Trong thời khắc chung, có niềm tự hào riêng
Trong “trăm nghề” của đất Hà Tây (cũ), có một nghề đặc biệt: may cờ Tổ quốc. Đặc biệt hơn, nghề may cờ của làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội) được khai sinh trong chính những ngày thu cách mạng. Mỗi năm mừng ngày Độc lập, người làng lại bồi hồi, bởi từ lâu họ đã xem ngày 2/9/1945 là ngày khai sinh “làng cờ đỏ” quê mình.
|
Cổng "làng cờ đỏ" Từ Vân |
Bà Lê Thị Tịnh ngồi thêu cùng bà Ngô Thị Thục, đôi tay các bà thoăn thoắt đưa nốt những đường kim, mũi chỉ để “ông sao vàng” trên nền đỏ được hoàn thiện.
Hai bà - một người 65 tuổi, một người 70 tuổi - ngồi thêu mà không cần kính. Hiện cả “làng cờ đỏ” Từ Vân đưa công nghệ vào in, may, thêu cờ Tổ quốc; riêng các bà - những tay thợ của gia đình anh Đặng Hồng Hưởng, chị Vương Thị Nhung - vẫn bền bỉ thêu tay. Các bà bảo, ai ưa tỉ mỉ, tính tình điềm đạm, bình tĩnh mới thêu tay được.
Bà Tịnh, bà Thục dựng khung thêu, ngôi sao vàng năm cánh đổ bóng, phần đậm, phần nhạt, nhìn xa như những ngôi sao bằng đồng treo ở những hội trường trang trọng. Các bà tự hào: “Đến bây giờ, chỉ có thêu tay mới đạt được kỹ thuật “đổ bóng” thế này”.
|
Bà Tịnh và bà Thục (bên trái) đã có hơn 50 năm thêu cờ Tổ quốc |
Rồi bà Tịnh, bà Thục thay nhau nhắc nhớ những câu chuyện lịch sử của làng mình: Từ Vân xưa vốn có nghề thêu. Từ thế kỷ XVI, các sản phẩm thêu, dệt của làng đã được nhắc đến nhiều.
Và như nhiều làng nghề khác, người Từ Vân cũng lên đất Kẻ Chợ (Hà Nội) mở cửa hàng tiêu thụ sản phẩm. Cách trung tâm Hà Nội khoảng ba mươi cây số, việc đưa các sản phẩm thêu từ quê lên phố Hàng Bông, Hàng Gai tiêu thụ cũng không quá vất vả.
|
Cờ đỏ sao vàng hiện diện ở khắp các ngõ nhỏ của làng Từ Vân |
Không chỉ bà Tịnh, bà Thục mà ở “làng cờ đỏ” này, ai cũng được nghe ông cha kể lại những ngày đầu thu cách mạng, người Từ Vân trên phố Hàng Bông, Hàng Gai thông báo về: Cả làng tập trung làm cờ phục vụ kháng chiến, giành chính quyền đến nơi rồi. Thế là những người thợ giỏi nhất làng (lứa ông, cha của bà Tịnh, bà Thục) được tập hợp vào tổ hợp tác mang tên “Cờ đỏ” để may cờ đỏ sao vàng phục vụ cách mạng.
|
Những lá cờ được chuẩn bị giao cho người đặt hàng |
“Nghe các cụ kể, bấy giờ đã có điện đóm gì, thêu ngày không đủ, mọi người tập trung tăng ca thêu đêm, căng mắt dưới ánh đèn dầu. Có khi dầu hết, các cụ còn phải thêu trong ánh chớp của quả pháo sáng cơ” - bà Tịnh rổn rảng kể.
Và ngày 19/8/1945 lịch sử, hàng vạn lá cờ đỏ sao vàng làm từ những đôi tay người Từ Vân đã phủ khắp các ngả đường từ ngoại ô tiến vào thành phố. Ít ngày sau, 2/9/1945, cờ đỏ sao vàng của làng Từ Vân đã tung bay cùng lời Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chủ tịch.
Trong những thời khắc chung của cả dân tộc ấy, còn có thời khắc riêng, cùng niềm tự hào khe khẽ của người “làng cờ đỏ”.
|
Các tay thợ trong xưởng làm cờ nhà anh Phục |
Lá cờ kỷ lục bay trên đất trời Lũng Cú
Bên nhà anh Nguyễn Văn Phục - chủ một cơ sở may cờ lớn nhất làng - là không khí tấp nập, nhộn nhịp. Anh gạt mồ hôi, cười: “Đợt này vừa cận ngày kỷ niệm Quốc khánh, vừa dịp khai trường nên rất nhiều đơn hàng, nhiều việc, mệt, nhưng vui”.
Anh Phục là đời thứ 3 theo nghề may cờ Tổ quốc. Ông nội anh khi còn sống, và bây giờ là mẹ anh (bà Đặng Thị Đàn) đều là những tay thợ nổi tiếng ở làng. Nên từ lúc sinh ra, anh đã quen với hình ảnh sao vàng, cờ đỏ. Từ lúc bảy, tám tuổi đã theo bố mẹ làm cờ.
|
Công đoạn in |
Sinh ra thời hậu chiến, không được chứng kiến những thời khắc lịch sử của dân tộc. Song, với những người “làng cờ đỏ” còn sống, anh Phục là người vinh dự nhất - bởi lá cờ rộng 54 mét vuông trên cột cờ Lũng Cú (Hà Giang) gần hai mươi năm trước, chính là anh may.
|
Công đoạn dập chống dính |
Anh Phục nhớ bấy giờ anh 22 tuổi, một đêm, bố anh họp gia đình, nói bên quân đội đến đặt một lá cờ 54 mét vuông để treo trên cột cờ Lũng Cú. Nhưng ông chưa dám nhận lời, vì lá cờ to quá, to bằng cả cái sân kho hợp tác xã chứ có đơn giản đâu. Giữa cơn phân vân của bố, anh Phục nói chắc nịch: “Con làm được”.
Thế là anh xin bố được nhận trách nhiệm may lá cờ kỷ lục.
|
Với công đoạn cắt, anh Phục đã đầu tư hai máy cắt laser để tăng năng suất, giải phóng sức lao động |
Không chỉ gia đình anh Phục, mà cả làng cùng hồi hộp, bởi lá cờ này khác hàng trăm triệu lá cờ người Từ Vân đã làm từ trước đến nay. Lá cờ ấy, còn có ý nghĩa nâng cao tinh thần đoàn kết của 54 dân tộc anh em cơ mà.
Thấy trọng trách, nên những tay thợ lành nghề bậc nhất đều xắn áo chung tay cùng anh thợ trẻ.
|
Mẹ anh Phục - bà Đàn - đang dập ghim cho những lá cờ |
Lá cờ hoàn thành trong hai tháng, nhưng anh Phục mất đến một tháng để tính toán tỉ lệ đối xứng, rồi đo đạc, kẻ, vẽ… Cái khó nữa là phải làm sao để cờ chịu được sức gió biên thùy. Các loại vải, thậm chí các loại chỉ may được đặt lên “bàn cân” để tìm ra loại tốt nhất. Sau một tháng cùng các tay thợ lão luyện tính toán cẩn thận, tỉ mỉ, anh Phục mới bắt đầu làm.
“Với ông sao vàng rất lớn như thế - lớn đến mức ngồi vào bàn may, không thể nào hình dung được trong tầm mắt - may sao cho đẹp, mà đường chỉ phải nuột, đúng là không đơn giản chút nào. Tôi mất mấy ngày thao tác… thử mới đủ can đảm để may chính thức”.
|
Huy hiệu Đội Thiếu niên Tiền phong vừa in, đang chờ khô |
Cuối cùng, “công trình” - lá cờ Tổ quốc lớn kỷ lục đã được hoàn thành. Ngày lá cờ phấp phới bay trên biên ải, anh Phục không được chứng kiến trực tiếp, nhưng khi hình ảnh cột cờ Lũng Cú và lá cờ kỷ lục được phát trên vô tuyến, cả anh và những người thợ Từ Vân, ai nấy đều rưng rưng.
Chợt anh xúc động: “Ngày tôi còn nhỏ, ông nội dặn đi dặn lại con cháu trong gia đình, rằng đây là một công việc thiêng liêng, nên ngoài tay nghề, còn phải đặt cả tâm hồn, cả trái tim mình trong đó nữa”.
75 năm phát triển “làng cờ đỏ”
Ai cũng bảo, nghề làm cờ này, tưởng đơn giản mà hóa ra lại khó. Từ khâu chọn vải, thêu, in, pha màu đến việc cắt ông sao, chọn chỉ may, thêu, làm logo, huy hiệu… trên mỗi lá cờ đều không được phép lệch, dù chỉ một li.
Hỏi chuyện, ai cũng rổn rảng khoe, vui nhất là những dịp Đội tuyển bóng đá Quốc gia đi tranh tài. Ai cũng tranh nhau nhắc lại hồi 2018, Đội tuyển U23 Việt Nam lọt vào vòng chung kết Giải bóng đá Châu Á: “Cả làng thức trắng đêm để làm cho đủ số cờ, số băng rôn mà các cửa hàng trên phố đã đặt”, “xem tivi, thấy rợp phố là cờ đỏ sao vàng, vui lắm, vì cờ đó đều của Từ Vân mà”…
|
Sự nối tiếp giữa hai thế hệ của "làng cờ đỏ" |
Nhà anh Hưởng, chị Nhung kiên trì thêu sao vàng trên nền cờ đỏ lại có niềm tự hào riêng hơn thế nữa. Cờ Tổ quốc, hay quân kỳ thêu - đều là do gia đình anh chị làm, nên thỉnh thoảng xem tivi, nhất là xem những buổi duyệt binh, thấy lá cờ Tổ quốc hay những lá quân kỳ thêu; anh chị nhận ra ngay đó là cờ nhà mình làm.
“Có một cái gì đó rất tự hào khi nhìn thấy những lá cờ đó - được đặt ở nơi trang trọng, hay trong những buổi lễ kỉ niệm đặc biệt” - chị Nhung chia sẻ.
|
Bà Tịnh - tay thêu "ông sao" lão luyện của làng |
Làm cờ Tổ quốc, song song giữ nghề thêu truyền thống của làng. Có những hôm, bốn - năm phụ nữ trong làng chờ những ông sao khô màu sơn, rồi xếp hàng, nhận chỉ, nhận cờ về nhà thêu. Bà Tịnh khoe, mỗi tuần bà thêu được 2-3 ông sao lớn.
|
Bà Thục - thợ thêu cờ Tổ quốc lớn tuổi nhất |
“Làng cờ đỏ” bây giờ, ngoài gia đình anh Hưởng, chị Nhung duy trì thêu tay; khoảng mười hộ làm cờ khác đều dùng máy móc hiện đại. Như xưởng nhà anh Phục, việc cắt vải bây giờ đã có máy cắt laser. Song để vận hành được cả xưởng này, cũng cần phải có mười mấy công nhân liên tục hoạt động. Nhà anh Phục làm cờ Tổ quốc, cờ Đội, cờ Đoàn, băng rôn khẩu hiệu các loại…
|
Bàn tay này bắt đầu thêu cờ Tổ quốc từ khi mới mười tuổi |
Riêng với cờ Tổ quốc, in sao vàng làm nhanh nhất, cờ may sao vàng lâu hơn ít nhất cả chục lần, còn cờ thêu - nhanh cũng phải mất mấy ngày mới xong được ông sao vàng trên lá cờ kích cỡ phổ biến. Cũng như những làng nghề khác, thanh niên Từ Vân đa phần chọn học hành, hoặc làm công nhân trong các khu công nghiệp. Nhưng những người trẻ theo nghề làm cờ cũng không ít. Ở xưởng nhà anh Phục, 70% là thanh niên.
Bà Đàn - mẹ anh Phục - quả quyết: “Từ Vân nhà tôi chẳng bao giờ mất nghề được đâu, “làng cờ đỏ” sẽ sống mãi cùng Tổ quốc”.
Bà Tịnh cũng nói chắc nịch: “Bây giờ bọn trẻ đi làm công nhân. Nhưng hết tuổi công nhân là lại về nhà theo nghề làm cờ thôi”.
Ngọc Minh Tâm