2025 là năm kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của dân tộc. Từ đầu năm đến nay, nhiều hoạt động liên quan văn hóa, nghệ thuật truyền thống được tổ chức với quy mô lớn, trong đó có nhiều sự kiện do thành phố, các cơ quan nhà nước tổ chức hoặc phối hợp với nhóm bạn trẻ thực hiện nhằm lan tỏa mạnh hơn các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc.
 |
Người trẻ ngày càng yêu thích mặc áo dài - Nguồn ảnh: Ban tổ chức Tóc xanh vạt áo |
Tại TPHCM, trong tháng Ba và đầu tháng Tư, 2 hoạt động liên tiếp của ngày hội Việt phục Tóc xanh vạt áo lần 5 gây ấn tượng mạnh. Ở hoạt động đầu tiên, vào tối 22/3, chương trình đã quy tụ hơn 1.000 bạn trẻ cùng nhiều người nổi tiếng mặc Việt phục và trình diễn flashmob trên nền ca khúc Một vòng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm tổ chức, ngày hội Việt phục Tóc xanh vạt áo được thực hiện song song ở 2 địa điểm gồm Nhà văn hóa Thanh niên và Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM (ĐH KHXH&NV).
Đến ngày 7/4, chương trình tiếp tục hoạt động thứ hai bằng việc nhiều người trẻ diện áo dài, di chuyển bằng metro đến khu du lịch văn hóa Suối Tiên để tham gia các hoạt động tìm hiểu cổ phục, giao lưu.
Chia sẻ với báo chí, đại diện Tóc xanh vạt áo cho biết khác với mọi năm, ngày hội Việt phục 2025 được sự chỉ đạo của UBND TPHCM, dưới quy mô tổ chức của Thành đoàn TPHCM, với sự tham gia của Đoàn trường ĐH KHXH&NV và ban tổ chức (BTC) Tóc xanh vạt áo. Năm 2021, chương trình bắt đầu từ ý tưởng muốn đưa áo dài vào môi trường học đường. Theo thời gian, BTC kết hợp thêm các hoạt động văn hóa, mang đến nhiều trải nghiệm, thông tin cho người tham gia. Đến nay, Tóc xanh vạt áo đã dần phát triển, khẳng định vị thế của một ngày hội văn hóa truyền thống với quy mô lớn nhất tại miền Nam.
Nếu Tóc xanh vạt áo đã thành hoạt động thường niên thu hút người trẻ thì ở các chương trình khác, sự ủng hộ của người trẻ với văn hóa truyền thống rất dễ thấy. Còn nhớ vào tháng Ba, khi chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai khuyến khích khán giả mặc áo dài đến sự kiện để xác lập kỷ lục, lời kêu gọi được hưởng ứng nồng nhiệt. Hàng ngàn người trẻ từ nhiều tỉnh, thành diện áo dài đến tham dự. Nhà sản xuất đã thành công trong việc xác lập kỷ lục là sự kiện có số lượng người tham gia mặc trang phục truyền thống Việt Nam đông nhất. Nhìn ở hướng tích cực, sự kiện còn là cơ hội để người trẻ thể hiện tình yêu trang phục truyền thống của dân tộc, cho thấy sự ủng hộ của họ với các chương trình tôn vinh văn hóa, lòng tự hào dân tộc.
 |
Một bạn trẻ chụp ảnh ở Bảo tàng Áo dài - Ảnh do Bảo tàng Áo dài cung cấp |
Nhiều năm qua, các hội nhóm chia sẻ kiến thức về Việt phục nhận được sự chú ý lớn trên mạng xã hội, thu hút hàng trăm ngàn bạn trẻ theo dõi. Các nhóm đưa ra nhiều thông tin hữu ích hoặc đảm nhận vai trò cố vấn cho một số dự án nghệ thuật có lượt người theo dõi cao hơn. Đây được xem là diễn đàn mở, nơi người trẻ có nhu cầu tìm hiểu văn hóa cổ phục Việt tìm đến để giao lưu, chia sẻ.
Ngay khi vừa ra mắt, bộ phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối đã nhận được sự ủng hộ lớn từ khán giả. Nhiều người xem trẻ lan tỏa trên mạng xã hội bằng cách chia sẻ cảm nhận và kêu gọi mọi người ra rạp ủng hộ ê kíp. Khán giả Lê Nhật Minh (quận 7, TPHCM) bày tỏ: “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối là bộ phim nhiều cảm xúc, gợi cho người xem lòng biết ơn thế hệ đi trước. Nhóm bạn thân của tôi có kế hoạch vào cuối tuần sẽ cùng nhau tham quan khu di tích địa đạo Củ Chi để trải nghiệm lại một phần không khí trên phim. Ngoài ra, trong tháng Tư này, nhóm có kế hoạch đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cùng một số địa điểm khác như Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Lịch sử… Nhiều bạn trẻ như chúng tôi có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, lịch sử của dân tộc. Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối như một cái cớ thôi thúc chúng tôi tìm về với nguồn cội của người trẻ. Sau những chuyến đi đó, chúng tôi thường thực hiện clip, video ngắn để tiếp tục chia sẻ, lan tỏa tới nhiều người khác”.
Trên mạng xã hội, các bạn trẻ đang chia sẻ với nhau thông tin về các điểm tham quan tại TPHCM cho dịp 30/4, giới thiệu không gian Bảo tàng Chứng tích chiến tranh - nơi lưu giữ nhiều kỷ vật từ các trận chiến, đưa trở lại nhiều trích đoạn chia sẻ của các cựu chiến binh trong một số chương trình đã ra mắt… Để tăng cảm xúc người xem, các bạn trẻ sử dụng nhiều đoạn nhạc trong bài Khát vọng tuổi trẻ, Mẹ yêu con, Việt Nam tôi… giúp các bài nhạc càng trở nên thịnh hành trên mạng xã hội.
"Các bạn trẻ thực sự yêu văn hóa truyền thống” Nhân câu chuyện về tình yêu văn hóa truyền thống của người trẻ và cách để khơi gợi tình yêu đó, Báo Phụ nữ TPHCM có cuộc trao đổi ngắn với bà Huỳnh Ngọc Vân - Giám đốc Bảo tàng Áo dài. Phóng viên: Những năm qua, ngày càng nhiều người trẻ diện áo dài trong các hoạt động. Có phải người trẻ bây giờ quan tâm hơn đến văn hóa truyền thống? Bà Huỳnh Ngọc Vân: Tôi thấy các bạn trẻ ngày càng quan tâm hơn đến áo dài, theo đúng hướng chúng ta mong muốn. Có nghĩa các bạn quan tâm cổ phục, áo dài truyền thống, những phụ kiện, câu chuyện đi cùng áo dài. Tôi biết có nhiều bạn trẻ nghiên cứu rất kỹ về việc mình diện tà áo dài đó thì phải làm tóc ra sao, đi những đôi dép như thế nào cho thật giống với ông bà ta ngày xưa. Đó là hướng quan tâm mà tôi rất mừng.  | Hơn 1.000 bạn trẻ đồng diễn trong sự kiện Tóc xanh Vạt áo lần 5. Ảnh: Ban tổ chức Tóc xanh vạt áo |
* Nhiều người cho rằng sự quan tâm của giới trẻ với áo dài hay văn hóa truyền thống là trào lưu nhất thời, sẽ sớm hạ nhiệt. Theo bà, ý kiến ấy có đúng? - Người trẻ đang tìm về nguồn cội theo những mục đích rất tích cực. Điều đó cho thấy đây không phải là trào lưu nhất thời, xuất hiện rồi qua “trend” như thời trang mà đã có những chuyển biến rất lớn về nhận thức trong lớp trẻ về văn hóa, các giá trị truyền thống của dân tộc. Từ nhận thức, các bạn trẻ chọn mặc áo dài, phục dựng những hoạt động cổ xưa, bảo tồn các giá trị truyền thống theo hướng bền vững như hoạt động của Tóc xanh vạt áo, Bách hoa bộ hành vừa qua. Đến Bảo tàng Áo dài dịp lễ, tết, mọi người sẽ thấy nhiều bạn trẻ chọn mặc áo dài để tham quan, chụp ảnh. Nhiều đôi trẻ cũng chọn mặc cổ phục chụp hình cưới rất dễ thương. * Để tạo điều kiện và khơi gợi thêm tình yêu văn hóa truyền thống nơi người trẻ, theo bà nên làm gì? - Tôi biết thành phố, các cơ quan chức năng đã có nhiều hoạt động liên quan giúp lan tỏa văn hóa truyền thống đến mọi tầng lớp. Từ các hoạt động khơi gợi tình yêu văn hóa, nghệ thuật đến các tọa đàm, hội thảo để bàn luận các giải pháp căn cơ hơn đều được tổ chức. Tôi cũng biết nhiều chuyên gia văn hóa, các nhà nghiên cứu đã dành thời gian để thực hiện những công trình, tác phẩm nhằm hệ thống lại các giá trị văn hóa và gửi gắm chúng đến với bạn đọc. Đơn cử như tiến sĩ Trần Đoàn Lâm kết hợp với nhóm Đình làng Việt ra mắt cuốn sách về áo dài ngũ thân. Tôi nhận thấy các cá nhân, đơn vị đang dành nhiều sự quan tâm cho việc gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc. * Bảo tàng Áo dài đồng hành như thế nào trong việc lan tỏa tình yêu văn hóa đến công chúng trẻ? - Hầu hết các hoạt động của Bảo tàng Áo dài đều hướng đến công chúng trẻ. Từ khu vực, không gian trưng bày đều thuận tiện để các bạn trẻ tìm hiểu, tham quan. Ngoài các hoạt động trưng bày cố định, chúng tôi còn tổ chức các cuộc triển lãm ngắn ngày như 8/3 có triển lãm Những bông hoa thầm lặng tỏa hương - trưng bày áo dài của những nữ trí thức hàng đầu tại Việt Nam; lễ Giỗ tổ Hùng Vương và dịp 30/4, chúng tôi giới thiệu cuộc trưng bày Son sắt với những chiếc áo dài đỏ từ những cá nhân làm việc trong nhiều đơn vị khác nhau cùng yêu màu đỏ và cùng cống hiến rất nhiều cho đất nước. Hiện tại, Bảo tàng Áo dài có nhiều không gian để người trẻ chụp ảnh, chẳng hạn con đường với hàng cờ được treo trên cao hay ngọn đồi chong chóng đỏ vừa được trang trí. Vào dịp 30/4, khi đến đây, các bạn sẽ được phát chong chóng đỏ để cùng cắm lên ngọn đồi đó như một cách lưu dấu kỷ niệm cùng bảo tàng. * Cảm ơn bà đã chia sẻ. Diễm Mi (thực hiện) |
Diễm Mi