Làng biệt thự... rỗng

10/03/2016 - 09:13

PNO - Sau một đêm thức giấc, nhiều người dân ở xã Sơn Liên, H.Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi ngỡ ngàng nhận ra mình đang có tiền tỷ trong tay.

Lang biet thu... rong
“Làng biệt thự” chênh vênh trên núi, như một khu du lịch sinh thái xây giữa rừng

Thế là đua nhau xây nhà to đùng như biệt thự, mua sắm, ăn nhậu ngút trời… Chỉ sau vài năm ngắn ngủi, đống tiền bốc hơi sạch, những ngôi nhà đó hóa “rỗng ruột”, chủ nhân của chúng chỉ còn thấy trước mặt là cái đói giày vò…

Xây nhà cho... oai

“Đi rẫy sớm thế à ?”. “Ừ, sợ mưa”. “Hôm nay làm chi?”. “Đào củ mì”. “Ăn sáng chưa?”. “Rồi”. “Ăn chi?”. “Củ mì”. “Nhà còn gạo không?” “Hết rồi”. “Tiền còn không?”. Cuộc đối thoại nhát gừng của tôi và người phụ nữ mang gùi, rựa chuẩn bị rời khỏi căn nhà đúc bê tông bề thế kiểu biệt thự, đến đây thì bị ngưng ngang vì gương mặt chị chợt ỉu xìu nhanh chóng. “Chị tên gì?”. “Đinh Thị Hiểu”. “Nhà còn tiền không?”. “Hết từ lâu rồi”. “Xây nhà to sao không ở mà ở nhà sàn?”. “Quen”. “Mở cửa cho mình vô nhà đi”. Chị Hiểu đẩy cửa. Ngột ngạt. Trống hoác.

“Nhận đền bù bao nhiêu mà trong nhà không có gì thế này?”. “800 triệu. Làm nhà hết 500 triệu, mua cái xe 40 triệu”. “Tiền còn lại làm chi?”. “Ăn hết rồi còn chi mà hỏi”. “Xuống đây sống sướng hơn sống trên làng cũ không?”. “Không. Hồi ở trên rừng có vàng đeo, xuống đây không có”. “Vàng ở đâu?”. “Chồng bẫy heo rừng, mang, nai bán mua vàng cho em đeo”. “Vàng còn không?”. Chị cười to: “Bán ăn rồi”. Tôi quay sang người phụ nữ đi cùng chị Hiểu. Chị nghiêng mặt, che miệng cười, cách của những phụ nữ miền núi hay mắc cỡ trước khách lạ. “Nhà em cũng chừng đó tiền, hết lâu rồi. Đói lắm, lúa rẫy chỉ còn hai bao, ăn đến tháng 11 mới có lúa lại, giờ ăn mì và đi làm thuê đổi gạo cho người ta”, chị nói.

Rồi họ đi. Những cái gùi rỗng như nhảy múa trên lưng. Ba năm trước, 38 hộ ở Xóm Nghèo của xã Sơn Liên này nhận đền bù từ thủy điện Đắc Đrinh và được chuyển đi định cư cách chỗ cũ khoảng 2km. Từ thuở cha ông đến giờ, có bao giờ họ biết đến tiền triệu, nói gì ngủ một đêm mở mắt ra là có tiền tỷ. Choáng váng. Thế là mua nhà, sắm xe, ăn nhậu. Không ai thèm đi làm nữa. Gùi, rựa ném vào xó.

Xóm Nghèo là cái tên do dân làm trầm ở Phú Khánh đặt. Những năm 80 của thế kỷ trước, họ cắt rừng vào đây, xin gạo, mượn xoong nấu cơm nhưng không có thứ gì. Chán, họ gọi luôn là Xóm Nghèo. Năm 2014, Xóm Nghèo vụt một cái hóa thành “làng biệt thự”, vì nhà cửa xây như biệt thự, san sát nhau. Đầu làng đến cuối xóm chẳng ai thèm uống rượu như ngày trước mà giờ phải là bia, xe phóng ào ào.

Lang biet thu... rong
Nhà to, nhưng không ở

Tôi rảo quanh xóm, thấy có ba điểm bán card điện thoại của người kinh. Hỏi một thanh niên bán card, anh than sắp dẹp tiệm rồi. Mấy năm trước dân ào ào mua điện thoại, giờ thì đến thẻ cào cũng chẳng ai mua vì hết tiền. “Gì mà không hết - ông Đinh Văn Huyết, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã ngao ngán nói - Cứ uống rượu, ăn chơi không chịu làm, chồng say vợ cũng say, tiền bao nhiêu mà không hết. Giờ nhiều đứa khổ lắm”.

Mấy chục căn nhà cửa đóng kín, phân súc vật vương vãi khắp nơi. Người dân sống theo tập tục, ở nhà sàn chứ không ở nhà xây, chỉ xây nhà cho… oai vì có tiền. Xây nhà to để thấy họ… đổi đời, để lên ti vi, báo đài cho… mát mắt. Đời đổi đi, đổi lại sao mà nhanh. Ba năm, hết tiền, họ tìm lại những cái gùi đã mục, những cái rựa đã hoen gỉ để lên rừng đào mì, phát rẫy, kiếm cái ăn qua ngày.

Trả lời tôi mà mắt chị Hiểu cứ nhìn xuống đất, giọng thì như… trách ai đã nghĩ ra cái gọi là tiền: “Thà không có tiền, chồng đã không say rồi bị bịnh. Giờ hết tiền, hết gạo, mình em lo cả nhà, bữa đói bữa no”. Gương mặt người phụ nữ tuổi 30 này sạm đen vì nắng và thiếu ăn, như đang chập chờn trong hơi lạnh từ mặt hồ thủy điện Đắc Đrinh và cây rừng. Tiền đã biến họ - những người vốn sống với nước suối, rau rừng, lúa rẫy, nhà sàn, thành con người khác, nhưng chỉ trong thoáng chốc ngắn ngủi, lại trả họ về với “bản lai diện mục”. Tuy nhiên, cơn lốc tiền đó đã mãi làm họ chấn thương, làm nhiều người trong số họ sa vào vũng lầy của đói, đau nhưng không biết bứt ra mà lấy… rượu làm giải pháp quên đời.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI