|
Theo những người già ở làng này kể lại, bánh in đã có từ đời các chúa, vua Nguyễn, cách đây mấy trăm năm. Lúc ấy gần tết Nguyên đán, bên chén trà chúa bỗng thấy thiếu thiếu thứ gì, sẵn các bô lão làng Kim Long đang đứng gần, chúa bèn sai: “Vùng các ngươi vốn sẵn khéo tay, nay ta sai về làm thứ gì đó vừa rẻ lại vừa ngon để ta uống với trà”. |
Để làm được bánh tiến vua người làm phải qua các công đoạn đãi đậu rất kỳ công, thông thường những người phụ nữ có thâm niên làm bánh lâu năm ở làng này mới được làm ở khâu này. Đậu xanh, phải chọn kỹ từng hạt mẩy, tròn, da đẹp, đều nhau. Đãi vỏ đậu không được mạnh tay và phải vút từng chút một để đậu không dầm, không nát.
Đặc biệt những người đàn ông ở làng bánh đảm nhiệm khâu ninh đậu, công đoạn này phải ninh bằng lửa nhỏ trong suốt 12 giờ, rồi liên tục quấy đều tay để bột không bị dính hay không bị lỏng, có thế bánh mới dẻo, ngon.
Riêng phần làm bột bánh ở làng bánh Kim Long vẫn còn giữ lại cách làm gia truyền, hoàn toàn khác những vùng miền khác. Bột nếp, gạo sau khi làm sạch được đưa vào giã thủ công, nếp phải là loại nếp được mua từ vùng ruộng Cừa.
|
Trên mặt bánh còn khắc chữ “Thọ” với ý nghĩa cầu chúc cho nhà vua luôn trường thọ, sống lâu trăm tuổi. Hiện ở làng vẫn còn hơn 20 cơ sở sản xuất bánh tiến vua ở Kim Long hoạt động nhằm cung ứng cho các chợ Đông Ba, Bến Ngự, An Cựu và TP.HCM hoặc chuyển ra Bắc tiêu thụ. |
|
Cho đến nay, nghề làm bánh tiến vua tại làng Kim Long đã trải qua mấy trăm năm. Hiện có thêm nhiều thứ bánh khác có tên, hình dáng khác nhau nhưng vẫn giữ hương vị chủ đạo là đậu xanh và đường như: bánh hột sen, bánh tháp, bánh ngũ sắc...
|
|
Gian thờ tổ tiên ngày tết, nhờ có bánh tiến vua trở nên bớt thâm nghiêm và gợi lên cảm giác ấm cúng thân thuộc. Mà nói như người Huế là: “Không có bánh tiến vua ngày tết ngó vô vị quá!”. |
Thuận Hóa