“Lãng du văn hóa” cùng “Cảo thơm lần giở”

23/03/2020 - 19:27

PNO - Qua lăng kính của nhà văn hóa Hữu Ngọc, mỗi danh nhân được khắc họa một cách súc tích về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, học thuyết.

Ở tuổi 102, nhà văn hóa Hữu Ngọc vừa cho ra mắt bộ sách mới Cảo thơm lần giở (nhà xuất bản Kim Đồng), gồm hai quyển với dung lượng gần 1.000 trang. Có thể nói, việc ra mắt sách ở cái tuổi xưa nay hiếm này, quả là có một không hai.

Bộ sách chắt lọc những trải nghiệm, suy ngẫm của tác giả về cuộc đời và xã hội qua lăng kính của những trí tuệ uyên thâm trên thế giới. Cảo thơm lần giở giới thiệu cuộc đời và tư duy của hơn 180 danh nhân Đông Tây kim cổ, trải rộng trên nhiều lĩnh vực: tôn giáo, văn hóa, triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật, đạo đức học, xã hội học, sử học, tâm lý học, chính trị học… đại diện cho các nền văn hóa của nhân loại. Từ Đức Phật Thích Ca, Chúa Jésus, nhà tiên tri Muhammad đến Khổng Tử, Sokrates, Hegel, Darwin, Einstein; từ Shakespeare, Dante, Goethe, Dostoyevsky, Lỗ Tấn, Tagor đến Leonardo da Vinci, Picasso, Guitry… Trong tập sách này, nhà văn hóa Hữu Ngọc cũng trân trọng giới thiệu ba vị danh nhân Việt Nam được UNESCO công nhận là Nguyễn Trãi, Nguyễn Du và Hồ Chí Minh.

Qua lăng kính của nhà văn hóa Hữu Ngọc, mỗi danh nhân được khắc họa một cách súc tích về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, học thuyết. Sách được sắp xếp theo thứ tự ABC khiến nó có cấu trúc giống như từ điển. Tuy nhiên, theo nhà văn người Mỹ Lady Borton - một người bạn thân thiết của tác giả thì: “Thực ra đây không phải là một từ điển theo đúng quy tắc, vì nó không mang tính khách quan khoa học của một tác phẩm kinh điển. Có thể coi đó là một tập ký đậm màu sắc cá nhân”. Chính màu sắc cá nhân đó khiến những câu chuyện trong sách trở nên gần gũi, mang lại cảm xúc, ấn tượng cho người đọc, chứ không đơn thuần là một cuốn từ điển mang tính thông tin. 

Nhẩn nha đọc Cảo thơm lần giở cũng giống như thực hiện một chuyến “lãng du văn hóa” qua thời gian và không gian vậy. Nhà văn hóa Hữu Ngọc bộc bạch, cuộc hành hương tìm về quá khứ của bản thân đã đem lại cho ông chút bình thản để hồi tưởng những chuyện riêng tư và cả những sự kiện quốc gia và quốc tế đương thời. Từ đó suy ngẫm về ý nghĩa đời người và phận người. “Có phải ai cũng như danh họa Gauguin để có thể dùng một bức họa giải đáp mấy câu hỏi siêu hình muôn thuở: Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi về đâu?”. Cuộc hành hương của tác giả rẽ sang ngả khác: qua thư tịch, đi “gõ cửa” các danh nhân thế giới để tìm những giải đáp cho câu hỏi trên. Thành quả “tầm sư” ấy chính là cuốn sách này. 

Lê Văn

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI