Làng hương Trường Đá sôi động mùa Tết

28/01/2014 - 08:11

PNO - PNO - Con đường Huyền Trân Công Chúa đi ngang qua lăng Tự Đức, phường Thủy Biều, TP Huế gần Tết sôi động hẳn lên.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Sôi động không chỉ vì khách du lịch đến kính viếng vị vua triều Nguyễn có tài thơ văn mà còn bởi nơi đây, làng nghề làm hương (nhang) Trường Đá đang vào mùa cao điểm sản xuất để phục vụ khách tham quan và người dân dịp Tết.

Lang huong Truong Da soi dong mua Tet

Phố nghề hương bày biện sản phẩm rất bắt mắt.

Từ xa, ở phía đường Lê Ngô Cát, đã thấy lấp ló và rực rỡ những sắc màu xanh, vàng, đỏ. Cứ vào sáng sớm, người thợ làm hương ở đây lại đem tăm hương (loại nan của cây lồ ô dùng làm cốt cho cây hương) và hương mới làm ra phơi và cũng là “khoe” để thu hút khách du lịch.

Tăm hương với đủ sắc màu xanh, đỏ, tím, vàng được sắp xếp thành những bông hoa nhiều sắc màu, có bông mới “chớm nở”, có bông thì đã vươn mình tỏa cánh. Đã nhiều lần về đây mà tôi còn cảm thấy ngỡ ngàng, huống chi khách lạ.

Thôn Trường Đá là một cái tên hành chính, còn người dân đã quen gọi là làng hương. Trên đoạn đường ngắn này tập trung khoảng 20 hộ gia đình chuyên nghề làm hương. Dì Nở (44 tuổi), một người làm hương trong làng, cho biết: “Hồi trước, làng còn thưa thớt, chỉ có một vài nhà làm hương. Nghề làm hương thực sự thịnh đạt sau ngày giải phóng. Dân làng đều sống bằng nghề này”.

Lang huong Truong Da soi dong mua Tet

Dì Nở là một trong những người đầu tiên làm nghề hương ở thôn Trường Đá

Hương nơi đây nổi tiếng với nhiều mùi thơm khác nhau. Có 8 mùi chính, gồm: trầm, quế, thuốc bắc, tùng, đàn, nước hoa, bột thơm. Người thợ sẽ tùy theo nhu cầu của khách hàng mà gia giảm sao cho phù hợp. Trong số đó, hương trầm là loại hương đặc biệt. Hương trầm cũng có nhiều loại: trầm thường, trầm tốt, trầm đặc biệt... Hương trầm nơi đây có mùi đặc trưng riêng, không giống các nơi khác. Nó thơm xa nhưng không nức, thơm lâu nhưng nhẹ nhàng, dễ chịu.

“Trong số nhiều loại hương, thì hương trầm luôn được khách hàng ưa chuộng. Đối với người Huế, mùi trầm phù hợp với không khí của cúng bái, khử mùi, xông uế... Không chỉ người trong nghề như chúng tôi mà người buôn bán ở Huế, sáng nào cũng thắp một nắm hương trầm trước cửa để mong có một ngày làm ăn thuận lợi” - chị Bé, chủ tiệm hương trầm Phương Loan, nói.

Riêng với người làm nghề hương, ở bàn xe hương, luôn có một cây hương vừa tàn. Mùi hương đối với họ trở thành mùi quen thuộc, không có là thấy thiếu. Nhiều người con xa xứ, mỗi khi nhớ về làng hương Trường Đá lại nhớ về mùi hương quen thuộc tỏa ra khắp làng.

Lang huong Truong Da soi dong mua Tet

Du khách tham quan phố hương thôn Trường Đá.

Một người thợ giỏi không chỉ xe hương nhanh, đẹp mà còn phải có nhiều kỹ thuật từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đến trộn bột hương. Lõi hương được người thợ làm từ những cây tre làng có độ già vừa phải. Lõi hương được nhuộm đa sắc màu rồi cột lại và xếp trên giá phơi nắng, phơi sương. Thế nên, cây hương cháy đều, có tàn uốn cong đẹp mắt.

Đa số người thợ làm hương ở đây đều xe hương thủ công. Nhưng nhìn những cây hương đều đặn, tròn trịa, dẻo dai, không ai nghĩ đó là những sản phẩm bằng tay. “Máy sấy hương” là ánh nắng mặt trời. Nhiều thương lái đến đây mua hương ngoài yếu tố mùi thơm đặc biệt, lâu thì một phần do hương ở đây không bị gãy, bể vụn trong khi vận chuyển xa.

“Tôi đã tự tay mình xe được những cây hương. Tuy không được đều đặn nhưng thật tuyệt. Ở trong Sài Gòn, tôi cũng dùng hương của Huế. Hương Huế có mùi thơm rất đặc biệt”, chị Hà, một du khách đến từ Sài Gòn, đang ngồi xe hương tại cơ sở Phương Loan, cho biết. Không ít khách du lịch ghé thăm làng hương để tìm hiểu nghề hương truyền thống.

Lang huong Truong Da soi dong mua Tet

Khách du lịch tìm hiểu các công đoạn làm hương.

Thời điểm này, khi Tết cổ truyền dân tộc đang đến gần, con đường hương trầm này lại càng nhộn nhịp hơn để vừa phục vụ du lịch, vừa có đủ hàng cung cấp cho các mối sỉ phục vụ nhu cầu Tết. Hương của làng không chỉ cung ứng nhu cầu trong tỉnh mà còn đi đến các tỉnh trong cả nước và xuất khẩu sang nước ngoài.

“Trung bình, một người thợ giỏi thì xe được khoảng 10.000 cây/1 ngày. Những ngày cận Tết, phải làm nhiều hơn mới đủ đáp ứng. Làm nghề này chủ yếu lấy công làm lời”. chị Hương, một người làm hương lâu năm, nói.

Bài & ảnh: Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI