Làng có ngày giỗ chung cho các liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng

25/07/2023 - 05:22

PNO - Trong ngày giỗ chung, nhiều bà con ngoài thôn cũng đến thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất và ôn lại những câu chuyện về vùng đất và những người con anh hùng.

Nhiều liệt sĩ là con dân thôn Đồng Di, xã Phú Hồ (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) có tới 2 ngày giỗ: ngày họ nằm xuống và ngày giỗ chung cho các liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng. Ngày giỗ chung do Hội Thân nhân liệt sĩ và bà con trong thôn tổ chức đúng vào ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 hằng năm.

Ông Lê Quang Pháp - 83 tuổi, Trưởng ban đại diện Hội Thân nhân liệt sĩ - khoe, ý chí đánh giặc của người dân thôn Đồng Di được gói gọn trong 2 câu thơ nổi tiếng: “Không đi Chính phủ tình nghi/ Đi thì sợ lính Đồng Di, Tây Hồ”. Toàn thôn Đồng Di hiện có 120 hộ dân thì có tới 20 mẹ Việt Nam anh hùng, 78 liệt sĩ. Liệt sĩ Dương Quang Đấu được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang và tên của ông được đặt cho một con đường ở trung tâm thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang.

Ông Lê Quang Pháp (phải) - Trưởng ban đại diện Hội Thân nhân liệt sĩ - cùng ông Đặng Quốc Sim thắp hương tại bia tưởng niệm
Ông Lê Quang Pháp (phải) - Trưởng ban đại diện Hội Thân nhân liệt sĩ - cùng ông Đặng Quốc Sim thắp hương tại bia tưởng niệm

27/7 - ngày giỗ chung, cũng là ngày anh em, bạn bè, con cháu Hội Thân nhân liệt sĩ gặp nhau, cùng nhau thắp nén hương lòng cho những người đã khuất và ăn bữa cơm đoàn kết. Bà con hiểu rõ người dân Đồng Di mất mát nhiều, đau thương lắm, nên họ rất quý trọng cuộc sống hòa bình hôm nay. 

Gần 20 năm tham gia công tác vận động, tổ chức ngày giỗ chung, ông Lê Quang Pháp luôn ý thức được công việc mà bà con giao phó. Đó không chỉ là trọng trách mà còn là niềm vinh dự, được tham gia các hoạt động “uống nước nhớ nguồn”. Ông kể, trước đây bà con chỉ làm lễ giỗ nhỏ lẻ trong mỗi gia đình. Từ năm 2003, khi thành lập Hội Thân nhân liệt sĩ thì mỗi gia đình thay phiên nhau đăng cai tổ chức lễ giỗ chung. Các anh chị em trong hội cùng nhau đóng góp nải chuối, con gà, buồng cau, ký nếp, mâm ngũ quả… cho ngày giỗ. Nhà nào khấm khá thì hỗ trợ tiền thuê rạp, bàn ghế.  

Đến năm 2011, số thành viên tham gia đã quá 40 thì những công việc hướng về người đã khuất được tiến hành thường xuyên và quy mô hơn. Bà con đã vận động dựng nhà bia đặt ngay bên cổng làng. Trên bia có khắc họ tên các liệt sĩ, các Mẹ Việt Nam anh hùng của thôn và một bài văn ghi ơn những người đã hy sinh.

“Lúc đầu kinh phí rất khó khăn, thân nhân các liệt sĩ đóng góp được khoảng 39 triệu đồng, dự tính chỉ làm một nhà bia đơn giản, về sau thấy việc làm quá ý nghĩa, huyện đã đồng ý cấp đất. 3 năm sau, bà con thân nhân các liệt sĩ của làng trên khắp cả nước đã đóng góp hơn 500 triệu đồng để xây dựng nhà bia khang trang như hiện nay. Cũng từ đó, ngày giỗ chung được tổ chức ở đây, trở thành ngày lễ lớn của dân làng” - ông Pháp kể. 

Là người con của thôn Đồng Di đang sống tại TP Huế, bà Dương Thị Tuyết nhiều năm nay đều về quê vào dịp 27/7 - giỗ chung, để được sống và gắn bó với quê hương. Trong ngày giỗ chung, nhiều bà con ngoài thôn cũng đến thắp hương tưởng nhớ những người đã khuất và ôn lại những câu chuyện về vùng đất và những người con anh hùng.

Để có được nơi tổ chức ngày giỗ chung ấm áp, bà con làng Đồng Di luôn biết ơn gia đình cụ Dương Quang Chinh (gia đình có 5 liệt sĩ) đã đi từ Bắc vào Nam suốt gần 3 năm để kết nối, vận động bà con hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình “để đời” cho nhiều thế hệ con cháu mai sau. Ngoài tiền đóng góp của các nhà hảo tâm, con cháu làng Đồng Di mỗi năm cũng đóng góp 300.000 đồng hội phí để duy trì hoạt động cũng như thăm viếng thân nhân những người trong hội lúc ốm đau, hoạn nạn.

Ông Đặng Quốc Sim - người dân thôn Đồng Di, thành viên Hội Thân nhân liệt sĩ - nói: “Với những người từng cầm súng bảo vệ tổ quốc không ai không có lần cận kề cái chết. Còn sống để trở về với gia đình là nhờ có đồng đội đã ngã xuống, giành lấy cái chết để cho mình được sống. Tuy nhiên, không phải ai cũng được cúng giỗ đàng hoàng. Vì thế, tôi mong thế hệ trẻ là cháu con của các liệt sĩ, hãy duy trì việc tổ chức ngày giỗ chung hằng năm như cha chú đã làm, để không một cha anh, liệt sĩ, chiến sĩ nào đã yên nghỉ trên mảnh đất hình chữ S mà không được nhang khói”. 

Thuận Hóa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI