Làng dệt chiếu Long Định: Nỗ lực giữ nghề như giữ nét tinh hoa

23/09/2024 - 06:52

PNO - Làng dệt chiếu Long Định được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận làng nghề năm 2003. Vào thời hưng thịnh, mỗi ngày làng giao cho thương lái 5.000-6.000 chiếc chiếu.

Làng dệt chiếu Long Định (xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) từng nổi tiếng một thời. Những chiếc chiếu có xuất xứ ở đây thường dày, đẹp và bền. Nhưng trước sự cạnh tranh của các loại chiếu trúc, tre, nhựa, nệm… những khung dệt chiếu truyền thống được thay thế dần bằng những máy dệt hiện đại. Cả làng nghề chỉ còn duy nhất khung dệt của bà Phạm Thị Kim Oanh.

Bà Oanh - (61 tuổi) sinh ra và lớn lên ở xã Long Định - thừa hưởng nghề dệt chiếu từ cha mẹ. Dù trải qua bao thăng trầm, nhưng bà Oanh vẫn giữ lại nghề truyền thống đã nuôi sống gia đình bà qua nhiều thế hệ, đồng thời phục vụ cho những ai còn yêu thích dòng sản phẩm chiếu bông nguyên thủy.

Bên khung dệt đặt trên nền nhà, bà Oanh vừa làm vừa trò chuyện với chúng tôi, vì đây là tâm huyết, là cuộc sống mưu sinh của ông bà tổ tiên để lại nên bà không muốn mất đi dù xét về kinh tế thì không thể cạnh tranh với những chiếc máy dệt hiện đại. Con cháu bà, dù đang đi học hay đã đi làm những công việc khác, đều biết nghề dệt chiếu bởi nghề này rất dễ học, chỉ một vài ngày là có thể làm được. Còn làm đẹp hay không lại tùy thuộc vào sự khéo léo và kinh nghiệm.

Bà Oanh chia sẻ thêm, lớn lên với nghề, chứng kiến bao thăng trầm nên bà rất lo làng nghề bị mai một. Hàng chục năm trước, chiếu còn xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… cuộc sống của người dệt chiếu cũng khấm khá. Nhưng do làm nhỏ lẻ, lại ít vốn nên năng suất giảm dần, nên mất đi thị trường xuất khẩu. Tuy vậy, gia đình bà vẫn quyết giữ lại “hồn cốt” của nghề cho thế hệ con cháu mai sau bằng cách mỗi ngày dệt 6-7 chiếc chiếu, vừa khỏe người lại vừa vui như một niềm tự hào với nghề và ông bà tổ tiên.

Bà Phạm Thị Kim Oanh cùng con trai bên khung dệt truyền thống
Bà Phạm Thị Kim Oanh cùng con trai bên khung dệt truyền thống

Chia tay bà Oanh, chúng tôi đến tham quan máy dệt chiếu của bà Trần Thị Dâng - 71 tuổi, ở cùng xã. Đây là người phụ nữ từng truyền nghề miễn phí cho hơn 1.000 người ở địa phương. Gia đình bà Dâng đã trải qua nhiều đời làm nghề dệt chiếu. Riêng bà, đã gắn bó với nghề hơn 50 năm. Và hiện nay, các con của bà cũng vừa dệt chiếu, vừa làm nghề khác.

Bà Dâng cho biết, trước đây cả làng dệt chiếu bằng tay, 2 lao động mỗi ngày cho ra 4-5 chiếc chiếu, nhưng nay đều đã thay bằng máy. Dệt máy giảm bớt nhân công, lại cho năng suất cao, chỉ khoảng 45 phút cho ra 1 chiếc với 1 lao động, chiếu đều đẹp, vì vậy làng dệt chiếu Long Định hầu như không còn ai làm thủ công nữa. Cả làng hiện có 77 máy dệt chiếu công nghiệp.

Để gìn giữ làng nghề, ngành chức năng xã Long Định kiến nghị các cấp quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà kho, sân phơi, đào tạo tập huấn chương trình ứng dụng đổi mới khoa học công nghệ cho các cơ sở, đồng thời hỗ trợ các hoạt động xúc tiến, quảng bá, xây dựng thương hiệu.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang, làng dệt chiếu Long Định được UBND tỉnh Tiền Giang công nhận làng nghề năm 2003. Vào thời hưng thịnh, mỗi ngày làng giao cho thương lái 5.000-6.000 chiếc chiếu, không chỉ bán cho khách hàng nội địa mà còn được xuất sang các nước như Nhật Bản và Hàn Quốc…

Nhưng trước sự cạnh tranh của thị trường, làng nghề dần bị mai một và chỉ còn khoảng 33 hộ theo nghề, với khoảng 100 lao động. Thêm nữa, nguồn nguyên liệu tại địa phương cũng không còn nhiều, người làm chiếu phải sang các tỉnh Vĩnh Long, Đồng Tháp, Long An… để mua nguyên liệu. Khó khăn là vậy, nhưng người dân vẫn bám nghề để gìn giữ nét tinh hoa.

Thanh Lâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI