Ngành công nghiệp mũi nhọn mang nội tại bất ổn Làn sóng Hallyu khiến văn hóa Hàn Quốc được biết đến trên toàn thế giới, cũng từ đó giải trí trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Hàn Quốc. Nhưng, bên dưới làn sóng mạnh mẽ ấy là một nội tại bất ổn. |
Những cái chết đột ngột của các idol trẻ, gần nhất là Sulli (vào ngày 14/10) đến Goo Hara (24/11) hay Cha In Ha vào hôm nay- 3/12... khiến làng giải trí xứ kim chi rung chuyển. Hiện, từ khóa “Cha In Ha qua đời” và các tin tức liên quan liên tục đứng top đầu tìm kiếm trên cổng thông tin điện tử lớn nhất Hàn Quốc - Naver.
Tiếng kêu cứu yếu ớt, không một bàn tay nắm lấy, giúp đỡ
Trước khi quyết định kết liễu đời mình, Sulli và Goo Hara đã chìm trong cô đơn và tổn thương trong thời gian dài. Hai nữ thần tượng đều gặp bác sĩ tâm lý điều trị đều đặn hàng tuần. Cả hai muốn thoát khỏi cảm xúc tiêu cực, muốn tận hưởng cuộc sống tươi đẹp như chính những bức hình, câu chuyện mà Goo Hara và Sulli chia sẻ trên trang cá nhân.
Không chịu nổi những lời thóa mạ, ác ý của cộng đồng mạng, đã nhiều lần Sulli yêu cầu công ty quản lý SM Entertainment (SM) khởi kiện những kẻ đưa ra bình luận độc hại gây ảnh hưởng đến nữ ca sĩ nhưng bất thành. Lý do SM đưa ra là do một bộ phận cư dân mạng dùng địa chỉ IP nước ngoài hoặc ẩn danh khiến gây khó trong việc xác minh danh tính. Mọi chuyện cũng đâu vào đấy, công ty quản lý thả trôi, để mặc Sulli vật lộn trong đống cảm xúc hỗn loạn.
Tương tự Sulli, trước khi ra đi mãi mãi, ngày 25/5/2019 Goo Hara cũng một lần tự tử nhưng bất thành. Thêm cú sốc lớn khi Sulli - người bạn thân nhất đột ngột qua đời, cựu thành viên Kara không thể khống chế cảm xúc rối bời, đau khổ của mình.
|
Goo Hara chịu cú sốc lớn sau cái chết của Sulli |
Goo Hara từng nhiều lần khiến công chúng hoang mang khi vừa livestream vừa khóc nấc, gửi lời nhắn đến Sulli vừa qua đời: “Chị cũng muốn tới nơi đó. Sulli à, chị yêu em. Chị xin lỗi, xin lỗi…” và những bài đăng chứa nặng tâm trạng u buồn: “Đau đớn nhưng vẫn phải giả vờ như mình vẫn ổn”, “Bên ngoài trông như chẳng có vấn đề gì nhưng bên trong đã vụn vỡ thành trăm mảnh”…
Tất cả chỉ là sự vùng vẫy trong vô vọng trước cái chết đã được ấn định. Không một ai ở bên cạnh cô, thậm chí Goo Hara còn bị antifan chỉ trích nhiều hơn vì cho rằng cô đang "làm màu".
Biểu hiện bất thường của Goo Hara hay của nhiều "idol" đã chọn cách kết liễu cuộc đời mình trước đó, theo một nghĩa nào đó, cũng là cách kêu cứu. Nhưng, không ai chìa tay cho họ. Gia đình càng không. Nếu không vì hoàn cảnh riêng (như Goo Hara lẫn Sulli đều lớn lên cùng ông bà vì ba mẹ sớm chia tay), thì với cuộc vận hành khắc nghiệt của các lò đào tạo nói riêng và của Kbiz nói chung, hầu như các "idol" không có thời gian ở bên gia đình, hoặc không thể có chỗ dựa là gia đình như bao nhiêu người khác.
Thời điểm Go Hara chông chênh, đau khổ nhất, nhiều người hâm mộ của cô xin công ty quản lý, gia đình và bạn bè hãy bảo vệ nữ thần tượng, nhưng đã quá muộn...
Những biện pháp tạm thời lấp liếm sai lầm
Nhiều người đặt ra câu hỏi, chỉ trong vòng 2 tháng đã có 3 nghệ sĩ ra đi, liệu con số này sẽ dừng lại hay tiếp tục gia tăng? Một câu hỏi không dễ trả lời đối với làng giải trí xứ kim chi.
|
Nam diễn trẻ Cha In Ha qua đời ở tuổi 27 khiến dư luận xôn xao |
Làn sóng Hallyu mạnh mẽ khiến văn hóa Hàn được biết đến trên toàn cầu, nhưng bên trong lại là một nội tại bất ổn. Điều đó ngày càng được thấy rõ, tiếc thay lại qua những cái chết.
Sau khi Sulli tự vẫn ở tuổi 25, báo chí châu Á và quốc tế như Mỹ (Newsweek), Anh (Metro Durson) lên án mạnh mẽ về những tồn tại trong làng giải trí xứ kim chi, thì 9 thành viên của Quốc hội Hàn Quốc mới đệ trình “đạo luật Sulli” chống bình luận độc hại, dự kiến thông qua vào đúng 49 ngày mất của nữ thần tượng.
Đáng buồn thay, khi dự luật ấy vẫn còn trên giấy và vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của cư dân mạng Hàn Quốc thì 2 cái chết tiếp theo đã diễn ra.
|
Sulli và Goo Hara tự vẫn dấy lên nhiều lo ngại tồn đọng trong ngành công nghiệp giải trí Kpop |
Mãi đến khi Goo Hari tự kết liễu cuộc sống, ngày 29/11, Hiệp hội Ca sĩ Hàn Quốc (viết tắt là KSA) mới cứng rắn yêu cầu Naver cắt bỏ phần bình luận dưới các bài báo giải trí; Quốc hội cần điều chỉnh luật pháp để trừng phạt các bài báo giật gân gây nên các bình luận độc hại; khuyến khích các phương tiện truyền thông phản ánh trung thực, khách quan.
Các thành viên của hiệp hội nói rằng họ không thể kìm chế sự tức giận khi lần lượt phải nói lời tạm biệt với 2 nữ ca sĩ trong vòng chưa đầy 2 tháng. Nhưng, người hâm mộ của Goo Hara và Sulli không cảm kích vì điều đó, bởi KSA được thành lập để bảo vệ nghệ sĩ, nhưng họ chỉ hành động sau khi hết nghệ sĩ này đến nghệ sĩ khác lần lượt qua đời.
Nhìn thẳng vào thực tế đang diễn ra của làng giải trí Hàn Quốc, các cơ quan chức năng xứ kim chi dường như chỉ đang che đậy những sai lầm, đưa ra những biện pháp mang tính tạm thời mà không giải quyết tận gốc. Bởi bình luận độc hại chỉ là 1 trong những nguyên nhân dẫn đến quyết định tự vẫn. Việc vắt kiệt con người của các lò luyện idol, nạn quấy rối tình dục nghệ sĩ nữ... vẫn còn đó.
|
Goo Hara bị trầm cảm trong thời gian dài nhưng chẳng ai quan tâm đến cô |
|
Nụ cười rạng rỡ của Sulli mãi mãi tan biến ở tuổi 25 |
Sulli, Goo Hara và Cha In Ha hay gần 20 nghệ sĩ Hàn khác trong vòng 10 năm trở lại đây có lẽ sẽ không tìm đến cái chết nếu những tiếng kêu cứu yếu ớt của họ không bị phớt lờ; nếu họ không bị biến thành cỗ máy kiếm tiền thông qua những bản hợp đồng bỏ quên cảm xúc con người.
Trước khi kết thúc cuộc đời mình, Sulli từng cho biết: “Em đã nói với họ, em kiệt sức rồi, nhưng không một ai lắng nghe lời em nói”…
Cứ như thế, những lời kêu cứu dần tắt lịm trong ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc.
Chung Thu Hương
Bài 2: Nơi biến người thành cỗ máy