Lan tỏa tình yêu nước từ... tranh cát

05/06/2014 - 15:57

PNO - PN - Hòa vào khí thế hướng về Biển Đông của cả nước, các họa sĩ (HS) tranh cát đã có cách thể hiện riêng của mình. Chỉ trong khoảng hai tuần, hàng chục bức tranh cát của các họa sĩ Lê Phong Giao, Trí Đức, Nguyễn Thế Nhân giới...

edf40wrjww2tblPage:Content

Là biên tập viên mảng truyện tranh thiếu nhi của Nhà xuất bản Trẻ, đồng thời là một HS tranh cát quen thuộc, HS Lê Phong Giao đang là người dẫn đầu về số lượng các clip tranh cát về đề tài biển đảo. Tác phẩm Hướng về biển Đông trên nền nhạc Hội nghị Diên Hồng (nhạc Lưu Hữu Phước) của anh đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của cư dân mạng ngay sau khi được giới thiệu. Từ bức tranh đó, Đài truyền hình VTC đã đặt hàng Lê Phong Giao thực hiện những bức tranh cát tiếp theo để phát sóng. Mẹ kể con nghe, Tổ quốc nhìn từ biển, Bâng khuâng Trường Sa, Trường Sa ca, Gần lắm Trường Sa, Nơi đảo xa lần lượt được anh hoàn thành chỉ trong vòng chưa đầy hai tuần.

Lan toa tinh yeu nuoc tu... tranh cat

Tổ quốc gọi tên mình (HS Trí Đức)

Dù ra đời trong khoảng thời gian ngắn và cùng đề tài, nhưng những bức tranh cát của HS Lê Phong Giao có góc nhìn, cách thể hiện, thông điệp không hề bị trùng lặp. Nếu Hướng về biển Đông như câu chuyện kể về cuộc đấu tranh chống giặc phương Bắc theo suốt chiều dài lịch sử, từ hội nghị Diên Hồng đến trận Bạch Đằng, cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979 và giờ đây là vụ việc giàn khoan trái phép Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) trên lãnh hải Việt Nam với thông điệp dứt khoát, mạnh mẽ: “Cút ngay giặc cướp!”; thì Bâng khuâng Trường Sa, Trường Sa ca là những hình ảnh, cảm xúc của những người lính biển đảo đang trực tiếp đối mặt với kẻ thù. Gần lắm Trường Sa lại mượt mà với tình yêu của người hậu phương dành cho người lính đảo. Mẹ kể con nghe - là bức tranh cát hình thành trên nền bài thơ của tác giả Dương Phạm êm đềm như lời mẹ ru, kể cho con nghe về tình yêu biển đảo quê hương.

Lan toa tinh yeu nuoc tu... tranh cat

Hướng về biển Đông (HS Lê Phong Giao)

HS Lê Phong Giao cho biết: “Là người Việt Nam chắc chắn ai cũng bức xúc trước hành động của kẻ xâm lăng, nhưng mỗi người có một cách riêng để thể hiện. Với tôi, đó là tranh cát. Từ tâm trạng của bản thân trước sự ngang ngược của chính quyền Trung Quốc, tôi chắt lọc thêm tư liệu hình ảnh, cảm xúc từ những bản tin thời sự hàng ngày trên truyền hình, báo chí... để đưa vào tranh cát”. Chỉ có thời lượng hai - ba phút/clip, nhưng chỉ riêng thời gian ghi hình cho mỗi tác phẩm đã “ngốn” của HS Lê Phong Giao khoảng hai - ba tiếng, chưa kể thời gian anh đầu tư tìm hình ảnh, mạch thể hiện chủ đề và phác thảo “nháp” trên giấy... Không chỉ được VTC1 phát sóng liên tục hàng ngày sau các bản tin thời sự, những bức tranh cát của HS Lê Phong Giao còn lan truyền nhanh chóng trong cộng đồng mạng. Một số đơn vị đã xin phép tác giả được chia sẻ lại các clip này hoặc tải về chiếu cho đoàn viên thanh niên, học sinh xem.

HS tranh cát Trí Đức cũng “nhập cuộc” với tác phẩm Tổ quốc gọi tên mình, sáng tác trên nền ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn (lời thơ Nguyễn Phan Quế Mai). Clip ghi hình chỉ khoảng hơn ba phút, nhưng Tổ quốc gọi tên mình đầy ắp những hình ảnh của lòng tự hào, của tinh thần yêu nước và quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo của dân tộc Việt Nam. Những nét vẽ của Trí Đức không chỉ khiến trái tim người xem bồi hồi xúc động mà còn phác họa nên khí thế hào hùng, quyết tâm bảo vệ Biển Đông của những người con đất Việt.

Lan toa tinh yeu nuoc tu... tranh cat

Mẹ kể con nghe (HS Lê Phong Giao)

Không khí oai hùng của trận Bạch Đằng Giang năm xưa và bài thơ Nam quốc sơn hà được HS tranh cát Nguyễn Thế Nhân đưa vào tác phẩm Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa (trên nền ca khúc cùng tên của nhạc sĩ Ngô Mạnh Hùng, thơ Bích Ngân). Đây là tác phẩm tranh cát mới nhất được giới thiệu trên Youtube vào cuối tháng Năm, đã thu hút gần 1.500 lượt xem chỉ trong một tuần lễ. Không chỉ có khí thế hừng hực của chiến thắng Bạch Đằng Giang oai hùng, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của những chiến sĩ biển đảo hôm nay, tác phẩm còn thể hiện tấm lòng của những người mẹ, người vợ nơi hậu phương... HS Nguyễn Thế Nhân chia sẻ: “Để góp sức cùng triệu triệu con tim, tôi dùng những hạt cát nhỏ bé, mộc mạc, mượn lời thơ, điệu nhạc trong bài Nam quốc sơn hà giữa Trường Sa để truyền tải hào khí cha ông, truyền thống chống giặc ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, khẳng định chủ quyền từ ngàn đời của dân tộc Việt Nam”.


Tác phẩm Tổ quốc gọi tên mình của hoạ sĩ Trí Đức

 Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI