Một khám phá khoa học được công bố từ năm 2005 rằng, so với bốn vùng đáy biển khác như Phú Quốc (Kiên Giang), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hòn Mun (Khánh Hòa), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), thì biển ở Cồn Cỏ có rạn san hô tốt nhất.
Đặc biệt, tại vị trí có tên là Hà Nam, ở độ sâu 8-10m, san hô chiếm 45% mặt đáy biển. Đây là nơi duy nhất phát hiện có san hô đỏ. Người ta bảo, không phải là huyền thoại đâu, màu đỏ là máu của những người quyết tử giữ Cồn Cỏ.
Nắng đến mức làm ngọn dừa sát bờ rũ xuống. Bặt gió. Thúng, thuyền loi nhoi nằm ườn trên bến. “Chiều mới đi chú nờ” - ông Hải, Trưởng thôn Tùng Luật, xã Vĩnh Giang nói. Tôi biết, vùng bãi ngang là vậy đó, chiều người ta rục rịch, rồi chạy cả đêm, sáng lại vô. Nước biển xanh ngắt, cộng cảm với trời xanh như nhát vẽ khổng lồ trải tít tắp, chợt nhớ câu thơ của Tế Hanh: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị”.
Đặt câu thơ đó nơi Thành Cổ, Cồn Cỏ, Bến Hải, Cửa Tùng những năm chiến tranh với số lượng bom đạn dội xuống Quảng Trị, mới thấy màu xanh đó có ráng đỏ là máu loang ngang trời.
***
Vẫn nắng muốn nổ con ngươi. “Các chú cứ chạy xe, bầy tui đi bộ quen rồi, đi tập thể dục mà” - bà Trần Thị Liên vừa cười, vừa quơ nón lá úp lên đầu. Dừa san sát, cao vút, đường làng thẳng tắp, sạch bong, san sát ghế đá dọc bờ biển. Cạnh biển mà tiêu quá trời, nhà nào cũng trồng. Vùng này có đoạn vừa cát vừa đất đỏ. “Thì làm trên bờ, làm dưới biển, đụng đâu quơ đó” - cũng bà Liên nói. Họ đi đến chỗ đài tưởng niệm bến đò Tùng Luật.
Mùa này sóng êm. Cũng mùa này, cữ sau tết trở đi, riết tới tháng Sáu, thuở ấy đêm với dân Tùng Luật - Vĩnh Giang, rồi Vĩnh Thái, Vĩnh Quang, Vĩnh Thạch dọc bờ biển Cửa Tùng là những đêm trắng. Ông Trương Đình Song hấp háy mắt: “Lứa tui lúc nớ, chừ sắp về với ông bà hết rồi”. Hơn 60 năm rồi còn gì, như bà Liên vừa nhắc vừa hất tay phía sau nhà: “Bà Lời hồi nớ cũng đi, mới chết đó”.
Sinh tử là đương nhiên, rồi lịch sử sẽ được tái sinh từ những trang sách với vô vàn hình dung. Còn bây giờ, tôi đang ngồi với họ, những người đàn ông, đàn bà một thời sót lại, tay đã mỏi như mái chèo già, chỉ có cái nhìn ra xa khơi là không chớp. Họ kể về ngày đó với ngoài kia, ở cuối chân trời, cái chấm nhỏ mờ mờ như vành tai, như ngón tay út, lúc quang mây nhất thì như chiếc nón lá xanh, trồi lên giữa biển. Đó là Cồn Cỏ.
|
Vợ chồng ông Trọng - bà Liên đã từng cùng chèo thuyền chở lương thực ra Cồn Cỏ |
Ngày đó, những năm 60 của thế kỷ trước, họ đã ra đó, đi không như bao chuyến biển bình thường vì áo cơm, mà là vì tận tâm can họ, Cồn Cỏ là thứ gia bảo cha ông để lại, sống chết cũng phải giữ.
Ông Song - một trong 12 người cảm tử đầu tiên chở vũ khí, lương thực ra đảo - nhớ lại: “Đó là ngày 1/12/1965, chở bốn tấn, đi lúc 8 giờ tối, thuyền gỗ chú à, giong buồm rồi chèo, nếu nó bắn pháo sáng thì xếp buồm. Ui cha, pháo dữ lắm, nó chụp như con nít chơi rải cát, chèo miết, nếu gió tốt, khoảng 11 giờ đêm sẽ tới, không thì 2, 3 giờ sáng mới tới. Mới đi ra, bị pháo phải quay lại là chuyện thường”.
Chuyến đó họ đi sáu ghe, mỗi ghe chừng bốn tấn, năm - sáu người chèo. Không phải xuất phát ở bến này, nhưng ở đây ghe lớn, nên dân Tùng Luật được trưng dụng hết, tới chỗ Mũi Lài (xã Vĩnh Thạch) mới đi, chứ ở đây mà đâm ra, pháo bờ Nam nện liền.
Ông nói rồi ngó qua vợ. Bà Trần Thị Lan đang nhặt rau. Ngày đó, đi Cồn Cỏ, kẻ xuống nước bặm môi mà chèo, người ở trên bờ hết ra biển ngó lại quay về nhà, khấn xin ơn trên phù hộ, không bị pháo Mỹ chụp xuống chồng con mình.
“Tui nhớ làm lễ truy điệu ở thôn Sa Bắc, xã Vĩnh Long lúc 3 giờ chiều, truy điệu sống, coi như đi là chết”. “Bác gái biết không?”. Bà Lan đưa tay quệt nước trầu: “Có biết mô, đi rồi xã mới nói, tui khóc, nhưng sợ thì cũng để ổng đi, nhiệm vụ biết răng chừ, con đầu lúc nớ hai tuổi, đứa sau đang mang bầu, xã nói yên tâm, có chi thì xã lo, chỉ trách ổng đi mà không nói vợ con biết, may mà ổng không chết”.
Ông Song im lặng, phóng cái nhìn ra biển. Thời gian chớp mắt, tuổi hai mươi giờ đã hút xa, chỉ có biển vẫn một màu nước ấy. Đi hai tháng rưỡi liền, đi một ngày, nghỉ một ngày, đến chuyến thứ 20 thì đơn vị C27 vận tải Cồn Cỏ chính thức thành lập, khi máu của không ít dân công huyện Vĩnh Linh đã hòa vào biển, bởi ngay chuyến thứ nhất đã dính pháo.
“Chèo được 15 cây số thì bị bắn, một chiếc chìm, 5/6 người chết, một người bơi vào được đất liền. Chuyến thứ hai chết 9, chuyến thứ ba chết 6…”. Căn phòng chật cứng lại như khối san hô khổng lồ. Những đôi mắt nhìn ông Song rồi cúi xuống, lặng phắt. Tôi đọc được, ở xã Vĩnh Quang, đi 150 người thì một nửa đã không về.
“Tùng Luật ni thì chết mất xác 13 người. Tui bị chìm ghe chuyến thứ ba nớ, trôi tới Thuận An (Huế), hắn bắt được, tui nói là dân đi biển bị chìm”. “Được thả à?”. “Mô có, hắn giam, thiếu hai tháng là đủ tám năm, trong đó có sáu năm ở Côn Đảo. Sau ni tui về, thống kê hết lại, đi Cồn Cỏ tiếp tế, chết mất xác hết 300 người”.
“Trúng pháo đã đành, nhưng sao chết nhiều quá …”. “Cái ni là có lý do. Lúc đi, chỉ huy hỏi “ai biết lội”, tiếng Quảng Trị lội là bơi, còn ngoài Bắc, lội là nước ngang ngực, bụng. Dân công, bộ đội ngoài nớ nghe rứa xung phong liền, rớt xuống biển là chết thôi”. Không ai còn xác.
Họ đã tan đâu đó giữa nghìn trùng xanh thẳm, máu của họ đã thành biếc xanh, phần còn lại hóa thành một thứ khác.
***
“Hồi nớ ổng đi, tui cũng đi, chuyến đầu luôn, nhưng lúc nớ chưa phải vợ chồng”. Bà Liên thủng thỉnh góp lời cùng chồng là ông Nguyễn Trọng, khi ông nói rằng, chèo miết từ năm 1959 tới 1969, không tính được bao nhiêu chuyến, có khi cả tháng không về nhà. Họ đi từ năm 1959, nhưng cao điểm là từ năm 1965 trở đi. Vẫn chèo. Vẫn thuyền gỗ. Vẫn phập phồng lo pháo. Vẫn thất thanh la, quỵ xuống, cạn kiệt nước mắt khi hôm sau không thấy thuyền về. Cứ thế, dai dẳng, âm thầm mà quyết liệt.
“Cưới được ba ngày, chiều mồng 1 tết, rứa là ổng đi. Nói thiệt, tui ưng ổng là do anh tui là Trần Văn Thủy thân với ổng, mà anh tui thì chết ngoài biển”. “Cũng đi tiếp tế à?”. “Chớ răng! Anh tui chích máu viết thư đến lần thứ bảy mới được đi đó, đi cùng ổng mấy chuyến”.
Bỗng ông Song ngậm ngùi: “Chú hỏi mộ gió hả, hồi đầu có làm, sau ni người thân thờ ở nghĩa trang, gia đình. Có điều là tội nghiệp anh em, chết có xác thì biết chỗ mà thắp nhang, đằng ni biết mô ở biển mà cúng, nên cứ mùa ni, mang lễ vật ra bờ cúng, thả trên biển, đồ cúng phải nhiều áo giấy để anh em dưới đó đỡ lạnh”.
Có giọt nước mắt bất thần rơi trên khuôn mặt nhăn nheo của bà Liên. Nó rớt xuống nền cát nóng, như nghe một tiếng xèo. “Xác mô có, sau hòa bình mới gọi hồn nhập cốt...”.
Nói xong, bà Liên vịn tay vô thành tượng đài, như muốn níu điều gì đó. Sóng đang dội trong tim bà. Hai người con gái cỡ tuổi bà bên Vĩnh Hòa cũng đã mất trong chuyến đi thứ hai tiếp tế ra đảo. Trong suốt chừng đó năm, ở Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, đã có 78.000 lượt thuyền, vận chuyển hơn hai triệu tấn lương thực, súng đạn và người ra Cồn Cỏ. Và cũng chừng đó năm, bao gia đình mất chồng, mất cha, bao xương thịt đã thành bọt sóng…
Có thể lúc này lúc khác, lịch sử quên gọi tên họ, nhưng lòng dân biển, lòng biển chưa từng quên họ. Sau lưng tượng đài là miếu Âm hồn, có từ thuở lập làng. Ông Hải nói rằng, sau này, tới lệ cúng, bà con cũng khấn luôn cho anh em bộ đội, dân công chết mất xác khi ra Cồn Cỏ, chứ biết mô mà thờ.
Đài tưởng niệm có dáng thuyền, hướng ra biển. Chỉ một dáng thuyền, vậy là đủ, không có chuyện giơ tay giơ chân. Thuyền như những ông bà già lúc này đang ngồi bệt dưới chân tượng, phăng phắc nhìn ra những con sóng bạc đầu. Người miệt biển vốn kiệm lời, chân thành, giản dị mà quyết liệt như cát, như sóng. Sóng vẫn vỗ, như tiếng mõ đều đều, mang âm ba của những nhịp chèo đều đặn, dứt khoát mà khoan thai.
Người ở đây kể rằng, từ sau giải phóng, mỗi phiên biển đầu năm, cuối năm, khi cúng, ngoài van vái thủy thần, họ đều khấn mong anh em dưới nước sâu yên nghỉ đời đời, bởi bom đạn hết rồi. Tôi nhìn những con sóng cứ nhấp nhô như những nấm mộ chỉ còn những đường diềm, kéo dài, lớp này qua lớp khác, như thấy ở đó, mắt của họ vẫn đang nhìn kẻ trên bờ.
1.500 ngày đêm, Cồn Cỏ, Vĩnh Linh không ngủ. Cũng chừng đó ngày, những làng chài ven chân sóng Cửa Tùng hắt hiu lúc tắt lúc đỏ ngọn đèn dầu, trong bóng đêm lạnh lẽo bất ngờ nhì nhằng pháo sáng, đì đùng inh tai pháo chụp, bóng những dân chài, bộ đội lặng lẽ đẩy thuyền ra bến như những Thạch Sanh quấn khố, can trường xuyên sóng, mặc pháo, mặc tử thần.
Thuyền chính là niêu cơm tiếp tế, họ chấp nhận tất cả để Cồn Cỏ không bị hủy diệt. Những ngọn đèn trong bờ ngóng ra, ngoài xa kia ngó vào. Ngọn đèn của lòng dân vì cương thổ quốc gia cha ông để lại, có bao giờ tắt đâu, mà luôn âm thầm, nóng rực. Và như thế, những đôi mắt lang thang trên biển vì không có chốn về thì lấy biển xanh làm nhà, mộ của họ là biển, và biển mới là nấm mộ vĩnh cửu.
Và không hiểu sao, tôi bỗng nhớ những mộ gió của hùng binh Lý Sơn năm xưa, ra đi cắm mốc ở Hoàng Sa mà không có ngày về. Lời bà Liên thiệt thà như cát: “Thì hồi nớ lý tưởng lớn lắm, ai cũng thề giữ đảo, biết chết nhưng cứ đi, có biết chi mà so bì hơn thiệt, nên chừ chỉ nhớ rứa thôi…”.
Nhắc để nhớ, chứ chẳng nghĩ chuyện bây giờ và mai sau mà tính toán. Lòng dân là vậy đó. Ở họ, những người con của biển, những lương dân một đời áo mục tả tơi vì nước mặn, thảy đều giống nhau một chỗ, là lặng im và dữ dội như gió. Tận hiến, rồi tan như con sóng bạc vào lòng biển.
Trung Việt