Lan tỏa tình yêu hát bội theo cách của người trẻ

27/10/2021 - 08:00

PNO - Dự án “Bội tự” của Nguyễn Phương Vy, sinh viên năm 4 chuyên ngành Thiết kế đồ họa, Đại học Mỹ thuật TP.HCM, đang được chú ý trên mạng xã hội. Thời gian qua, không chỉ riêng Phương Vy, mà nhiều người trẻ khác cũng dành sự quan tâm nhất định đến loại hình nghệ thuật truyền thống, mang tới tín hiệu khá tích cực.

Yêu truyền thống theo cách của mình

Lên ý tưởng, thực hiện trong vòng một tháng, dự án “Bội tự” của Nguyễn Phương Vy dù chỉ đăng trên trang cá nhân, nhưng được nhiều bạn trẻ quan tâm, chia sẻ. “Bội tự” gồm hai phần: Phần một là typeface (kiểu chữ) được lấy cảm hứng từ lông chim trĩ trên chiếc mão của nghệ sĩ hát bội, phần hai là 22 chữ cái được cách điệu từ cảm hứng sáng tạo con chữ đó. 

Trong từng con chữ, hình ảnh chiếc lông chim trĩ được thể hiện qua những nét móc nhọn kéo dài. Còn với 22 chữ cái, mỗi chữ sẽ được lồng ghép hình ảnh minh họa cho nội dung có liên quan đến ký tự đầu tiên. Ví như chữ B, tác giả chọn từ Bàn thờ tổ để lý giải; còn chữ M, sẽ cắt nghĩa cho từ Mão; chữ C sẽ được lý giải từ Cờ lệnh - một trong những đạo cụ sân khấu thường thấy trong hát bội.

Hình ảnh chữ cái được cách điệu và phần nội dung đi kèm trong “Bội tự”
Hình ảnh chữ cái được cách điệu và phần nội dung đi kèm trong “Bội tự”

“Thông qua “Bội tự”, tôi mong truyền được cảm hứng cho mọi người để tìm hiểu về hát bội, cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác. Hát bội không hề xa lạ, nghệ thuật truyền thống của Việt Nam cũng chẳng thua kém bất kỳ nước nào trên thế giới, vẫn còn nhiều điều rất hay, đáng để mọi người tự hào và tìm hiểu. Không chỉ vậy, typography (nghệ thuật sáng tạo con chữ) trong thiết kế không hề nhàm chán mà vô cùng thú vị”, Phương Vy cho biết. 

Thời gian qua, không chỉ Phương Vy mà Phạm Rồng, sinh năm 1995 (tên đầy đủ là Phạm Vương Quý Rồng, học Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM) cũng có dự án liên quan đến hát bội được chú ý. Trước đó, vào năm 2018, Phạm Rồng được bạn bè rủ tham gia một chương trình vẽ về hát bội (triển lãm “Vẽ về hát bội”). Điều bất ngờ là càng gắn bó, Phạm Rồng càng yêu thích và dành thời gian tìm hiểu, nghiên cứu về loại hình nghệ thuật truyền thống này. Vài năm sau, khi có chuyến đi thực tế ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Bình Định, nguyên là Nhà hát Tuồng cổ Đào Tấn, Phạm Rồng bắt đầu thực hiện dự án cho riêng mình. 

“Má ơi đừng đánh con đau, để con hát bội làm đào má coi” là dự án tập hợp những bức vẽ trong chuyến đi thực tế tại Bình Định, và các buổi quan sát nhóm nghệ sĩ thuộc Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM biểu diễn. Thay vì chụp lại, Phạm Rồng dùng màu vẽ tái hiện hình ảnh các diễn viên hát bội trong những khoảnh khắc thường nhật khi họ đang trang điểm, tập dợt chương trình, hay lúc trình diễn đầy xúc cảm trên sân khấu. 

Nếu ở triển lãm “Vẽ về hát bội”, Phạm Rồng vẽ bằng digital, thì thời gian gần đây, anh thử thêm nhiều chất liệu, phương thức thể hiện khác như mực tàu, than, xé giấy dán, acrylic, chì màu… nhằm mang đến những trải nghiệm mới hơn trong nghệ thuật cũng như “đổi món” cho người xem.

Cuộc chơi không dễ dàng

Chọn nghiên cứu về hát bội, Phương Vy sớm biết dự án “Bội tự” sẽ gặp khó khăn nhất định về mặt thông tin, bởi những nguồn tư liệu chính thống không nhiều. Sau quá trình tìm hiểu, Phương Vy chọn nghiên cứu chủ yếu từ hai nguồn tài liệu là Sổ tay hát bội của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng và Nghệ thuật sân khấu hát bội của nhà nghiên cứu Lê Văn Chiêu.

 

“Các tư liệu tham khảo là một nguồn kiến thức thú vị và rộng lớn. Tuy nhiên, khó khăn chính là làm sao biết được độ xác tín của nguồn tư liệu, đặc biệt, với các tư liệu trên mạng, ranh giới giữa thông tin đúng và chưa đúng càng khó phân biệt hơn. Do đó, việc nghiên cứu chủ yếu từ sách là đáng tin cậy, song song đó, tôi cũng so sánh nhiều nguồn để tìm ra thông tin được cho là chính xác nhất”, Phương Vy cho biết thêm.

Khó khăn về nguồn tư liệu được nhiều bạn trẻ đề cập, nhưng điều đó không phải là rào cản duy nhất. Để đến được với hát bội, một số bạn phải đảm đương nhiều công việc, chia nhỏ quỹ thời gian. Bởi ngoài đam mê nghệ thuật, họ còn phải lo cuộc sống. Như dự án “Vẽ về hát bội” mà Phạm Rồng nhắc đến, sau khi sự kiện tổ chức thành công vào năm 2018, hơn 40 người trẻ trong nhóm chia tay nhau vì sự kiện đã kết thúc.

Nhóm cho biết, mỗi cá nhân đều đã hài lòng với hiệu ứng truyền thông mà sự kiện tạo được, nên quyết định trở lại đời sống thường nhật. Hiện nhóm “Vẽ về hát bội” chỉ đăng tải thông tin về hoạt động hát bội diễn ra trên địa bàn thành phố, hoặc giới thiệu dự án của những người trẻ, chứ không đứng ra tổ chức sự kiện. Trước đó, hơn 40 người trẻ từ nhiều ngành nghề kết hợp cùng nhau để tổ chức tuần lễ vinh danh nghệ thuật hát bội. Hoạt động được công chúng đón nhận, nhưng vì còn công việc và cuộc sống cá nhân nên các thành viên không thể tiếp tục.

Trò chuyện với NSƯT Hữu Danh, người giữ vai trò quan trọng trong việc đào tạo lực lượng trẻ của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM, ông nói việc lan tỏa tình yêu nghệ thuật truyền thống đến công chúng, đặc biệt là người trẻ đã được ông và các đồng nghiệp thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, nếu muốn giới trẻ đi từ yêu thích đơn thuần cho đến hành động là một hành trình dài, cần có cách thức thực hiện hợp lý, hiệu quả hơn.

 Triển lãm “Vẽ về hát bội” từng thu hút đông đảo người trẻ tham gia
Triển lãm “Vẽ về hát bội” từng thu hút đông đảo người trẻ tham gia
 

“Tôi từng làm việc với nhiều người trẻ, và họ rất yêu mến nghệ thuật truyền thống. Tình cảm đó thật sự đáng quý, vì hiện tại, các em có nhiều phương tiện, chương trình giải trí để lựa chọn hơn là lắng nghe, thưởng thức một loại hình nghệ thuật không dễ cảm nhận. Tôi cũng tìm cách kết nối các chương trình đến với nhiều trường học để giúp các em được tiếp cận gần hơn, sau đó mới hy vọng các em tiếp tục là người lan tỏa tình yêu ấy khi thế hệ chúng tôi không còn nữa, nhưng phải thừa nhận là khá khó”, NSƯT Hữu Danh thông tin.

Trong những lý giải cho cái khó ấy, NSƯT Hữu Danh nói có nhiều bạn trẻ đam mê, và quyết tâm theo đuổi, nhưng cũng vì vướng lại ở chỗ tài chính, thành kiến từ các gia đình muốn con có cuộc sống ổn định, nên khó tìm được ai đi dài lâu. Do đó, thỉnh thoảng sẽ có một vài dự án ra mắt, nhưng để duy trì đều đặn, đòi hỏi người thực hiện phải vượt nhiều rào cản lớn. NSƯT Hữu Danh trân quý tình cảm và sự sáng tạo của người trẻ với nghệ thuật truyền thống, nhưng ông cũng ngậm ngùi vì hiểu rõ thực tế.

Phương Vy do biết ngoài “Bội tự”, bạn còn có nhiều ý tưởng phát triển từ dự án này, tuy nhiên, chưa thể khẳng định sẽ làm gì cụ thể ở thời điểm hiện tại. Phương Vy nói bản thân những người trẻ đều biết khi làm về hát bội sẽ rất khó khăn, nhưng hành trình lớn vẫn luôn bắt đầu từ những bước đi nhỏ, nên cứ cố gắng hoàn thành công việc trước mắt, không nghĩ gì quá xa xôi. 

“Tôi thấy việc giữ gìn văn hóa dân tộc không quá nặng nề với thế hệ trẻ, vì mỗi người Việt Nam, dù là bất cứ ai, ở độ tuổi nào thì trong sâu thẳm, tôi tin họ đều trân trọng và hướng về những giá trị của đất nước mình. Tôi thấy trách nhiệm của mỗi cá nhân là như nhau, nhưng cách thể hiện sẽ khác, tùy theo khả năng từng người. Để gìn giữ, phát huy các loại hình văn hóa nghệ thuật dân tộc nói chung và hát bội nói riêng, tôi cho rằng cần sự chung tay góp sức của rất nhiều người, không chỉ trong lĩnh vực thiết kế hay chỉ là người trẻ”, Phương Vy chia sẻ. 

Diễm Mi

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI