Văn hoá ứng xử từ sự ra đi của nghệ sĩ Chí Tài
Sự ra đi bất ngờ của nghệ sĩ Chí Tài để một dấu hỏi lớn về cách hành xử của nghệ sĩ, đặc biệt với một số tên tuổi đã hoạt động lâu năm.
Một tài khoản có tên D.N đã có những ngôn từ chưa đúng, xúc phạm đến gia đình nghệ sĩ Chí Tài. Cát Phượng, Quách Ngọc Tuyên, Huỳnh Phương, Hoàng Mèo... đã cùng đám đông kéo đến cơ sở kinh doanh của người này để yêu cầu phải xin lỗi. Trước đó, họ cũng có những dòng trạng thái, trực tiếp hoặc gián tiếp kích động đám đông trên mạng xã hội.
|
Cát Phượng và nhiều nghệ sĩ kéo đến phòng gym của D.N để yêu cầu người này phải xin lỗi |
Đám đông tụ tập tại phòng gym của D.N vào trưa 14/12:
Sự việc xảy ra trong thời điểm cơ quan chức năng khuyến cáo tránh tụ tập đông người để phòng, chống dịch bệnh. Kiểu hành xử thiếu suy xét, cân nhắc... khiến dư luận phản ứng.
Đáng nói hơn, khi NSND Việt Anh lên tiếng góp ý trên trang cá nhân, Cát Phượng lại phản bác khá tiêu cực. Trước phản ứng tiêu cực từ dư luận, Cát Phượng sau đó phải lên tiếng xin lỗi NSND Việt Anh.
Hình ảnh xấu xí của nghệ sĩ từ mạng xã hội
Mạng xã hội được xem là cánh tay nối dài của nghệ sĩ, nhưng cũng mang lại không ít phiền toái, mà nguyên nhân cũng xuất phát từ bản thân họ.
Trung tuần tháng 11, ca sĩ Phương Thanh có buổi làm việc với Sở Thông tin Truyền thông tỉnh Quảng Ngãi vì thông tin sai sự thật, phiến diện trong một chuyến từ thiện. Sau đó, nữ ca sĩ phải lên tiếng xin lỗi trên trang cá nhân vì thông tin này.
Giữa tháng 2/2020, 3 nghệ sĩ: Cát Phượng, Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân bị Sở Thông tin - Truyền thông TPHCM phạt mỗi người 10 triệu đồng vì chia sẻ thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh COVID-19. Mức phạt này là nhẹ nhất vì theo Sở, các nghệ sĩ đều có thái độ tích cực nhận trách nhiệm.
|
Cát Phượng, Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân bị phạt hồi tháng 2 vì tung tin sai sự thật trên mạng xã hội |
Ca sĩ Hoà Minzy cũng bị phạt 7,5 triệu đồng về việc đưa thông tin giả về phát ngôn của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam.
Khắc Việt khẩu chiến với ông bầu Vũ Khắc Tiệp cũng là câu chuyện khiến hình ảnh làng giải trí bị bôi xấu. Nam ca sĩ dùng nhiều từ kém văn hoá, xưng mày, gọi tao khi nói về việc Vũ Khắc Tiệp than thở, tỏ thái độ khó chịu trong khu cách ly. Trong khi đó Vũ Khắc Tiệp cũng hành xử theo kiểu ăn miếng trả miếng.
Làn sóng tẩy chay mạnh mẽ và cái chết từ mạng xã hội
Nhiều cái tên bị lập hội, nhóm anti trên mạng xã hội với hàng chục nghìn cho đến hơn 100.000 thành viên như: Hương Giang, Lan Ngọc, Lâm Vỹ Dạ, Linh Chi...
Trong đó, câu chuyện của Hương Giang được chú ý nhất. Vì xuất hiện quá nhiều trên truyền hình, cộng với những lùm xùm trước đó chưa được giải quyết triệt để, nữ ca sĩ bị tẩy chay dữ dội.
Việc lời qua tiếng lại với antifan trên mạng xã hội, đăng ảnh mời công an đến nhà antifan để làm việc (đến nay vẫn chưa kiểm chứng được thực hư) càng đẩy Hương Giang đi vào đường cùng. Cô buộc phải huỷ một số công việc đã nhận lịch, cũng như tạm dừng hoạt động một thời gian.
|
Hương Giang bị tẩy chay dữ dội trong năm 2020 buộc cô phải dừng hoạt động một thời gian |
Antifan đánh thẳng vào túi tiền của nghệ sĩ - các nhãn hàng, NSX chương trình. Tuy nhiên, qua đây, không chỉ nghệ sĩ cần rút kinh nghiệm để ứng xử, làm việc phù hợp hơn, mà cũng là lúc văn hoá anti nên cần được nhìn lại. Bởi không ít người vẫn dùng những từ ngữ thô lỗ, tục tĩu để chửi mắng nghệ sĩ khi xảy ra vấn đề.
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020: lùm xùm mất tranh, hỏng tượng và “cái ngó lơ” của Cục Mỹ thuật, Triển lãm và Nhiếp ảnh thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (MTNATL)
Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2020 những tưởng là ngày vui của giới nghệ sĩ cả nước thì trước và trong ngày khai mạc, nhiều hoạ sĩ, nhà điêu khắc thông báo tranh, tượng bị hư hại, “bốc hơi” khỏi sự kiện.
Sau phản ứng, Cục trưởng Cục MTNATL Mã Thế Anh nói “nó xước xát tí”, “xước một chút có gì đâu”. Phát ngôn thiếu trách nhiệm của ông Mã Thế Anh bị phản đối gay gắt. Hậu lùm xùm, đại diện ban tổ chức cho biết sẽ xử lý các trường hợp khiếu nại sau khi sự kiện kết thúc. Triển lãm tổ chức từ 1 – 10/12 tại Hà Nội, sau đó tiếp tục tại TPHCM từ 22 – 29/12.
|
Tác phẩm Thời gian của tác giả Phạm Hùng Anh bị mất trong triển lãm |
Cuộc thi tài năng biểu diễn Múa 2020 thu hồi giải Nhì vì “đạo nhái”
Một tháng sau ngày công bố giải thưởng Cuộc thi tài năng biểu diễn Múa 2020, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra quyết định thu hồi giải Nhì bảng B (múa đương đại) của thí sinh Thạch Hiểu Lăng, với lý do vi phạm quy chế tổ chức cuộc thi.
Cụ thể, tiết mục Số không (biên đạo - huấn luyện: Mai Minh Anh Khoa - Lê Hải, biểu diễn Thạch Hiểu Lăng - Huỳnh Nhựt Hòa), sao chép tác phẩm S/HE của công ty nước ngoài tên Dance Company.
Thí sinh Thạch Hiểu Lăng và ê-kíp liên quan đã gửi lời xin lỗi đến công ty Dance Company vì “biến tấu” S/HE mà không xin phép. Sự việc một lần nữa dấy lên nạn “mượn” kịch bản tác phẩm một cách ngang nhiên, coi thường sáng tạo của người làm nghệ thuật.
|
Tác phẩm đạt giải Nhì, nhưng sau đó bị thu hồi vì "đạo nhái" |
Netflix chiếu phim phim xuyên tạc lịch sử, lãnh thổ Việt Nam
Tháng 8/2020, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH&TTĐT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu Netflix gỡ bỏ các nội dung xuyên tạc lịch sử, xuyên tạc chủ quyền, khiêu dâm, vi phạm thuần phong mỹ tục Việt Nam trên kho nội dung đang cung cấp đến người dùng Việt.
Cùng với văn bản yêu cầu gỡ, rà soát nội dung, Cục PTTH&TTĐT yêu cầu dừng chuyển ngữ tiếng Việt cho các phim trên nền tảng Netflix.
Cục khẳng định Netflix nếu có nhu cầu tham gia thị trường dịch vụ truyền hình tại Việt Nam một cách hợp pháp thì cần thực hiện đầy đủ các thủ tục đề nghị cấp giấy phép theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.
Từ hoạt động ngang nhiên của Netflix, nhiều vấn đề khác liên quan đến dịch vụ truyền hình trả tiền tại Việt Nam được khơi ra, cần có quy định chặt chẽ hơn như kiểm duyệt – phát hành phim, quản lý thuế của các nền tảng xem phim đa quốc gia...
|
Cơ quan chức năng yêu cầu Netflix gỡ bỏ nội dung sai sự thật, xuyên tạc lịch sử Việt Nam |
Phim giang hồ “ngập” YouTube 2020
Dù không mới nhưng năm 2020, phim giang hồ xuất hiện dày trên YouTube. Từ phim giang hồ học đường do các ê-kíp trẻ thực hiện cho tới phim được chính các nhóm xã hội đen máu mặt bỏ tiền sản xuất đều nhan nhản trên YouTube, nhận về nhiều lượng xem.
Hậu xuất hiện trên các phim giang hồ mạng trong hình tượng được xây dựng hào hiệp, trượng nghĩa, “giang hồ mạng” như Huấn “hoa hồng”, Đường "Nhuệ", Dũng "Trọc"... bị cơ quan chức năng bắt giữ vì vi phạm pháp luật. Một số sản phẩm MV, phim giang hồ đã bị gỡ khỏi YouTube nhưng số lượng phim mang tính bạo lực trên nền tảng này vẫn còn rất lớn.
|
Một phân cảnh trong phim Chạm mặt giang hồ |
Trung Sơn - Diễm Mi