn, việc học càng được coi trọng.
Được trở thành người đứng trên bục giảng là cả niềm tự hào của con em làng Phước Tích. Ngay cả ở giai đoạn kinh tế khó khăn cách đây mấy chục năm, nhiều giáo viên các nơi phải bỏ nghề, dân làng Phước Tích vẫn bám trụ với nghề giáo, con cháu vẫn thi vào ngành sư phạm.
Đến dịp 20/11 hay tết, nếu ghé Phước Tích, sẽ dễ dàng bắt gặp nhiều đoàn học sinh, cựu học sinh tập trung về ngôi làng cổ nhỏ bé bên dòng sông Ô Lâu xinh đẹp. Vào các dịp này, dân làng còn tổ chức phát học bổng cho con em học giỏi trong làng và mạn đàm về nghề giáo.
Hiện làng Phước Tích có hơn 110 hộ dân, nhưng có đến 300-400 người theo nghề dạy học. Hầu như gia đình nào cũng có người theo nghề giáo, có nhà có tới 5-7 người. Có 20 giáo viên nghỉ hưu đang sống ở làng, 40 giáo viên đang dạy học ở địa phương, hàng trăm giáo viên đang dạy ở các tỉnh, thành khác. Ngoài ra, đông đảo con em trong làng hiện đang là sinh viên các trường đại học và cao đẳng sư phạm.
Đặc biệt, làng hiện có trên 30 tiến sĩ ở các lĩnh vực. Hằng năm, 100% học sinh trong làng tốt nghiệp trung học phổ thông và khoảng 80% đỗ vào các trường đại học, cao đẳng.
|
Thuận Hóa