Làng gạch gốm Cổ Chiên: Giữa hai bờ buồn vui

17/11/2020 - 10:58

PNO - Thịnh suy là lẽ thường. Nhưng khi sự suy vong kéo theo tương lai, số phận của không ít con người thì nỗi buồn càng trở nên thăm thẳm.

“Vương quốc lò nung” nép mình bên dòng Cổ Chiên 

Từ trung tâm TP. Vĩnh Long, rẽ theo Tỉnh lộ 902 hướng về huyện Mang Thít khoảng 17km, làng gạch gốm bắt đầu lộ diện. Gọi là làng nhưng nơi đây không có lũy tre, cũng chẳng có cổng, trải dài từ địa phận giáp ranh huyện Long Hồ và Mang Thít đến tận bờ kia sông Mang Thít - đối diện chợ Cái Nhum. Bên này sông, những ngôi nhà cao tầng san sát nhau, lòng lữ khách chợt bồi hồi khi ngó sang bên kia sông - nơi những lò gạch nhuốm màu thời gian đang ì ạch nhả khói trong chiều tà. 

Làng gạch gốm Cổ Chiên nằm sát bên bờ sông, rạch lớn để thuận tiện việc vận chuyển
Làng gạch gốm Cổ Chiên nằm sát bên bờ sông, rạch lớn để thuận tiện việc vận chuyển

Người cho rằng lò nung gạch trông như tòa lâu đài với sắc đỏ cam rực rỡ. Kẻ lại hình dung đó là những cây nấm khổng lồ mọc lên giữa đất phù sa hay những thành lũy kiên cố. Chúng nằm trên mỏm đất nhỏ nhô ra bờ sông, sát Tỉnh lộ 902, len lỏi giữa những vườn nhãn, chuối xanh ngát bạt ngàn bên dòng sông Cổ Chiên. Ở kênh Thầy Cai, ngồi trên xuồng, ghe chạy dọc sẽ quan sát được hàng hàng, lớp lớp lò nung nằm san sát nhau trải dài đến vài cây số. Nhưng điểm chung nhất là chúng đều nằm gần bờ sông để thuận tiện cho việc vận chuyển.

Không có mốc thời gian chính xác nhưng từ đầu thế kỷ XX, gạch ngói Cổ Chiên đã trở nên nổi tiếng ở miền Nam bởi chất lượng tốt, qua những sản phẩm chính như: gạch ống, gạch thẻ, gạch tàu, ngói. Đặc biệt, gạch tàu dùng lót nền nhà, càng dùng lâu càng bóng mịn đẹp mắt. Những năm 1980, làng nghề có thêm sản phẩm gốm, phát triển đến hiện tại. Gốm Cổ Chiên nổi tiếng với sản phẩm thô, không men màu nhưng ánh lên sắc đỏ cam pha mốc trắng rất đặc trưng. 

Những viên gạch làm từ đất sét được mang phơi trước khi vào lò nung
Những viên gạch làm từ đất sét được mang phơi trước khi vào lò nung

Sắc đỏ bao phủ một vùng rộng lớn. Từ bến quê, chúng sẽ ngược xuôi theo những chuyến xe, tàu để rong ruổi đến tận Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, rồi đi Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, TPHCM hay đến những vùng xa xôi như Hàn Quốc, Mỹ… để trọn một vòng đời. Những hạt phù sa của đất mẹ Mê Kông khéo tạo nên thứ đất mềm, dẻo mịn màng, dưới bàn tay tài hoa của con người để làm đẹp cho đời.

“Nữ nhi quốc” không thiếu những nụ cười

Con đường dẫn vào làng ở kênh Thầy Cai (xã Mỹ An, huyện Mang Thít) gồ ghề, hai bên mọi người đang tất bật để mang gạch đi xa. Trừ tài xế xe tải, ba gác và một số phụ việc là nam giới, phần lớn lao động ở làng đều là phụ nữ.

Phần lớn lao động ở làng gạch gốm đều là phụ nữ
Phần lớn lao động ở làng gạch gốm đều là phụ nữ

“90% lao động tại đây là nữ. Làng gạch không khác nữ nhi quốc”, ông Sáu Hiếu, chủ một lò gạch ốp, cười bảo. Họ đảm nhận hầu hết công đoạn để có một viên gạch thành phẩm như: cắt gạch từ đất sét, phơi gạch, chuyển trấu, chụm lò, dỡ gạch… 

Nghề gạch, gốm khó ở chỗ cần sức nhưng cũng cần sự khéo tay. Bởi chỉ cần dùng sức quá mạnh, gạch sẽ bị méo mó khi ra khuôn hoặc bị vỡ khi dỡ khỏi lò. Nhìn những đôi tay mảnh khảnh nổi gân khi đẩy những xe chở đầy gạch, trấu mới thấy hết được sức mạnh phi thường của họ.

Họ phần lớn là người địa phương, bắt đầu vào nghề từ thuở còn son đến nay gần hoặc đã bước qua nửa con dốc của đời người. Chị Mum năm nay 46 tuổi, có thâm niên làm nghề đến tận 30 năm. Còn chị Dung năm nay cũng ngót nghét 25 năm, dù tuổi đời chỉ mới 43. Đó cũng là ngần ấy thời gian họ đi qua những buồn vui với nghề.

“Công việc quen tay quen chân nhưng tuổi tác ngày càng lớn nên những cơn đau nhức cũng nhiều hơn. Tiền công phải dành ra một khoản để thuốc men khi đau ốm. Nhưng ngày nào nghỉ vì bệnh lại nhớ mùi gạch ngói”, chị Mum chia sẻ. 

Mỗi ca chụm lò, các chị sẽ làm việc 12 tiếng đồng hồ
Mỗi ca chụm lò, các chị sẽ làm việc 12 tiếng liên tục

Với công việc chụm lò, mỗi ca 12 tiếng sẽ được trả 150.000 đồng. Thợ cắt, phơi gạch sẽ có giá khác nhau, 70.000 đồng/1.000 tấm gạch tàu, 35.000 đồng/1.000 viên gạch ống, gạch thẻ, còn gốm sẽ ăn công theo sản phẩm. Nếu thợ làm gạch có thể linh động thời gian để nghỉ thì thợ chụm lò lại phải túc trực liên tục bởi đây là công đoạn quan trọng quyết định chất lượng gạch thành phẩm. Người đảm đương phải có kinh nghiệm để điều chỉnh lửa cho hợp lý.

“Gần như tôi không có ngày nghỉ vì chẳng ai thế được vị trí này. Nhưng đành phải chịu vậy, vì đây là nghề mình trót mang rồi. Không làm thì lấy đâu ra tiền để đi chợ”, chị Được nói. Vòng xoáy cơm áo gạo tiền cũng khiến họ quên đi những nhọc nhằn. Cứ hết ca làm, con đường làng lại rộn rã tiếng cười nói theo từng vòng xe đạp quay.

Bên cạnh lực lượng lao động thâm niên, làng còn là nơi tạo cơ hội cho những phụ nữ lớn tuổi hoặc không đủ điều kiện vào làm tại các khu công nghiệp. Bà Trần Thị Cúc năm nay 60 tuổi, đã vào nghề khoảng ba năm rưỡi. Mỗi ngày, bà kiếm được hơn 100.000 đồng để trang trải chi phí sinh hoạt.

Miền Tây thay da đổi thịt từng ngày nhưng sự hiếu khách, chất phác của người miền Tây chưa bao giờ thay đổi. Họ sẵn sàng trao nụ cười cho người phương xa như một món quà quê bình dị. Trên mảnh sân rộng, người nữ trạc ngoài 40 với gương mặt khắc khổ đang đẩy xe chở đầy gạch thô nở nụ cười tươi rói khi nhận hàng loạt câu hỏi từ vị khách lạ. Hỏi ra mới biết chị bị câm điếc bẩm sinh nên không thể nghe hay trả lời. Giữa cái nắng trưa gắt gỏng, lòng người cũng chợt dịu đi bởi nụ cười thiện lương đó. Trên chính mảnh đất hiền hòa này, nghề gạch đã không bỏ lại ai sau lưng. 

Nỗi buồn mênh mang

Nghề gốm ở Cổ Chiên vẫn đang phát triển với phương thức sản xuất hiện đại. Thế nhưng, nghề gạch ngói truyền thống đang đứng trước nhiều thử thách lớn. Thời cực thịnh (những năm 80, 90 của thế kỷ trước), làng nghề có hơn 3.000 lò nung, nhiều gia đình ăn nên làm ra nhưng nay chỉ còn ngót nghét khoảng 1.500 lò, trong đó, một số cũng chuẩn bị ngưng hoạt động.

Công việc làm gạch gốm rất nặng nhọc nhưng đa phần lao động là phụ nữ
Công việc làm gạch gốm rất nặng nhọc nhưng đa phần lao động là phụ nữ

Bà Ba Vui từng có năm lò nung cỡ lớn nhưng đã tắt lửa 5 năm qua. “Căn nhà này tôi xây được cũng nhờ công việc làm gạch. Con cái học hành đến nơi đến chốn cũng nhờ gạch. Nhưng nay tôi đành ngậm ngùi nhìn lò bỏ không vì tuổi già, sức yếu, nhân lực trẻ lại không có”, bà nói.

Ông Sáu Hiếu hiện có bốn lò nung cỡ lớn, dùng sản xuất ba loại gạch truyền thống, nay chỉ còn hoạt động hai lò. Rít nhẹ điếu thuốc, ông nhẩm tính: “Gạch ống thì mất khoảng ba tuần đến một tháng, gạch tàu thì khoảng 3-4 tháng. Tiền trấu đã hơn trăm triệu một mẻ, chưa tính nguyên liệu, tiền công thợ nhưng tỷ lệ gạch đạt chỉ khoảng 70%. Như vậy, mỗi mẻ bán ra lời rất ít hoặc có thể lỗ. Nhà tôi có diện tích đất lớn nên có thể xây kho trấu, mua vào dự trữ lúc giá trấu rẻ. Với những hộ không có kho trữ, khi giá trấu lên cao, họ vẫn phải chấp nhận mua để gạch ra lò, thế là càng lỗ”. Vì thế, ông dự định trong thời gian tới sẽ đóng cửa hẳn hai lò còn lại.

Gần nhà ông Sáu Hiếu, có một khu lò rộng lớn đã bị bỏ hoang gần hai năm nay. Trong khi đó, dọc theo đường Tỉnh lộ 902, một cơ sở sản xuất có bảy lò cỡ trung nhưng nay chỉ còn một lò hoạt động, cạnh bên thì ba lò của một chủ khác đã ngưng hoạt động vài năm nay. Một cơ sở khác cũng nằm trên đường này, nhà chứa gạch đã đổ nát hoàn toàn, khu lò nung được tận dụng để nuôi gà. 

Chỉ tay về mảnh đất đối diện, chị Được cho biết hai năm trước nơi đó là một lò nung lớn, nay đã thành một vườn thanh long. Thiếu nhân lực trẻ, thua lỗ, một số nhà quyết định đóng cửa lò gạch bởi nếu chuyển đổi sang lò liên hoàn để giảm khói bụi gây ô nhiễm sẽ tốn chi phí khá cao nhưng sản lượng không nhiều. 

Làng gốm gắn liền với mỗi phận người nơi đây
Làng gạch gốm gắn liền với mỗi phận người nơi đây

Dòng Cổ Chiên vẫn cuồn cuộn chảy bao năm qua, chứng kiến thời hoàng kim rực rỡ của làng gạch ngói và những thăng trầm ở hiện tại. Thịnh suy là lẽ thường nhưng không có sự suy vong nào không kéo theo nỗi buồn. Một lò gạch đóng cửa là câu chuyện về rất nhiều cuộc đời khác, chứ không riêng chủ lò.

Ông Sáu Hiếu trầm ngâm: “Nhà tôi đến nay ngót nghét gần 50 năm làm gạch. Bỏ nghề đau lòng lắm chứ nhưng cũng đành… Sắp tới đóng cửa lò biết phải làm gì đây” - câu nói nhẹ nhàng mà nghe sao chua xót.

Gương mặt khắc khổ của người đàn ông ngoài 60 tuổi với đôi mắt buồn thăm thẳm được soi rọi bởi chút nắng còn lại của buổi chiều tà. Bên kia bờ kênh Thầy Cai, mặt trời đỏ rực - như màu gạch ngói cũng tắt lịm dần. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long cùng UBND huyện Măng Thít đang kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa để phát triển du lịch vào “vương quốc gạch gốm” Măng Thít, với tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng. 

Dự án nằm trên diện tích 3.000ha, với khoảng 1.500 lò gạch, tại bốn xã: Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh. Theo đánh giá ban đầu, khi khai thác du lịch, dự án có thể mang lại nguồn thu 1.500 tỷ đồng mỗi năm. Quy hoạch đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư cũng như đảm bảo kế sinh nhai của người dân địa phương.

Trên thế giới có rất nhiều mô hình bảo tồn và chuyển đổi các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hết nhiệm vụ lịch sử thành các khu bảo tàng, trung tâm đa chức năng phục vụ du lịch, văn hóa, giáo dục, kinh tế. Chẳng hạn, khu lò sản xuất gạch được người Trung Hoa xây dựng tại thành phố Staffordshire (Anh) những năm 1930 đã được phục hồi thành khu du lịch và trung tâm kỹ nghệ đồ gốm “Stoke-on-Trent”; khu công nghiệp chuyển đổi “798” và công viên sáng tạo văn hóa tại Bắc Kinh (Trung Quốc) trở thành tổ hợp nghệ thuật với phòng tranh, bảo tàng và giải trí nổi tiếng, thu hút 3 triệu khách/năm…

Thành Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI