Làng ‘chết không có người khiêng’

22/06/2015 - 09:24

PNO - PN - Bỏ làng, bỏ ruộng, người dân thôn Vĩnh Đức, xã Ân Tín, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định dắt díu nhau vào Nam mưu sinh. Những con đường vắng bóng người, những ngôi nhà cửa đóng then cài…

edf40wrjww2tblPage:Content

Lang ‘chet khong co nguoi khieng’

Căn nhà khang trang của gia đình ông Phạm Văn Minh (xóm 5, thôn Vĩnh Đức) cửa đóng, then cài vì cả hai vợ chồng đều vào Nam mưu sinh.

Bố mẹ vào Nam bán vé số biền biệt, thằng cháu học lớp 9 ở nhà với bà nhưng chẳng mấy khi thấy mặt, bà Nguyễn Thị Mười (79 tuổi, đội 4, thôn Vĩnh Đức), than thở: “Quê nghèo, chúng nó dắt nhau vào thành phố làm ăn hết. Nhà to cửa rộng đó mà sao thân già này thấy quạnh vắng quá, lỡ bề đau yếu, không biết chúng nó có về kịp hay không”.

Có 4 đứa con từng vào Nam làm ăn, bà Phạm Thị Nguyệt (65 tuổi, đội 2, thôn Vĩnh Đức), kể: Mấy năm trước, vợ chồng mấy đứa con trai đều vào trong Nam kiếm sống, đứa làm công nhân, đứa bán vé số dạo. Hai năm nay, con trai lớn (Nguyễn Hữu Luân) về nhà làm rẫy, chỉ còn vợ (Nguyễn Thị Sanh) ở lại bán vé số. Vợ chồng thằng út (Nguyễn Hữu Vinh) làm công nhân nên bám trụ ở đất Sài Gòn.

“Lúc nó đi hết, tôi ở nhà chăm 5 đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Hai năm nay, tôi bị bệnh, không trông cháu được nữa, thằng Luân mới về nhà, vừa chăm 3 đứa con gái, vừa đi làm rẫy. Vì khổ nên chúng nó mới dắt nhau đi, đi hoài cũng chán nên nó về. Mấy năm trước, chỉ ngày giỗ, lễ tết họa may mấy đứa mới về thăm nhà” - bà Nguyệt lắc đầu.

Lang ‘chet khong co nguoi khieng’

Một năm bố và mẹ chỉ về thăm con một lần, hai anh em Lê Văn Dàng (7 tuổi) lớn lên trong sự chăm sóc của ông bà nội.

Con trai ông Lê Văn Chở (đội 1, thôn Vĩnh Đức) là Lê Văn Thiệt cũng vào Nam kiếm sống. Sinh con trai đầu lòng Lê Văn Thà (13 tuổi) mới 3 tháng, vợ chồng Thiệt đã dắt nhau đi.

“Ở nhà, công ăn việc làm không có, ruộng nương không đủ sống, vợ chồng nó vào Nam từ lúc thằng Thà 3 tháng tuổi, ròng rã 13 năm rồi đó. Ở Sài Gòn làm lụng, một năm về nhà một lần thăm con. Sinh đứa thứ 2, tụi nó cũng đưa về đây, giờ thằng út Lê Văn Dàng lên lớp 1 rồi. Bố mẹ đi làm ăn xa suốt, thằng Thà đau bệnh, ban đầu cũng nhẹ, sau rồi bị động kinh phải nghỉ học luôn. Thấy con bệnh tật, mẹ tụi nhỏ bỏ đi 2 năm nay rồi. Ba tụi nhỏ đang ở trong Sài Gòn bán vé số, thi thoảng gởi về ít đồng cho con. Hai vợ chồng già chăm mấy sào ruộng mà nuôi 2 đứa cháu”, ông Chở nói.

Lang ‘chet khong co nguoi khieng’

Bố mẹ đi vắng, các em nhỏ tự vui chơi với nhau cho đỡ nhớ người thân.

Ông Võ Văn Đoàn (40 tuổi, thôn Vĩnh Đức), một người có thâm niên bán vé số ở phố hơn 7 năm nay, bộc bạch: “Cực chẳng đã, dân quê tụi tôi mới vào phố bán vé số kiếm tiền. So với làm công ruộng ở quê, bán vé số xa nhà, khổ nhưng kiếm tiền được hơn”.

Theo ông Đoàn, ngày công ở quê cật lực mới kiếm được 100.000 đồng. Trong khi đó, thu nhập từ bán vé số dạo ở phố gấp đôi, gấp ba. Nhờ bán vé số mà dân quê nơi đây xây nhà, mua xe, có tiền lo cho con ăn học. Như ông, nhờ bán vé số mấy năm mà nuôi được 2 đứa con đi học đại học ở Sài Gòn.

Ông Huỳnh Hữu Trường - Phó bí thư chi bộ thôn Vĩnh Đức, cho hay, mỗi nhà ít nhất có 2 người đi Nam kiếm sống, nhiều thì đến 4, 5 người. Lớp trẻ đi nhiều, vợ chồng dắt nhau đi, con cái gởi ông bà ở quê chăm sóc. Cả thôn có gần 600 hộ thì có 100 hộ đi miền Nam làm ăn.

“Riêng xóm tôi (xóm 5,thôn Vĩnh Đức) có 5 cặp vợ chồng đi vào Nam bán vé số, nhà đóng, con cái dắt theo vào Nam, có người gởi ông bà chăm sóc. Như nhà anh Trương Quang Đức vào Nam mấy năm nay rồi, 2 đứa con nhỏ gởi nhà ông bà ngoại ở trên xóm 1”.

Lang ‘chet khong co nguoi khieng’

Bà Nguyệt và bà Chính kể câu chuyện mưu sinh ở trời Nam của các con.

Theo ông Trường, so với làm ruộng, đi bán vé số có thu nhập cao hơn nên bà con rủ nhau đi. Hai vợ chồng bán vé số, mỗi tháng thu trên 12 triệu đồng, tháng Tết còn gấp đôi. Nhờ vậy, họ về xây nhà, gởi tiền mua sữa cho con, nuôi con ăn học. Khoảng từ năm 2009 đến nay, nhiều nhà bố mẹ đi làm thuê nhưng nuôi được con ăn học tới nơi, tới chốn.

Cái được có, cái mất cũng nhiều. Ông Trường cho biết, tuy nhà cao cửa rộng nhiều, nhưng xóm vắng vẻ, hiu hắt lắm. Tết mới thấy người đông vui, còn ngày thường, khắp làng toàn trẻ con với người già. Làm ăn xa, cuộc sống người dân cải thiện, không còn cảnh những đứa trẻ đói ăn, thiếu mặc, nhưng lại thiếu vắng tình cha, tình mẹ từ rất nhỏ. Đứa may mắn thì được ông bà trong coi chu đáo, lắm đứa anh chị em phải tự chăm nhau.

“Nói đùa mà thật, ở xóm bây giờ chết chẳng có người khiêng”, ông Trường tặc lưỡi.

Có lẽ hiện nay, tình trạng vắng bóng người khỏe mạnh không là chuyện cá biệt ở thôn Vĩnh Đức.

THU DỊU

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI